Vua Mèo Vương Chính Đức và bản hòa ước với Pháp

Chàng trai mê thổi khèn Vàng Dúng Lùng được người Mèo chọn làm thủ lĩnh đã chiến đấu can trường diệt quân Cờ Đen và buộc Pháp ký hòa ước.

Theo tư liệu chị Vàng Thị Chờ (chắt nội Vua Mèo Vương Chính Đức, hiện làm thuyết minh viên khu nhà Vương ở Hà Giang), từ giữa thế kỷ 18, vùng cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang) đã trở thành địa bàn cư trú của dân tộc H'Mông (người Mèo).

Cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, có khoảng 70.000 người Mèo ở Đồng Văn, gồm các họ lớn, như: Vàng, Dương, Mã, Đào... Mỗi họ có người cầm quyền riêng. Họ Vàng có dòng cúng tổ tiên 33 bát một mâm; có dòng cúng 13 bát; dòng làm ma cho người chết bằng chòi gianh che quan tài; dòng làm chòi bằng cành cây... 

Vua Mèo Vương Chính Đức và bản hòa ước với Pháp ảnh 1 Chị Vương Thị Chờ làchắt nội của Vua Mèo Vương Chính Đức


Chàng trai mê thổi khèn thành thủ lĩnh người Mèo

 Khác với xã hội phong kiến xưng vương hoặc cha truyền con nối, thủ lĩnh của người Mèo do cộng đồng nhất trí lựa chọn từ bộ tham mưu gồm những thành viên ưu tú nhất. Thủ lĩnh được chia thành hai loại: người lo lắng về chuyện đời thường, ăn ở, chiến đấu, đối nội, đối ngoại của dòng họ; người phụ trách về nội quy, ký hiệu và các lễ nghi trong dòng họ. 

Vương Chính Đức là ông Vua Mèo được người dân Đồng Văn trọng vọng đến tận bây giờ. Ông sinh ngày 12/8/1865 tại làng Tra Pò, xã Sà Phìn, huyện Đồng Văn, trong gia đình nghèo thuộc chi thứ 6 của họ Vàng, dòng 33 bát. Từ nhỏ, ông mang tên Vàng Dúng Lùng.

Bố mất sớm, hai anh em Vàng Trá Pò, Vàng Dúng Lùng được mẹ nuôi nấng. Khác hẳn người anh nhút nhát, ngay từ nhỏ Vàng Dúng Lùng bị hấp dẫn bởi sự náo nhiệt của các lễ hội người Mèo và tiếng khèn (crềnh) réo rắt. Với chiếc khèn là vật bất ly thân, cậu lang thang khắp nơi, gặp đâu ngủ đó, quần áo rách lấy dây rừng buộc lại. Vàng Dúng Lùng dần trở thành người thổi khèn nổi tiếng Đồng Văn.

Vua Mèo Vương Chính Đức và bản hòa ước với Pháp ảnh 2 Tư liệu ảnh về Vua Mèo Vương Chính Đức được trưng bàytrong tòa dinh thự. Ảnh:Ngọc Thành.

Thời Pháp đánh chiếm Đông Dương, quân Cờ Đen của Lưu Vĩnh Phúc từ Trung Quốc sang sát cánh cùng nhân dân Việt Nam chống Pháp. Nhưng sau hòa ước Pháp - Thanh (1885), quân Cờ Đen rút về nước, còn ba nhóm ở lại, gồm: Lương Tam Kỳ đóng ở Bắc Kạn, Hoàng Sùng Anh đóng ở Lào Cai - Yên Bái, Hà Quốc Trường đóng ở Hà Giang.

Nhà Thanh và Pháp sau đó cùng mở rộng chiến tranh lên vùng biên giới phía Bắc. Thủ lĩnh người Mèo Vừ Phán Lùng đứng lên chống Thanh, chống Pháp, đặt đại bản doanh tại Đồng Văn. Vì lực lượng yếu, Vừ Phán Lùng phải liên kết với Hà Quốc Trường, nhưng bị phản bội và giết chết. Hà Quốc Trường hùng cứ đất Hà Giang, thực hiện chế độ quân quản hà khắc, đàn áp người Mèo.

Các dòng họ Mèo thống nhất chọn Vàng Dí Tủa (chi thứ 4 họ Vàng, dòng 33 bát), một lần nữa đứng lên kháng chiến. Suốt 10 năm, bằng nghĩa khí và kinh nghiệm chinh chiến dày dạn, Vàng Chí Tủa đã kìm hãm thế lực của quân Cờ Đen Hà Quốc Trường. Nhưng không may, ông mất sớm. Chàng thanh niên có tài thổi khèn Vàng Dúng Lùng được người Mèo chọn làm thủ lĩnh tiếp tục chiến đấu.

