Chuyện quốc phục APEC
Sự kiện ấy khiến tôi nhớ lại năm đã lâu có một cuộc ngồi với ông họa sĩ Trịnh Quang Vũ tại nhà riêng của ông ở góc Hồ Tây.
Ông họa sĩ họ Trịnh này từng có cuộc triển lãm khá nổi tiếng ở hoàng thành Thăng Long về y phục các triều đại phong kiến Việt Nam cùng những bộ tranh độc đáo của các giáo sĩ nước ngoài thế kỷ XVI, XII, XIII... từng có những bức ký họa các kiểu về kinh thành Thăng Long mà ông dày công nhiều năm sưu tập được. Thiên hạ còn biết đến ông, một họa sĩ kiêm nhà nghiên cứu đã từng làm cái việc hy hữu, độc đáo là bỏ tiền túi ra mò sang tận Paris, London, Roma, Amsterdam, Berlin... lê la hàng tháng trời ở những Viện nghiên cứu, Bảo tàng cậy nhờ vô số các mối quan hệ khác nhau để lọt vào những kho lưu trữ ngoại quốc để tìm tư liệu cổ về nước mình! Độc đáo là ông có bộ sưu tập về y phục Đại Việt từ triều Lý, Trần cho đến cuối triều Nguyễn...
Cuộc gặp lần này của mấy anh em viết chúng tôi là muốn tham khảo ý kiến của họa sĩ rằng, Hội nghị Thượng đỉnh của Tổ chức Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á Thái Bình Dương (APEC) sắp tới sẽ diễn ra tại Hà Nội, 21 nguyên thủ dự APEC sẽ mặc quốc phục Việt Nam là thứ gì? Bởi theo thông lệ APEC, mỗi nước chủ nhà đều có trang phục riêng.
Tôi thoáng nhớ đến lần APEC ở Thượng Hải tháng 9/2001 và APEC ở Mexico tháng 10/2002 mà mình được bám theo sự kiện với tư cách phóng viên tháp tùng. Các nguyên thủ quốc gia đến Thượng Hải dự APEC được chủ nhà cẩn thận hình như cho đo (mà không biết họ làm bằng cách nào?) từ trước nên khi khoác chiếc áo quốc phục Trung Hoa chọn và thửa cho APEC, tầm thước như Thủ tướng Thái Lan Thạc - xỉn (Thaksin Shinawatra), Thủ tướng Việt Nam Phan Văn Khải cho đến lênh khênh như ông G. Bush, ông Goh Chok Tong, ông Putin... ai nấy đều vừa vặn cả?
Rồi buổi trưa Chủ nhật ngày 27/10/2002, tại sảnh lớn khách sạn Fiesta America của Los Cabos Mexico, 21 nguyên thủ APEC lại cùng vui vẻ khoác tay, ai nấy xúng xính trong bộ Leaders Attir (tạm gọi y phục của nguyên thủ) Thứ Leaders Attir này Châu Mỹ gọi là Guayabera - loại áo bằng vải mỏng ba hoặc bốn túi rất thông dụng được coi là quốc phục của các nước Châu Mỹ Latinh.
BTC Hội nghị Thượng đỉnh đã cẩn trọng bố trí một hiệu may đặc biệt, các nguyên thủ đều phải tới đây để trực tiếp lấy số đo. Nếu nguyên thủ nào bận quá thì tuỳ tùng phải gửi số đo đến. Tất nhiên ngạn ngữ có câu, đại ý là khoác bộ áo chùng không trở thành thầy tu… Nhưng với việc nguyên thủ của 21 quốc gia trong bộ sắc phục Guayabera, mặc dù còn không ít những bất đồng sau hai phiên họp kín đã thống nhất cùng một tiếng nói hoà đồng trong tuyên bố chung APEC-Los Cabos -10/2002.
