Chuyện quanh Dinh thự Vua Mèo: Tất tả nhọc nhằn của cha con nhà Vương

Cổng Dinh thự Vua Mèo Vương Chí Sình.
Cổng Dinh thự Vua Mèo Vương Chí Sình.
TP - Lần gặp lại này với chuyên viên Bộ Văn hóa đã hưu Vương Duy Bảo, hậu duệ của Vua Mèo (gọi Vương Chí Sình bằng chú ruột) không phải để nghe ông tâm sự về các giai đoạn chức việc từng qua như GĐ Nhà sáng tác Đại Lải, GĐ Trung tâm Làng văn hóa các dân tộc Việt Nam… Mà để nghe ông Vương Duy Bảo bộc bạch về một chuyện buồn!

Chuyện buồn ấy là Dinh thự Vua Mèo của Vương Chí Sình ở Sà Phìn, Đồng Văn, Hà Giang tự dưng được các nhà chức việc Hà Giang cấp cho Phòng Văn hóa huyện Đồng Văn chứ không phải cho chính chủ dòng họ nhà Vương là những người được thừa kế hợp pháp trong đó có Vương Duy Bảo.

Thời điểm này nhiều người đã biết về Dinh thự nổi tiếng vua Mèo ở Sà Phìn (sau đây xin được gọi là Dinh thự nhà Vương) được xây cất từ những năm 20 của thế kỷ trước với tổng diện tích trên 1.120 mét vuông.  Khu dinh thự  tọa lạc đắc địa ở thung lũng Sà Phìn, cách huyện lỵ Đồng Văn 15 km. Dinh thự và cả mảnh đất rộng lớn bao quanh thuộc sở hữu của ông Vương Chính Đức  (1865-1947), thủ lĩnh cộng đồng người Mông ở cao nguyên đá Đồng Văn trước cách mạng tháng Tám. Dinh nhà Vương có 3 cung Tiền, Trung, Hậu với 64 phòng dành cho 100 người ở. Dinh nhà Vương với kiến trúc độc đáo mang đậm phong cách  văn hóa Việt, Hán và Pháp. Theo hồi ức của ông Vương Quỳnh Sơn cháu gọi Vương Chí Sình là chú ruột thì các kiến trúc sư người Việt người Hồi bên kia biên giới và cả những hiệp thợ lành nghề tận Vân Nam Trung Quốc hiệp sức xây cất nên. Tổn phí xây cất đâu như 15 ngàn đồng bạc trắng tương đương với trăm tỷ rưỡi bây giờ…

Dẫu đã qua nhiều lần gặp và chuyện trò nhưng âm hưởng từ chất giọng mộc mạc của Vương Duy Bảo trong câu chuyện buồn này vẫn mang sắc thái là lạ? Ông Vương đây là đời thứ năm theo thứ tự đã được 7 đời của họ nhà Vương. 7 đời ấy có các tên lót Chính, Chí, Đình, Quỳnh, Duy, Văn, Lập.

Dinh thự có 3 chủ sở hữu nhưng người đại diện cho cả tòa nhà này là tôi.

Cuối những năm 90, Dinh thự nhà Vương đã xập xệ đổ nát nhiều chỗ. Cũng cần nói thêm, từ năm 1963 dinh thự nhà Vương đã được Bộ Văn hóa lấy làm Bảo tồn bảo tàng. Ông Bộ trưởng Hoàng Minh Giám ký công văn gửi Ủy Ban dân tộc T.Ư và cả việc thỉnh thị Chính phủ, Quốc hội. Ông Chu Văn Tấn thay mặt Quốc hội và chính phủ trả lời ông Nhị Quý, Phó chủ nhiệm Ủy Ban dân tộc T.Ư:  Nhà Sà Phìn là nhà của họ Vương không phải là nhà của Nhà nước. Bộ Văn hóa muốn lấy nhà Sà Phìn làm bảo tồn bảo tàng thì Bộ Văn hóa phải khắc đến thương lượng với họ Vương. Nhưng sau ý kiến ấy của ông Chu Văn Tấn chả thấy động tĩnh nào khác?

Ba mươi năm sau, không hề có động thái bàn bạc thỏa thuận gì với người của Dinh thự nhà Vương, ngày 29/7/1993 Bộ Văn hóa đùng cái, có quyết định công nhận khu nhà Vương là Di tích Lịch sử - văn hóa quốc gia (tại QĐ số 937/QĐ/BT).

Lại chi 10 tỷ đồng để phục vụ việc trùng tu và bảo dưỡng khu dinh thự.

Nhưng oái oăm, việc đáng lẽ phải mừng ấy lại khiến ông Vương buồn?

Ấy là việc các nhà chức việc tự tiện lẫn tùy tiện trong việc trùng tu ngôi nhà mà ông từng cất tiếng khóc chào đời. Nhiều hạng mục đã bị sai lạc, bị phá đi như xây mới! Lẽ ra việc ấy ông phải được hỏi han bàn bạc lẫn thỏa thuận?

Ông Vương  buồn lắm. Nỗi buồn cùng bức xúc ấy đã bật dậy trong một lá  đơn gửi Thủ tướng Phan Văn Khải đầu năm 2002.

