Âm nhạc gọi tên những người cũ
Cây thông túi mùi đang rất thu hút giới trẻ tại phố Hàng Mã. Ảnh: TRỌNG TÀI |
Như Quỳnh bắt đầu nổi lên thành một hiện tượng của âm nhạc hải ngoại với nhạc phẩm Người tình mùa đông. Đây là một bài hát tiếng Nhật có tên Rouge được cố nhạc sĩ Anh Bằng viết lời. Như Quỳnh ghi hình bài hát này ở Canada, vào cuối năm 1993, khi ấy chị 23 tuổi, giờ chị đã 54 tuổi. 31 mùa xuân trôi qua, Như Quỳnh tự trào: “Tôi đã thành… bà già mùa đông”. Thế nhưng, khi mùa giáng sinh đến, ca khúc Người tình mùa đông của chị năm nào vẫn sống dậy rộn ràng.
Ngôi sao bolero từng tiết lộ, trang phục chị diện năm ấy, chiếc mũ nồi, áo khoác đỏ, chân váy trắng đều là đồ đi mượn. Như Quỳnh không thể hình dung được hơn 30 năm sau nhiều bạn trẻ vẫn thích tái hiện hình ảnh của chị trong thời trang đi mượn ấy. Đừng nói thời trang Người tình mùa đông bao mùa Noel vẫn sống.
Bài hát tiếng Nhật do Anh Bằng viết lời được người người cover (hát lại). Trong giới ca sĩ có thể nhắc tới Phương Mỹ Chi, Hà Anh Tuấn… Phương Mỹ Chi hát lại Người tình mùa đông bằng 5 thứ tiếng từng gây sốt mạng xã hội. Trong tập 3 của chuỗi dự án See, sing share 2017, Hà Anh Tuấn đã hát lại Người tình mùa đông theo kiểu của anh, cũng được yêu thích.
Những nghệ sĩ hưởng lợi mùa giáng sinh như danh ca Mariah Carey. |
Nhưng Noel đến, Người tình mùa đông của chính chủ Như Quỳnh vẫn được đón nhận nồng nhiệt hơn cả. Bởi, lời bài hát dù là lời thở than của người không được đền đáp trong tình yêu: “Đường vào tim em ôi băng giá”, “Hỡi ôi trái tim mùa đông” song giai điệu lại rộn ràng, Như Quỳnh khi trình diễn ca khúc này đang ở thời thanh xuân rực rỡ, giọng ca trong trẻo, gương mặt xinh đẹp, điệu bộ nhún nhảy dễ thương… tất cả đã giúp nhạc phẩm nằm trong danh sách những bài hát đáng nghe, đáng xem mùa Noel của khán giả Việt trong nước và hải ngoại hơn 30 năm qua.
Ngoài Người tình mùa đông, Bài thánh ca buồn cũng là một nhạc phẩm hay được nghe mùa giáng sinh. Nhiều khán giả cứ tưởng Bài thánh ca buồn sống được nhờ giọng ca Đàm Vĩnh Hưng. Điều này hoàn toàn sai. Chỉ là Đàm Vĩnh Hưng quá chăm hát Bài thánh ca buồn: “Bài thánh ca đó, còn nhớ không em/Noel năm nào chúng mình có nhau”.
Nhạc sĩ, ca sĩ Mạnh Quỳnh, một tên tuổi của dòng nhạc xưa là bạn thân của nhạc sĩ Nguyễn Vũ cho biết: “Bài này được Nguyễn Vũ viết lâu rồi. Thái Châu là giọng ca đầu tiên hát ca khúc”. Cụ thể, Bài thánh ca buồn là nhạc phẩm ăn khách từ mùa giáng sinh 1972. Nhờ ca khúc của Nguyễn Vũ, ca sĩ Thái Châu bước lên hàng “sao”.
Một ca khúc khác cũng có tuổi đời cũ kỹ đến nay vẫn là ca khúc được yêu thích mùa giáng sinh là Hai mùa Noel. Nhạc phẩm của nhạc sĩ Đài Phương Trang được nhiều giọng ca nổi tiếng của dòng bolero trình diễn như Như Quỳnh- Mạnh Đình hay Phương Anh - “ngôi sao” bolero thế hệ 9x.
Như Quỳnh |
Đến mùa Noel ca khúc ngoại vẫn lấn át ca khúc nội. Những ca khúc ngoại mùa Noel được yêu thích ở ta có thể kể đến Jingle bells, Last Christmas, We wish you a Merry Christmas, Silent night… Jingle bells (Tiếng chuông ngân) quen thuộc đến mức có người còn tưởng là ca khúc Việt vì nó được viết lời Việt khá bắt tai: “Một trời sáng trong an lành và một vùng tuyết ôm cây cành/Một ngày sáng bao la tình, một nỗi sướng vui hồi sinh/Mừng ngày Chúa sinh ra đời người người đó đây vui cười/Hòa bình đến cho muôn người cùng cất tiếng ca mừng vui…”. Jingle bells do James S.Pierpont viết năm 1840.