Ấm trà chưa kịp ngấm, chủ nhân cứ nhẩn nha trước thông tin tôi vừa xẻ chia…
Là họa sĩ đương thư thả về cái áo ngũ thân, tứ thân mà ông khẳng định chắc khừ rằng, thứ quốc phục ấy của người Việt đã từng đĩnh đạc, tha thướt lướt qua dễ đến ngàn năm nay…
Tứ, ngũ thân
Tứ thân, ngũ thân. Ấy là tên chữ. Nhưng dân mình quen gọi là vạt bốn, vạt năm hay chỉ gọn hơn là áo dài!
Bảng lảng, thấp thoáng trong chính sử lẫn dã sử, chiếc áo dài của người Việt đã xuất hiện trước thời Hai Bà Trưng năm 38 trước CN rồi từng ẩn hiện trên hoa văn trống đồng Ngọc Lũ... Giờ vẫn đậm trong truyền thuyết Hai Bà cưỡi voi ra trận mặc áo dài hai tà. Để tỏ lòng tôn kính, hậu duệ Hai Bà tránh không mặc áo hai tà mà thay bằng áo tứ thân với bốn thân áo tượng trưng cho bốn bậc sinh thành ra mình: cha mẹ đẻ, cha mẹ vợ (hoặc chồng). Cái thời mà khổ vải dệt còn hẹp. Bốn mảnh ghép lại với nhau là thành áo quen gọi tứ thân đến giờ!
Gì nữa, hai mảnh chắp lại phía sau giữa sống lưng còn gọi là sống áo. Mép hai mảnh được nối vào nhau và giấu vào phía trong. Hai mảnh đằng trước được thắt lên rồi để thòng xuống thành hai tà ở giữa nên chẳng cần có cúc áo khi mặc. Thường gấu áo được vén lên và chỉ khi có đại tang mới thả xuống. Rồi sau này chiếc áo dài tứ thân được biến cải thành ngũ thân.
Ngũ thân được may như tứ thân. Nhưng vạt bên phải phía trước chỉ được may bằng một thân vải, còn vạt bên trái được may bằng hai thân vải như vạt đằng sau. Năm thân có 5 khuy áo, lúc mặc thì cài khuy hoặc thắt vạt như tứ thân. Chao ôi chỉ là áo sống, nhưng các cụ nhà mình gói ghém vào đó biết bao là thông điệp? Bốn thân áo là tứ thân phụ mẫu. Ngũ thân và năm cái khuy là nhân, nghĩa, lễ, trí, tín toát yếu tiêu chí của đạo làm người vậy?
Dần dà áo ngũ thân đi với quần hai ống và khăn đội đầu là quốc phục của phái nam. Vua, quan cho đến thứ dân, y phục màu sắc có khác nhau nhưng đều từ cái áo 5 thân cổ đứng vừa nói ở trên mà ra cả. Vua quan sắc tía sắc vàng thêu rồng phượng hay chữ thọ nhưng kiểu áo cũng từ ngũ thân cải thêm từ cổ đứng thành cổ tròn chả hạn. Ngoài vua quan, hạng sang kể như mặc ngũ thân nhưng vào cữ hơi ren rét, vận áo ngũ thân bên trong nhưng ngoài khoác thêm cái áo đoạn gấm. Sang nữa thêm cái áo sa phủ ngoài. Áo tứ thân dần trở thành quốc phục phái nữ nào đâu chiếc áo tứ thân/ Chiếc khăn mỏ quạ chiếc quần nái đen... (thơ Nguyễn Bính). Trước thời Nguyễn Bính, tà áo tứ thân vẫn tha thướt cùng thời gian đằng đẵng và không gian mênh mông ấy...
Trà đã ngấm. Đã rót cũng là lúc chủ nhân cũng đậm chuyện về cái tà áo dài của người Việt…
Cứ như ông họa sĩ họ Trịnh này thì tới những năm đầu ba mươi của thế kỷ hai mươi, họa sỹ Cát Tường du học ở Pháp về làm thiên hạ giật nẩy mình trên tờ Phong hóa bằng đoạn văn.