Vàng Dúng Lùng tập hợp lực lượng mang tên tổ chức Hươu nai, rút lên núi lập căn cứ. Thời đó ở Đồng Văn người Mèo thường truyền tin nhau “đi làm hươu nai” là tham gia vào đội quân của Vàng Dúng Lùng chống quân Cờ Đen.

Sau đó, tận dụng cơ hội Pháp và nhà Thanh liên kết tấn công quân Cờ Đen, Vàng Dúng Lùng và đội quân Hươu nai xuống núi tiêu diệt toàn bộ lực lượng của Hà Quốc Trường. Người Mèo làm chủ đất Đồng Văn từ năm 1900, sau đó tiếp tục chống Pháp và nhà Thanh.

Bản thỏa ước đầu tiên của người Mèo

Chiến thắng quân Cờ Đen, chàng trai Vàng Dúng Lùng củng cố vững chắc vị trí thủ lĩnh người Mèo ở Hà Giang trong cuộc chiến bảo vệ quê hương, dân tộc. Đất Đồng Văn khi đó không chỉ có vị trí trọng yếu về quân sự mà còn có cây thuốc phiện. Thời đó, mỗi năm người Mèo Đồng Văn sản xuất chừng 20 tấn thuốc phiện. Người Pháp vì thế rất muốn khuất phục người Mèo để thôn tính vùng đất này.

Từ năm 1900, quân Pháp liên tiếp mở chiến dịch tấn công lên Đồng Văn. Nhưng Vàng Dúng Lùng đều lãnh đạo người Mèo đẩy lui. Năm 1909, người Pháp chọn đường tấn công từ Cao Bằng sang Hà Giang. Để chắc thắng, Pháp dùng quan đạo và lính người Tày ở huyện Bảo Lạc vừa dẫn đường, vừa làm lực lượng chiến đấu. Vàng Dúng Lùng thua trận.

Đồng Văn rơi vào tay Pháp. Bộ máy cai trị của thực dân Pháp được thiết lập với các quan lại người Tày đưa từ Bảo Lạc sang. Người Pháp ra sức bóc lột người Mèo, vơ vét tài nguyên trên cao nguyên đá.

Vua Mèo Vương Chính Đức và bản hòa ước với Pháp ảnh 3 Vương Chính Đức sau hòa ước Pháp - Mèo năm 1913. Ảnh tư liệu

Vàng Dúng Lùng rút lên núi, tiếp tục lãnh đạo người Mèo chống Pháp. Cuộc chiến đấu kéo dài 4 năm. Không khuất phục được tinh thần bất khuất của người Mèo, tháng 10/1913 Pháp buộc phải ký hòa ước với người Mèo tại Đồng Văn. Đây là bản hòa ước đầu tiên của những người con cao nguyên đá.

Pháp cam kết rút toàn bộ quân đội khỏi Đồng Văn bao gồm một đạo quân lê dương và các lực lượng quân đội đóng trước đó. Người Mèo được quyền tự trị, dưới quyền của một Đại lý Pháp, bên cạnh bộ máy hành chính Nam triều nhà Nguyễn. Pháp xóa bỏ chính sách quét đất lấy phu với người Mèo, tăng giá thu mua thuốc phiện từ hai hào lên một đồng bạc trắng một lạng tiểu ly.

Đại diện phía Pháp là là tướng Jenera Pecneucin cùng thủ lĩnh người Mèo Vàng Dúng Lùng với tên mới Vương Chính Đức cùng ký vào bản hòa ước. Từ đó, người Mèo Đồng Văn được sống và làm ăn yên ổn trên mảnh đất của mình.

Sau bản hòa ước, cộng đồng người Mèo tôn Vương Chính Đức là Chính Vương (tiếng Mèo Chiv Vax). Năm Khải Định thứ 13 (1928), nhà Nguyễn có sắc phong “Biên chính khả phong” cho Vương Chính Đức cùng thẻ ngà và cân đai, mũ áo triều phục. Hiện nay bức hoành phi khắc 6 chữ này vẫn treo tại dinh thự họ Vương của ông ở Sà Phìn. Nhưng với người Mèo, cuộc chiến đấu còn tiếp tục.

Theo Theo Vnexpress
MỚI - NÓNG
Nhạc, phim mùa giáng sinh: 'Món' cũ vẫn đắt hàng
Nhạc, phim mùa giáng sinh: 'Món' cũ vẫn đắt hàng
TP - Mùa giáng sinh rộn ràng khắp phố phường với những cây thông được trang hoàng rực rỡ, tuy nhìn vào “thực đơn” món ăn tinh thần vẫn loanh quanh những sản phẩm nhuốm màu năm tháng. Từ phim ảnh đến âm nhạc đều mang màu sắc hoài niệm.