Đường sắt Cát Linh - Hà Đông: Tổng thầu nói hoàn thành, Bộ bảo 'chưa'

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng thị sát dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông sáng 1/10. Ảnh: Như Ý
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng thị sát dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông sáng 1/10. Ảnh: Như Ý
TP - Sáng 1/10 Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng kiểm tra tiến độ một số dự án giao thông trọng điểm trên địa bàn Hà Nội. Ghi nhận sự chủ động và phối hợp của Hà Nội nhưng lãnh đạo Chính phủ cũng thẳng thắn: Các dự án giao thông trọng điểm được kiểm tra chưa đạt được mục tiêu đầu tư, thi công kéo dài, đặc biệt là các dự án đường sắt đô thị.

Tuyến Cát Linh - Hà Ðông vận hành trong năm nay

Sau khi kiểm tra hiện trường các dự án đường vành đai 3 trên cao đoạn Mai Dịch - Cầu Thăng Long, dự án đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cùng lãnh đạo Bộ GTVT, UBND thành phố Hà Nội đã đến hiện trường dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông. Tại ga Cát Linh, đoàn công tác lên tàu chạy thử một vòng từ đầu ga đến cuối tuyến (ga Yên Nghĩa).

Kết thúc hành trình, Phó Thủ tướng di chuyển về trụ sở UBND thành phố Hà Nội làm việc. Phó Thủ tướng nghe Bộ GTVT, Tổng thầu Trung Quốc báo cáo tiến độ dự án. Ông Nguyễn Văn Thể, Bộ trưởng Bộ GTVT cho biết, đến nay dự án đã cơ bản thi công xong và chỉ còn 1% khối lượng công việc. “Hiện Bộ GTVT đang phối hợp với Tổng thầu hoàn thiện các phần việc cuối cùng để đưa tuyến vào vận hành sớm nhất”, ông Thể nói.

Đề cập đến thực trạng dự án, ông Thể cho hay, dự án đã được vận hành thử nghiệm đến nay đã qua hơn 1 năm chưa vận hành chính thức. Theo ông Thể, việc này là quá dài và có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên. Thông tin về việc dự án còn 1% khối lượng công việc, ông Thể cho biết, chủ yếu là hồ sơ, công tác hoàn thiện tại ga đề pô.  

Tuy nhiên, báo cáo về thực trạng dự án, ông Đường Hồng, Giám đốc Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông - thay mặt Tổng thầu cho biết: Hiện dự án đã được Tổng thầu thi công xong 100%, các hồ sơ liên quan cũng đã chuyển giao cho chủ đầu tư là Bộ GTVT 100%. Phần việc còn lại là các thủ tục đưa đoàn tàu vào vận hành và thanh toán theo cam kết.

Trước việc chủ đầu tư là Bộ GTVT báo cáo dự án chưa xong, còn nhà thầu khẳng định xong rồi, Phó Thủ tướng mời đại diện Hội đồng nghiệm thu Nhà nước thông tin. Theo đó, qua các lần kiểm tra tại dự án, thay mặt Hội đồng nghiệm thu nhà nước ông Phạm Minh Hà cho biết: Tuy chất lượng dự án cơ bản được đáp ứng nhưng dự án còn một số vấn đề, trong đó có việc hồ sơ vận hành, hồ sơ kỹ thuật chưa hoàn thiện.

“Trong tuần này, Hội đồng nghiệm thu Nhà nước sẽ làm việc với Bộ GTVT về nội dung trên để xem xét các vướng mắc, từ đó đưa ra các phương án để sớm đưa dự án vào hoạt động”, ông Hà nói.  

Sau khi nghe các bên nêu ý kiến, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chốt lại: Dự án đã cơ bản xong và chỉ 1% còn lại là thủ tục, giấy tờ, do vậy không thể để dự án bị chậm thêm khiến dư luận nhân dân bức xúc. Phó Thủ tướng yêu cầu: Trong năm nay Bộ GTVT phải có trách nhiệm đưa dự án vào khai thác chính thức. 