… Các nhà đạo đức thường nói quần áo chỉ là những vật dụng để che thân! Nhưng theo ý tôi, nó là tấm gương phản chiếu ra ngoài cái trình độ trí thức của một nước. Muốn biết nước nào có tiến bộ, có mỹ thuật hay không cứ xem y phục của người nước họ!
Nói là làm. Ông cùng người bạn - họa sĩ Lê Phổ căn cứ vào kiểu tứ thân hì hục chế ra thứ áo dài mới mang tên ông Le Mur Cát Tường. Có chút chi đó hòa hợp giữa tứ thân An Nam với áo đầm Phương Tây?
Sau này, với nhiều cải tiến, cùng với thời gian với chất liệu và vô vàn sắc mầu khác, chiếc áo dài đã nghiễm nhiên thành thứ quốc phục cho phái nữ như bây chừ! Tà áo dài Việt đã thướt tha khắp năm châu bốn bể.
Nhọc nhằn Quốc phục?
Xin trở lại với cái áo ngũ thân. Hàng bao năm rồi nhỉ, nói là đã bặt đã vắng hẳn thì chưa hẳn mà chỉ thảng hoặc loáng thoáng đâu đó những sắc áo kiểu ngũ thân này rồi?
Một bằng cớ nho nhỏ là không ít độc giả mà nhất là lớp trẻ bây giờ nhiều người thấy là lạ, thậm chí chương chướng khi thoáng thấy cái áo tứ thân, ngũ thân, khăn đóng trên đầu đã vội coi như dạng phường tuồng lẫn phường chèo? Chả trách họ, lối phục sức vừa bình dị vừa khoa học xửa xưa ấy của tiền nhân mà nay rất ít người bận, họ có được phổ cập qua kiến thức trên ghế nhà trường đâu? Với lại có trường lớp nào phổ cập lẫn đào tạo bài bản về khoản quốc phục này? Lại thêm lối phục sức na ná của cánh Thượng thư Nam Triều, thành viên của chính phủ Bảo Đại rồi gần hơn là anh em Tổng thống nhà Ngô, hai triều đại được coi là nhạy cảm vốn dị ứng với không ít người?
Tôi tạm biệt ông họa sĩ họ Trịnh tài hoa bằng một cái níu vai thân ái.
Mà này, nếu xứ mình muốn trưng ra thứ quốc phục để giới thiệu với bạn bè quốc tế chả hạn như APEC thì dùng thứ gì được nhỉ?
Ông Vũ cười rằng, đơn giản lắm... Khoản quốc phục nữ coi như ổn rồi phải không, còn quốc phục nam thì cứ căn cứ hẳn vào cái áo ngũ thân mà ông Thượng thư Bộ Lại Phạm Quỳnh đã bận hoặc bộ y phục của ông Tổng thống họ Ngô chẳng hạn? Và nữa, tại sao ta không có sự cải tiến hoặc cải biên tí ti, tỷ như thêm thứ hoa văn cách điệu của Trống Đồng của Chim Lạc chả hạn?
Rồi ông Vũ đưa tôi coi tấm ảnh (ông cho hay đây là ảnh độc bản mà ông có) chụp ngũ đại đồng đường từ thế kỷ XIX một gia đình Việt mặc quốc phục và lưu ý tôi rằng, không có gì khác biệt lắm ở những bộ quốc phục ấy...
Giờ giải lao của một kỳ họp Quốc hội, tôi nhớ có trao đổi với nhà sử học Dương Trung Quốc câu chuyện với vị họa sĩ họ Trịnh thì ông nghị họ Dương rất đồng tình. Ông cũng cho biết thêm, lẽ ra phải làm từ lâu rồi... Ông đã từng phát biểu trước Quốc hội rằng nếu như Chính phủ có một bộ phận tương tự như Bộ Lễ chẳng hạn, chuyên đứng ra lo những việc tương tự thì chuyện này đơn giản thôi... Ông cũng bộc bạch rằng anh em bên ngành sử học cũng chả được hỏi gì về vấn đề này cả!
