'Khai tử' hộ khẩu: Phải mất vài năm nữa?

'Khai tử' hộ khẩu: Phải mất vài năm nữa?
TPO - Đại diện Tổng cục Cảnh sát - Bộ Công an cho biết, do hiện chưa có nguồn vốn triển khai vì thế sẽ phải mất vài năm nữa mới cập nhật xong cơ sở dữ liệu. Khi đó mới bỏ sổ hộ khẩu, CMND.

Thu thập 15 thông tin cơ bản của công dân 

Liên quan tới việc Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ký ban hành nghị quyết 112/NQ-CP, trong đó có việc bãi bỏ "hộ khẩu" nhằm đơn giản hóa thủ tục hành chính, trao đổi với Tiền Phong ngày 6/11 đại tá Trần Quốc Sáng, Cục trưởng Cục Cảnh sát đăng ký, quản lý cư trú và dữ liệu quốc gia về dân cư - Tổng cục Cảnh sát (Bộ Công an) cho biết, hiện Chính phủ đã chấp thuận cho triển khai bỏ sổ hộ khẩu, hộ đăng ký tạm trú, chứng minh nhân dân (CMND) và bên Viettel đang thực hiện.

"Hiện Bộ Công an chưa có nguồn vốn để triển khai thực hiện, chính vì thế sẽ phải mất vài năm nữa mới cập nhật xong cơ sở dữ liệu, lúc đó mới bỏ sổ hộ khẩu, CMND được", Cục trưởng Trần Quốc Sáng nói.

Còn theo thượng tá Trần Hồng Phú - Phó cục trưởng Cục Cảnh sát đăng ký quản lý cư trú và dữ liệu quốc gia về dân cư, Tổng cục Cảnh sát: Cuối năm 2018, đầu năm 2019 Bộ Công an sẽ hoàn tất thu thập thông tin của trên 90 triệu dân và cung cấp cho các ngành để giải quyết thủ tục hành chính hiệu quả.

Sau khi được Quốc hội chấp thuận, Tổng cục Cảnh sát sẽ ký hợp đồng với Viettel để triển khai tiếp tục dự án. Dự kiến từ khi bắt đầu tới khi hoàn thành trong khoảng 2 năm. Theo đó, dự kiến đến phải cuối năm 2018 hoặc đầu năm 2019 mới hoàn thành thu thập thông tin của trên 90 triệu dân, cấp số định danh cá nhân, triển khai hạ tầng từ Trung ương tới xã, phường, thị trấn.

Hiện nay việc thu thập thông tin của công dân đang được Chính phủ, các bộ ngành quan tâm; nguồn thu thập thông tin có nhiều nguồn như từ cơ sở dữ liệu hộ tịch của Bộ Tư pháp (khai sinh, khai tử, kết hôn, ly hôn), của bảo hiểm xã hội và một số địa phương cũng đã xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý dân cư của họ rồi.

Bộ Công an sẽ lấy cơ sở dữ liệu có sẵn đó và qua hồ sơ quản lý cư trú từ cấp quận, huyện tới xã phường. Trường hợp chưa có dữ liệu thì sẽ phát phiếu thu thập 15 thông tin cơ bản thì mới đảm bảo về tiến độ thời gian. Còn cứ chờ việc triển khai cấp căn cước công dân, cơ sở dữ liệu hộ tịch thì không đủ thời gian, không thu được thông tin của trên 90 triệu dân theo kế hoạch.

Thủ tục nào bị bãi bỏ?

Nghị quyết 112/NQ-CP mới ban hành bãi bỏ nhiều thủ tục liên quan tới đăng ký tạm trú, thường trú, CMND.

Cụ thể, thủ tục đăng ký thường trú sẽ bãi bỏ hình thức quản lý dân cư đăng ký thường trú bằng “sổ hộ khẩu” và thay thế bằng hình thức quản lý thông qua mã số định danh cá nhân. Từ đó, bãi bỏ kết quả giải quyết thủ tục là “sổ hộ khẩu” và thay thế bằng hình thức cập nhật thông tin trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Thay thế bản khai nhân khẩu (HK01), phiếu báo thay đổi hộ khẩu nhân khẩu (HK02) ban hành kèm theo Thông tư số 36/2014/TT-BCA ngày 9/9/2014 của Bộ Công an quy định về biểu mẫu sử dụng trong đăng ký, quản lý cư trú bằng một biểu mẫu mới bao gồm: nội dung về thay đổi nơi đăng ký thường trú, nơi ở hiện nay và các thông tin về công dân có thay đổi so với thời điểm khai phiếu thu thập thông tin dân cư (nếu có), giảm tải các thông tin đã khai thác được trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Bỏ giấy chuyển hộ khẩu (HK07); Bỏ giấy tờ chứng minh về mối quan hệ gia đình, giấy khai sinh đối với trẻ em đăng ký thường trú.

Thủ tục đăng ký tạm trú tại công an cấp xã sẽ bãi bỏ hình thức quản lý dân cư tạm trú bằng “sổ tạm trú” và thay thế bằng hình thức quản lý thông qua mã số định danh cá nhân. Từ đó, bãi bỏ kết quả giải quyết thủ tục là “sổ tạm trú” và thay thế bằng hình thức cập nhật thông tin trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

MỚI - NÓNG
Mưa lớn gây ngập ở Hà Tĩnh
Mưa lớn gây ngập ở Hà Tĩnh
TPO - Mưa lớn kéo dài cùng nước từ thượng nguồn đổ về đã gây ngập úng, chia cắt giao thông một số khu vực ở Hà Tĩnh. Ngành chức năng địa phương đã xả tràn các hồ chứa để ứng phó mưa lũ có thể xảy ra.