Thủ tướng Phan Văn Khải tiếp được đơn của ông, ngay sau đó đã chỉ đạo các cơ quan có trách nhiệm trong đó có Bộ Văn hóa phải tích cực vào cuộc giải quyết.

Chuyện quanh Dinh thự Vua Mèo: Tất tả nhọc nhằn của cha con nhà Vương ảnh 1

Giấy chứng nhận Dinh thự Vua Mèo được cấp cho Phòng VHTT huyện Ðồng Văn – Hà Giang.

 Câu chuyện bữa nay gặp lại, ông con Vương Duy Bảo như cụ thể thêm nỗi buồn của ông bố nhiều năm trước. “Lại lấy hơn 3.000m2 đất của nhà Vương ở Phó Bảng để làm nhà văn hóa. Họ đòi đưa anh em con cháu chúng tôi ra khỏi dinh thự ở Sà Phìn.  Trước khi tiến hành việc trùng tu, họ đã trích 500 triệu đồng từ số tiền hơn 10 tỷ đồng để hỗ trợ những người sinh sống trong tòa dinh thự, mỗi người được hỗ trợ 30 triệu đồng và 100m đất ở phía trước khu dinh thự để làm nơi sinh sống. Chặt 27 cây sa mộc (gỗ quý thuộc họ Pơ mu) có tuổi thọ trên 100 năm vv…”.

Bộ trưởng Bộ Văn hóa khi đó là ông Phạm Quang Nghị đã kịp thời trực tiếp vào cuộc.

Ông gửi thư riêng cho ông Vương Quỳnh Sơn xin lỗi chân thành. Lại cử ông Thứ trưởng Vi Trọng Toán đến làm việc cụ thể với ông Vương.

Lại tổ chức một cuộc họp. Mời ông Vương bố và Vương con Vương Duy Bảo. Đó là ngày 20/3/2002.

Chuyện quanh Dinh thự Vua Mèo: Tất tả nhọc nhằn của cha con nhà Vương ảnh 2

Ông Vương Duy Bảo trong buổi làm việc với tác giả.

Ông Phạm Quang Nghị trong cuộc họp đã khẳng định (sau đó có thông báo bằng văn bản mang số 1125/ TBBVHTT) mấy điểm chính.

Việc nhà nước công nhận di tích lịch sử văn hóa kiến trúc nghệ thuật nhà Vương là ghi nhận có tính pháp lý tôn vinh giá trị lịch sử văn hóa nhằm giữ gìn phát huy giá trị ấy trong tương lai.

Đây mới là điểm quan trọng cốt yếu.

Quyết định này không quốc hữu hóa quyền sở hữu ngôi nhà của những người trong gia đình được quyền thừa kế hợp pháp.

Giao Cục Bảo tồn bảo tàng giúp các đơn vị chức năng tham khảo ý kiến gia đình họ Vương để xây dựng dự án quy hoạch bảo tồn phát huy giá trị khu di tích nhà Vương.

Rồi những quyết định khiến nỗi buồn của ông Vương Quỳnh Sơn cũng như họ Mông ở Sà Phìn như được giải tỏa. Đó là việc các cơ quan có trách nhiệm giải quyết việc xây nhà văn hóa trên 3.000 m2 đất ở Phó Bảng. Việc giữ lại 1-2 phòng trong khu di tích để người trong gia đình được giao nhiệm vụ trông nom di tích cũng như người nhà ở xa về tham quan có chỗ nghỉ ngơi. Rồi cả việc tạo điều kiện trong gia đình họ Vương đi học các lớp nghiệp vụ về bảo tồn bảo tàng để tham gia công việc trông nom quản lý hướng dẫn khách tham quan. Có cả việc bảo tồn khu mộ họ Vương trong khuôn viên di tích.

Lại quyết luôn mấy việc cụ thể. Như việc lỡ chặt 27 cây sa mộc. Không tiếp tục cây đã chặt vào việc làm bàn ghế cho trường học hay việc khác mà phải được dùng vào việc tu bổ sửa chữa khu di tích. Những cây mất cần được đến bù thỏa đáng, địa phương và gia đình phối hợp trồng lại thay thế cây đã bị chặt.

(Còn nữa) 

Ông Hoàng Văn Nhu, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hà Giang ký quyết định số 238/QÐ-STNMT ngày 23/8 về việc thu hồi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với Khu Di tích kiến trúc nghệ thuật Nhà Vương đã cấp cho Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Ðồng Văn ngày 11/9/2012. Lí do thu hồi: Giấy chứng nhận đã cấp không đúng đối tượng sử dụng đất đai.         

BẢO HÂN
MỚI - NÓNG
Người dân Đà Nẵng lo sợ sạt lở dưới chân núi Sọ
Người dân Đà Nẵng lo sợ sạt lở dưới chân núi Sọ
TPO - Nhiều năm nay, hơn 40 hộ dân sống dưới chân núi Sọ thuộc thôn An Ngãi Tây 1 (xã Hòa Sơn, huyện Hòa Vang, TP. Đà Nẵng) phải thấp thỏm, lo sợ khi sống cạnh chân núi bị sạt lở. Hiện nhiều điểm đã có dấu hiệu sạt lở nghiêm trọng khiến người dân càng lo lắng khi mưa bão đã về.