Hình như có lẽ với vài thứ chưa đồng thuận lẫn bất cập ấy mà bộ quốc phục Việt là áo dài có cải tiến một chút từ áo ngũ thân khoác lên các nguyên thủ dự APEC ở Hà Nội cuối năm 2006 ấy có vẻ không được như ý? Nhiều ý kiến nhận xét rằng trông cũng tàm tạm nhưng không comple lắm! Nghĩa là không được đủ bộ vì có áo dài (ngũ thân - áo lương - áo the) nhưng thiếu khăn… xếp!
Rút kinh nghiệm, việc chọn quốc phục cho APEC 2017 ráo riết công phu có tới hơn nửa năm trời. Một Hội đồng tuyển chọn được thành lập do một ông Thứ trưởng Bộ VH làm Chủ tịch. Thành viên của Hội đồng gồm đại diện của Bộ Ngoại giao, Bộ VHTTDL, Hội Mỹ thuật, Cục Mỹ thuật…
Huế tiên phong?
Trong lặng lẽ, trì trệ của mùa Covid-19, bỗng nổi lên một Huế thương, Huế yêu quốc phục. Bằng cớ là cách nay chỉ hơn một tháng, chẳng hay là các nhà chức việc cùng yếu nhân của ngành văn hóa Huế đã đồng thuận bàn soạn những gì về việc quốc phục? Và người ta thấy Sở VH-TT tỉnh Thừa Thiên - Huế đã cùng đăng ký đặt may đồng loạt, nữ thì bộ áo dài truyền thống, nam thì áo dài ngũ thân truyền thống! Thứ áo dài nữ truyền thống màu tím đặc trưng, có họa tiết hoa sen phía dưới, trên có chữ làm nổi bật nét duyên dáng, nhẹ nhàng. Ngũ thân nam nền áo màu xanh đậm, quần trắng rất trang nhã, lịch thiệp. Nhiều người còn mang tấm thẻ bài mô phỏng theo kiểu xưa với 4 chữ Nho là “Nguyên Phong Chấp Sự”, tức là giữ gìn phong tục xưa.
Cũng thời gian đó, trên trang thông tin điện tử của Sở VH đăng tải các hình ảnh kèm khẳng định rằng “đây là hoạt động nhằm đẩy mạnh và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của bộ “quốc phục” từ bao đời nay của dân tộc Việt Nam, góp phần khẳng định “Huế - Kinh đô áo dài” của Việt Nam”. Để góp phần xây dựng, tuyên truyền nét đẹp văn hóa, trang phục truyền thống chiếc áo dài, được xem là “quốc phục”, sở sẽ áp dụng quy định mặc áo dài truyền thống vào ngày thứ hai đầu mỗi tháng vào dịp Lễ chào cờ tập trung kết hợp giao ban đơn vị và tặng hoa chúc mừng sinh nhật các thành viên có sinh nhật trong tháng.
Nhưng cái cách nhỏ nhẹ khi trả lời với báo chí na ná như kiểu “Dạ…” của người Xứ Huế đất Thần kinh khiến dư luận dịu êm như một sự đồng tình với ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở VH-TT tỉnh Thừa Thiên – Huế mới đây! Rằng việc tiên phong mặc áo dài ấy là cần thiết nhằm khuyến khích cộng đồng phục hồi di sản này. “Dĩ nhiên, ban đầu sẽ gặp khó khăn như khi phụ nữ mặc lại áo dài cách đây vài chục năm, nhưng tôi tin rằng dần dần cộng đồng sẽ chấp nhận”.
Vâng, nghe cũng êm và xuôi. Thực tế cùng công luận có lẽ sẽ là đáp số và câu trả lời ở thì tương lai gần cho những băn khoăn đại loại, đã có quy định trang phục công sở nhà nước rồi, ngành văn hóa Huế mần riêng phục sức riêng lối quốc phục ấy liệu có răng không hỉ?