Tàu chưa chạy: Phải trả lãi 300 tỷ đồng, trả lương 1.000 nhân viên

Cho biết về tình hình phối hợp và thực hiện các dự án giao thông trọng điểm trên địa bàn, ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND thành phố thông tin: Thực hiện Nghị quyết của thành phố, ngoài các dự án Bộ GTVT đang triển khai, hiện thành phố đã và đang thực hiện nhiều dự án giao thông quan trọng nhằm hoàn thiện phát triển hạ tầng, giảm ùn tắc.

Với dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông (chủ đầu tư là Bộ GTVT), ông Chung cho biết, đây là dự án có vai trò quan trọng với giao thông Hà Nội, do vậy không chỉ Chính phủ, Bộ GTVT mà thành phố Hà Nội cũng rất mong mỏi dự án đi vào hoạt động từng ngày. “Dự án đi vào hoạt động sẽ giúp giảm ùn tắc, cùng với đó, vừa tránh lãng phí vốn đầu tư vừa tránh những khó khăn như hiện nay khi thành phố tuyển người, chuẩn bị mọi điều kiện nhưng tàu vẫn chưa chạy chính thức”, ông Chung nêu.

Đề cập cụ thể đến những ảnh hưởng của dự án khi chậm vận hành, ông Chung thông tin: Tuy dự án chưa bàn giao cho Hà Nội tiếp quản vận hành nhưng từ năm 2018 đến nay mỗi năm thành phố Hà Nội đã phải trả khoảng 300 tỷ đồng lãi vay.

Cùng với đó, theo kế hoạch dự án sẽ khai thác từ năm 2018 nên thành phố đã tuyển khoảng 1.000 nhân viên, cán bộ để vận hành. Tuy nhiên 2 năm qua, mặc dù tuyến chưa hoạt động nhưng thành phố đã phải trả lương đều hàng tháng cho số nhân viên, cán bộ này.

Đối với các dự án do Hà Nội triển khai, ông Chung cho biết, trong giai đoạn từ nay đến năm 2020 thành phố Hà Nội thực hiện khoảng 40 dự án giao thông quan trọng, trong đó có một số dự án đã thi công xong đưa vào sử dụng, riêng dự án mở rộng đường Vành đai 3 dưới thấp đoạn Mai Dịch - cầu Thăng Long đang phấn đấu thông xe vào 10/10 tới.

Ngoài ra, ông Chung cho biết, hiện đường Vành đai 3 đoạn Mai Dịch - cầu Thăng Long, Bộ GTVT còn đang triển khai dự án đường trên cao, dự án được bố trí nguồn vốn ODA (Nhật Bản) 5.000 tỷ đồng nhưng qua đấu thầu chỉ hết 3.000 tỷ đồng. Số tiền 2.000 tỷ đồng dôi ra, ông Chung đề nghị Chính phủ và Bộ GTVT bố trí cho thi công hầm vượt tại nút giao với đường Hoàng Quốc Việt nhằm hoàn thiện hạ tầng tại đây.

Với các dự án đường sắt đô thị, ông Nguyễn Đức Chung cho biết, theo quy hoạch phát triển GTVT đã được Thủ tướng phê duyệt, thành phố Hà Nội sẽ có 8 tuyến đường sắt. Hiện nay thành phố và Bộ GTVT đang triển khai 3 dự án với 3 đoạn tuyến là Cát Linh – Hà Đông, Nhổn – ga Hà Nội và Nam Thăng Long – Hồ Hoàn Kiếm – Trần Hưng Đạo.

Hiện 5 tuyến còn lại thành phố đang lên phương án triển khai, với tuyến Văn Cao – Hòa Lạc dài 37,5 km hiện thành phố đã thuê tư vấn thiết kế. Riêng phần vốn đầu tư khoảng 70.000 tỷ đồng, thành phố Hà Nội có thể chủ động bố trí được theo hình thức đầu tư bằng ngân sách từ nguồn tiền cổ phần hóa và đầu tư công trên địa bàn thành phố. Nếu được Chính phủ đồng ý và trình Quốc hội thông qua cho triển khai thì cuối năm 2020 dự án có thể thi công được.

MỚI - NÓNG