Nhắc đến ca sĩ hưởng lợi mùa giáng sinh không thể không điểm danh Mariah Carey. Đến mùa giáng sinh, chị lại đắt “sô”. Diva đã khoe trên trang cá nhân 24 triệu người theo dõi, rằng ca khúc All I want for Christmas is You của chị đã trở lại vị trí số 1 trên bảng xếp hạng Billboard Hot 100. Bài hát này phát hành khi Mariah Carey 24 tuổi.
Người ta đã thống kê, All I want for Christmas is You vào tháng 12 hằng năm mang lại cho Mariah Carey từ 600.000 USD đến 1 triệu USD. Đừng nói khán giả ta mà khán giả quốc tế cũng chỉ thích nhạc giáng sinh của những mùa xưa cũ.
Cứ Noel lại Ở nhà một mình
Hằng Nga, 30 tuổi, độc thân, đang sống và làm việc ở Hà Nội nói: “Tôi chưa hề nghĩ mùa giáng sinh phải xem phim gì? Cứ phim nào thích thì xem, không cần lựa chọn có hợp không khí giáng sinh hay không”. Nhiều khán giả Việt Nam đồng thanh, nhắc đến phim mùa giáng sinh họ chỉ nhớ tới Ở nhà một mình. Rất nhiều người chịu khó chia sẻ kỷ niệm quanh bộ phim: “Mãi không quên lúc nhỏ giành ti vi xem phim này (đã xem đi xem lại nhiều lần) mà bị ba tét đít, khóc hu hu” (tài khoản Trinh Nguyễn).
Một tài khoản khác xác nhận: “Đây là bộ phim không thể thiếu của tôi mỗi mùa giáng sinh suốt 20 năm qua”. Một khán giả chia sẻ chị biết đến phim từ đầu năm 2002 và xem đi xem lại nhiều lần. Không chỉ nội dung phim hấp dẫn mà ngay cả khung cảnh phim đậm chất giáng sinh cũng khiến chị cảm thấy như được hòa vào không khí giáng sinh.
Home Alone (Ở nhà một mình) gắn với tên tuổi của nam diễn viên Macaulay Culkin. Anh hóa thân thành cậu bé 8 tuổi thông minh, tinh nghịch có tên Kevin McCallister. Cậu bé vô tình bị gia đình bỏ quên trong chuyến du lịch giáng sinh. Và cuộc chiến Ở nhà một mình chống lại hai tên trộm bắt đầu.
Home Alone (Ở nhà một mình) phát hành năm 1990. Diễn viên nhí nổi tiếng thập niên 1990 nay đã 44 tuổi. Sau 33 năm đóng Home alone (Ở nhà một mình) tháng 12 năm ngoái anh được gắn sao trên Đại lộ danh vọng Hollywood.
Làm phim giáng sinh để được nhớ như Ở nhà một mình không dễ, ngay cả với các nhà làm phim phương Tây. Những năm gần đây, không nhiều phim rạp thành công với đề tài giáng sinh, vì thế khán giả vẫn mang nỗi hoài niệm xem lại những Love actually (Yêu thật sự), The polar express (Tàu tốc hành Bắc Cực), The Holiday (Kỳ nghỉ đáng nhớ), Kẻ cắp giáng sinh, A Christmas carol (Giáng sinh yêu thương), Phép màu trên phố 34,...
Ở ta, nhiều năm nay giáng sinh đã là mùa lễ được người người đón đợi. Nếu có một bộ phim dành cho mùa giáng sinh của Việt Nam ra rạp có lẽ nhiều khán giả háo hức mua vé. Song Lý Hải đang bận Lật mặt, còn Trấn Thành đang bận với mùa phim Tết 2025. Cho nên, khán giả muốn xem phim có màu Noel thì cứ trở lại Ở nhà một mình hay Santa Clause (Ông già Tuyết), phim hài phát hành năm 1994, của đạo diễn John Pasquin.
Tại sao ca khúc cũ về mùa Noel lại có sức sống lâu bền? Nhạc sĩ Mạnh Quỳnh cho rằng: “Đa số những bài hát ngày xưa thường xuất phát từ tâm hồn của người viết, từ những tình huống, câu chuyện có thật nên có sức sống lâu bền”. Ông kể về trường hợp Hai mùa Noel của nhạc sĩ Đài Phương Trang, ngày ấy, Đài Phương Trang đi chơi đêm Noel, tình cờ, ngang qua nhà thờ Đức Bà nhạc sĩ thấy một thanh niên cứ đứng đợi ai đó, liền đoán chắc người ta đợi người yêu. Đến khi tan lễ, Đài Phương Trang vẫn thấy anh chàng đứng đó, người anh chờ chưa hề xuất hiện. Nhạc sĩ bật ra ý nghĩ: Noel nay không gặp thì hẹn Noel năm sau vậy thôi. Ca khúc Hai mùa Noel ra đời như thế”, nhạc sĩ kể.