Quán bia, rượu tấp nập khách ra vào: Như chưa hề có Nghị định 100!

Nhiều khách đến quán "Beer Xanh" ở Trần Thái Tông và để xe máy thành hàng dài trên vỉa hè. Ảnh: Trọng Tài
Nhiều khách đến quán "Beer Xanh" ở Trần Thái Tông và để xe máy thành hàng dài trên vỉa hè. Ảnh: Trọng Tài
TP - Tình trạng tấp nập người điều khiển phương tiện giao thông sau khi uống rượu bia tại các quán hàng Hà Nội đang khiến dư luận cho rằng, Nghị định 100 được nới lỏng?

Khách vô tư uống rồi lái xe về

Ghi nhận của PV Tiền Phong tại nhiều nhà hàng, quán bia trên địa bàn Hà Nội những ngày qua, hầu hết rơi vào tình trạng quá tải vì lượng khách đông. Vỉa hè, lòng đường các tuyến phố la liệt ô tô, xe máy đỗ ngang, dọc và không hề có biển được phép đỗ xe.

Tại quán bia "Beer Xanh" - một trong các quán bia lớn nhất phố ăn uống Trần Thái Tông, Cầu Giấy, Hà Nội, cứ từ 17h hàng ngày tấp nập khách ra vào ngồi uống bia hơi, xe máy để thành hàng dài trên vỉa hè. Trong chiều 26/1, chúng tôi còn ghi nhận, một tốp thanh niên khoảng 20 người đi xe máy đến nhà hàng, sau khi ngồi uống bia hơi, tốp thanh niên này đã mang cả rượu ra uống. Sau hơn 2 giờ ngồi uống bia và rượu tại nhà hàng, đến hơn 20 giờ tối, tốp thanh niên này ra vỉa hè lấy xe máy xuống đường ra về.

Cũng trên đường Trần Thái Tông, tại quán bia Hải Xồm tối 26/1, chúng tôi bắt gặp một toán khách tan và một người trong nhóm bị say phải có người dìu ra xe. Hầu hết, khách đến quán bia Hải Xồm trong những ngày qua đi xe máy, ô tô, rất ít khách đi taxi hay xe ôm. Tại nhà hàng Xanh Trắng trên đường Trần Kim Xuyến (Cầu Giấy), do lượng khách đông nên chủ quán cho kê bàn ra vỉa hè để khách ngồi uống bia.

Trong những ngày vừa qua, ghi nhận trên các tuyến phố có nhiều hàng quán như: Xã Đàn, Đại Cồ Việt, Lê Duẩn, Điện Biên Phủ, Liễu Giai, Trương Định, Ngọc Khánh, Láng Hạ, Nguyễn Thị Thập, Trung Kính, Lê Thanh Nghị, Tô Hiến Thành... hầu hết khách đến quán và đi về đều trực tiếp điều khiển ô tô, xe máy.

Tại phố Nguyễn Hữu Thọ (đường vào Linh Đàm), buổi tối hàng quán ăn uống tấp nập sau cả 23h đêm. Năm ngoái, đây là một trong các vị trí được liên ngành Hà Nội "lập chốt" để xử lý người điều khiển phương tiện uống rượu bia. Tuy nhiên năm nay, cả tháng qua vẫn chưa có chốt kiểm tra nồng độ cồn di động nào lập ở đây. Các nhà hàng, quán ăn có tên: Nhung Hiền, Tùng 999, Như Ý, Cường Còi, Báu Bèng… đang là những địa điểm khách ra vào nhiều nhất. Buổi tối xe máy, ô tô của khách đi đến đỗ kéo dài cả vỉa hè, lòng đường.

Dàn quân nhiều mặt trận chứ không buông?

2020 là năm đầu tiên Nghị định 100 có hiệu lực, Cục CSGT và Phòng CSGT các địa phương đã ra quân trên nhiều mặt trận (cao tốc, quốc lộ, tỉnh lộ, đường đô thị…). Nhiều trường hợp uống rượu bia đã bị xử lý nặng. Riêng xe máy, có người vi phạm đã bị phạt đến 7 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 12 tháng; Tài xế lái ô tô có trường hợp bị phạt đến 37 triệu, tước giấy phép lái xe 18 tháng. Ngoài bị phạt tiền cao, hình thức tước GPLX có thời hạn dài khiến nhiều “ma men” và người hay uống rượu bia rất sợ bị xử phạt, góp phần làm giảm các vụ tai nạn giao thông.

Tuy nhiên, cao điểm cuối năm nay mới diễn ra được khoảng 2 tuần nhưng Hà Nội đã ghi nhận nhiều vụ tai nạn, va chạm giao thông nghiêm trọng xảy ra khu vực nội đô, trong đó có các vụ ở quận Hoàng Mai, Thanh Xuân, Tây Hồ, Hai Bà Trưng, Cầu Giấy… Mới đây, tối 16/1, một nam thanh niên điều khiển xe máy tông vào 3 người đi trên đường Nguyễn Trãi (Thanh Xuân) làm  2 phụ nữ tử vong, một người phải nhập viện cấp cứu. Vụ việc đang được Công an quận Thanh Xuân điều tra, làm rõ.

Về việc CSGT lập các chốt chuyên kiểm tra, xử lý nồng độ cồn, đại diện một số đội CSGT trên địa bàn Hà Nội cho biết, đội vẫn xử lý thường xuyên theo kế hoạch của Phòng CSGT Hà Nội. Việc triển khai kiểm tra, xử lý nồng độ cồn kết hợp với các nội dung khác.

Khi phóng viên so sánh dịp giáp Tết năm ngoái, mỗi địa bàn thường lập từ 2 đến 3 tổ công tác xử lý chuyên lái xe vi phạm quy định về nồng độ cồn, thậm chí lập chốt ngay trước cổng các quán bia, rượu nhưng năm nay khu vực có nhiều nhà hàng, quán bia lại vắng bóng lực lượng tuần tra, đại diện một số Đội CSGT nói: Năm nay, lực lượng CSGT phải phân bổ thực hiện nhiều nhiệm vụ nên nội dung kiểm tra, xử lý nồng độ cồn phải kết hợp với các nhiệm vụ khác. 

Trung tá Đặng Mạnh Hùng, Đội phó Đội CSGT số 3 (khu vực Đống Đa), Phòng CSGT Hà Nội cho biết, mặc dù phải làm nhiều nhiệm vụ nhưng Đội vẫn quan tâm kiểm tra, xử lý nồng độ cồn. Cụ thể, cùng với 1 tổ công tác chuyên ngành, Đội còn có thêm một tổ phối hợp với Công an quận để kiểm tra xử lý rượu bia.

“Từ 30/11/2020 đến nay, Đội CSGT số 3 đã xử lý được tổng cộng 170 trường hợp vi phạm nồng độ cồn, cùng với đó Đội đã linh động áp dụng giải pháp là yêu cầu các nhà hàng lớn trên địa bàn quận ký cam kết không để khách sau khi uống bia, rượu ra về bằng xe cá nhân”, ông Hùng thông tin.  

Nghị định số 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ ra đời và có hiệu lực từ ngày 1/1/2020 quy định: Người điều khiển xe máy vi phạm nồng độ cồn ở mức cao nhất sẽ bị phạt tiền từ 6 đến 8 triệu đồng; ngoài ra người vi phạm còn bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 22 đến 24 tháng. Đối với người điều khiển ô tô vi phạm nồng độ cồn ở mức cao nhất, bị phạt tiền từ 30 đến 40 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 22 đến 24 tháng.

MỚI - NÓNG