Trả lời câu hỏi của báo chí, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết, hiện tại, dự án Đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông còn 1% chưa hoàn thành, bao gồm các công việc: Chưa hoàn thành công tác chỉnh trang, hoàn thiện mỹ quan, khắc phục tồn tại kiến trúc các nhà ga, khu depot, hoàn chỉnh hồ sơ, thủ tục nghiệm thu. Các thiết bị đã lắp đặt của Tổng thầu (Cty Hữu hạn Tập đoàn Cục 6 đường sắt Trung Quốc) chưa cung cấp được đầy đủ chứng chỉ, hồ sơ… để hoàn tất đánh giá an toàn hệ thống. Chưa hoàn thành đề cương vận hành thử toàn hệ thống cho tất cả các đoàn tàu chạy thử (thông tin tín hiệu, hệ thống bán vé…), để đồng bộ hoá làm cơ sở kiểm chứng hoạt động thiết bị và đánh giá độ sẵn sàng của hệ thống, nhân sự vận hành.
Tổng thầu chưa bổ sung đầy đủ hồ sơ quản lý chất lượng nên Tư vấn độc lập đánh giá an toàn hệ thống (Cty Tư vấn ACT của Pháp) chưa có đủ cơ sở xác định mức độ an toàn để cấp chứng nhận cho hệ thống.
Theo ông Đông, những công việc đó khối lượng xây lắp không nhiều, nhưng luôn gắn với hoàn thiện và thiết bị. Trong đó, tồn tại lớn nhất là tập hợp hồ sơ đi kèm theo thiết bị, linh kiện từ xuất xứ, lắp đặt của tổng thầu. Chỉ khi nào tất cả mọi công việc xong mới được chạy tích hợp các đoàn tàu như khai thác thương mại. “Giờ đây, tổng thầu đề nghị chạy thử tàu tích hợp, nhưng chúng tôi yêu cầu phải xong tất cả công việc còn lại mới được chạy, để đảm bảo an toàn. Đơn vị thẩm định độc lập mới hoàn thiện được 6/14 báo cáo, số còn lại phải đầy đủ thủ tục họ mới đánh giá”, ông Đông nói.
Trả lời câu hỏi của PV Tiền Phong “một số thiết bị thiếu giấy tờ, thủ tục, phải chăng những thiết bị đó không rõ ràng về xuất xứ?”, ông Đông cho biết, không có thông tin nào nói như vậy. Phải tập hợp giấy tờ hàng hóa thiết bị vì khi thực hiện tổng thầu không lưu giữ theo trình tự, nên giờ phải tổng hợp lại, mất nhiều thời gian. Trách nhiệm về vấn đề này là của tổng thầu.
Để đẩy nhanh tiến độ dự án, Bộ GTVT đã làm việc với tổng thầu, Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam để đôn đốc các công việc còn tồn đọng. Tuy nhiên, quá trình làm việc giữa Bộ GTVT, Ban quản lý dự án và Tổng thầu chưa mang tới hiệu quả, đặc biệt là công tác lập hồ sơ của tổng thầu chưa đáp ứng yêu cầu. “Tổng thầu có dự kiến tiến độ hoàn thành, nhưng Bộ GTVT đánh giá là chưa khả thi, nên đã yêu cầu tổng thầu lập kế hoạch chi tiết với từng hạng mục còn lại để xác định thời gian hoàn thành. Sau khi chốt được mốc thời gian hoàn thành, Bộ GTVT sẽ báo cáo cấp thẩm quyền cũng như thông tin kịp thời với dư luận.Còn giờ chưa thể đưa ra mốc thời gian nào, vì nếu đưa ra mà tới lúc đó chưa xong sẽ tạo dư luận”, ông Đông nói thêm. Ông cũng cho biết, dự án Cát Linh - Hà Đông là bài học kinh nghiệm rất lớn với Bộ GTVT.
Về xử lý trách nhiệm cá nhân, tổ chức liên quan tới dự án chậm tiến độ, ông Đông cho biết, dự án trải qua thời gian dài, nhiều bên liên quan. Ban đầu dự án do Cục Đường sắt làm đại diện chủ đầu tư, sau đó chuyển sang Ban quản lý dự án đường sắt. Bộ GTVT đang rà soát, kiểm điểm cá nhân, tổ chức liên quan, khi nào có sẽ công bố.
Không chia nhỏ cao tốc Bắc - Nam
Về thực hiện đấu thầu trong nước tìm nhà đầu tư cho 8 đoạn BOT cao tốc Bắc - Nam, ông Nguyễn Ngọc Đông nhận định, có thể sẽ thu hút được nhiều nhà đầu tư trong nước. Vì trước đó chào thầu quốc tế, nên nhiều nhà đầu tư trong nước không nộp hồ sơ. Nay chỉ còn nhà đầu tư trong nước “chơi” với nhau, có thể nhiều nhà đầu tư sẽ tham gia.
Về tiêu chí với các nhà đầu tư trong nước, đại diện Bộ GTVT cho biết, nghị quyết của Quốc hội đã đưa ra 1 số tiêu chí, nên Bộ GTVT không thể thay đổi. Theo đó, vẫn giữ tiêu chí vốn tự có tối thiểu với nhà đầu tư phải bằng 20% tổng vốn làm đoạn tuyến tham gia đấu thầu. Chính phủ không bảo lãnh khoản vay và doanh thu tối thiểu. Tuy nhiên, Bộ GTVT sẽ nghiên cứu điều chỉnh một số tiêu chí, như giảm tiêu chí về kinh nghiệm làm đường cao tốc, hay kinh nghiệm làm hạ tầng giao thông…
Ông Đông cũng khẳng định, đấu thầu trong nước sẽ không chia nhỏ các đoạn dự án, vì nghị quyết của Quốc hội đã nêu rõ 8 đoạn kêu gọi đầu tư BOT. Đồng thời, Bộ GTVT đã nghiên cứu các đoạn đủ dài để thu phí, không thể chỉ đầu tư 5km cũng lập trạm thu phí. Trường hợp nếu đoạn cao tốc nào không tìm được nhà đầu tư sẽ báo cáo Thường vụ Quốc hội để quyết định chuyển sang đầu tư công. “Sẽ không có chuyện chỉ định nhà đầu tư”, ông Đông nói.
Liên quan tới xử lý trách nhiệm tập thể, cá nhân trong quá trình cổ phần hoá các doanh nghiệp thuộc Bộ GTVT, mà trước đó một số lãnh đạo Bộ đã bị kỷ luật, Thứ trưởng GTVT Nguyễn Ngọc Đông thông tin: Về kỷ luật lãnh đạo Bộ GTVT, Thủ tướng đã ký quyết định và tôi cũng nằm trong thành phần bị kỷ luật. Còn với vụ, cơ quan xem xét kỷ luật là Ban cán sự Đảng Bộ, cấp thấp hơn là Đảng ủy. Bộ GTVT đã triển khai nghiêm túc.