Hủy thầu quốc tế cao tốc Bắc - Nam: Cơ hội cho doanh nghiệp nội

Hủy thầu quốc tế cao tốc Bắc - Nam: Cơ hội cho doanh nghiệp nội
TP - Trong hồ sơ mời sơ tuyển quốc tế tìm nhà đầu tư cho 8 đoạn cao tốc Bắc – Nam theo hình thức BOT, Bộ GTVT khi phát hành hồ sơ mời thầu đã có các điều khoản để xử lý tình huống, pháp luật cũng rõ ràng cho trường hợp phải hủy thầu. Với quyết định của Bộ GTVT, các chuyên gia cho rằng doanh nghiệp nội có thể thở phào.

Cơ sở nào?

Trao đổi với PV Tiền Phong, một lãnh đạo Bộ GTVT cho biết, việc đưa 8 đoạn dự án cao tốc Bắc - Nam ra đấu thầu quốc tế căn cứ theo Luật Đấu thầu 2013. Theo Điều 15, Luật Đấu thầu, Dự án đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP) phải thực hiện đấu thầu quốc tế, trừ trường hợp hạn chế đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư. Do đó, Bộ GTVT đã xin ý kiến Chính phủ, các bộ, ngành và thực hiện chào thầu quốc tế.

Về lý do hủy chào thầu quốc tế, chiều 25/9, bên lề một hội thảo tại Văn phòng Quốc hội, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết, số lượng nhà đầu tư vượt qua vòng sơ tuyển quá ít, không đảm bảo tính cạnh tranh, nên hủy. Cụ thể, dù có 60 hồ sơ sơ tuyển, nhưng có tới 4 đoạn dự án không có nhà đầu tư nào qua vòng sơ tuyển. Trong 4 đoạn dự án còn lại, có 2 đoạn chỉ có 1 nhà đầu tư, 1 đoạn có 2 nhà đầu tư, và 1 đoạn có 3 nhà đầu tư qua vòng sơ tuyển.

Ngoài ra, Bộ GTVT cũng cho hay, việc hủy đấu thầu quốc tế cũng do bối cảnh thế giới và khu vực có những diễn biến phức tạp, đảm bảo an ninh quốc phòng. Đồng thời, để phát huy nội lực, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong nước tham gia đầu tư.

Thực tế, trong hồ sơ mời sơ tuyển quốc tế 8 đoạn cao tốc Bắc - Nam, Bộ GTVT cũng nêu rõ: Hồ sơ mời sơ tuyển không phải là một thỏa thuận của Bộ GTVT và Ban quản lý dự án (BQLDA) với các nhà đầu tư. Việc phát hành hồ sơ này không có nghĩa là Bộ GTVT và BQLDA bắt buộc phải lựa chọn và sơ tuyển các hồ sơ đáp ứng để mời vào giai đoạn đấu thầu. Tùy theo từng trường hợp, bên mời thầu (Bộ GTVT) có quyền hủy sơ tuyển mà không phải nêu bất kỳ lý do nào.

Trường hợp chỉ có 1 nhà đầu tư dự sơ tuyển hay 1 nhà đầu tư đủ điều kiện qua sơ tuyển, Bộ GTVT sẽ báo cáo cấp có thẩm quyền quyết định. Nhà đầu tư phải chịu toàn bộ chi phí liên quan tới việc chuẩn bị, nộp hồ sơ dự sơ tuyển, chi phí khác phát sinh liên quan của nhà đầu tư.

Điều 17 Luật Đầu tư cũng cho phép hủy đấu thầu trong trường hợp thay đổi mục tiêu, phạm vi đầu tư đã ghi trong hồ sơ mời thầu. Điều 9, Nghị định 30/2015 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu cũng nêu rõ, với dự án PPP phải đấu thầu rộng rãi quốc tế. Trừ trường hợp chỉ có 1 nhà đầu tư qua vòng sơ tuyển; hoặc dự án đầu tư có mục tiêu bảo vệ chủ quyền quốc gia, biên giới, hải đảo. Như vậy, căn cứ theo quy định này, Bộ GTVT hoàn toàn có thể hủy thầu quốc tế với 8 dự án cao tốc  Bắc - Nam.

“Nhà đầu tư nội thở phào”

Chiều 25/9, bên lề hội thảo tại Văn phòng Quốc hội, ông Dương Trung Quốc (Đại biểu Quốc hội Khóa XIV, Tổng thư ký Hội Sử học Việt Nam) cho rằng, việc hủy thầu quốc tế tìm nhà đầu tư 1 số đoạn cao tốc Bắc - Nam của Bộ GTVT là do khách quan, dựa trên kết quả thực tế triển khai.

Quyết định này giúp các nhà đầu tư trong nước thở phào. Dù là nhà đầu tư nào thì cũng phải đặt vấn đề chất lượng lên hàng đầu. Trước đây, chúng ta đã thực hiện nhiều công trình lớn với nguồn lực trong nước, như đường dây 500kV Bắc - Nam, cầu Bạch Đằng... Điều đó cho thấy DN nội hoàn toàn tự làm được nếu có cơ chế, chính sách phù hợp, đãi ngộ tốt.

“Nếu biết tập hợp lực lượng, các bên đều quan tâm tới lợi ích chung của đất nước, lợi ích nhà đầu tư trên cơ sở minh bạch để người dân tin tưởng, tôi tin rằng chúng ta sẽ làm được”, ông Quốc nói. Theo ông Quốc, trên thế giới đã có nhiều quốc gia thực hiện các dự án BOT thành công, nên chúng ta có thể điều chỉnh từ nhà đầu tư tới ngân hàng, chính quyền để không lặp lại các vấn đề như 1 số dự án BOT đường bộ vừa qua. 

Trao đổi với PV Tiền Phong, chuyên gia giao thông - TS Nguyễn Hữu Đức cho biết, trên thế giới, việc mở thầu rồi huỷ thầu không lạ, miễn là các vấn đề được công bố công khai. Với 8 đoạn kêu gọi BOT cao tốc Bắc - Nam, ban đầu có thể Bộ GTVT kỳ vọng kêu gọi được dòng vốn nước ngoài vào đầu tư hoàn thiện toàn tuyến trong thời gian ngắn. Khi ngân sách nhà nước còn khó khăn, dòng tín dụng cho BOT đã chiếm tỷ lệ cao tại các ngân hàng trong nước, khó vay thêm.

Tuy nhiên, thực tế thay đổi, chúng ta phải hủy. Hơn nữa, đây mới là bước sơ tuyển. “Việc chúng ta huỷ là quyết tâm rất lớn, không cố đấm ăn xôi, trong bối cảnh quốc tế có những biến động. Quyết định này có thể khiến dự án cao tốc Bắc - Nam khó đạt tiến độ như kỳ vọng, thậm chí nhiều năm nữa mới xong, nhưng hủy là cần thiết”, ông Đức nói. Cũng theo vị chuyên gia này, năng lực kỹ thuật trong nước, vật tư, tay nghề người lao động Việt Nam hoàn toàn đáp ứng yêu cầu xây dựng các công trình lớn như cao tốc Bắc - Nam. Trở ngại duy nhất là vốn, nhưng vấn đề này mình Bộ GTVT khó giải quyết.

Những dấu mốc khởi động cao tốc Bắc-Nam

* Tháng 5/2019, Bộ GTVT chính thức phát hành hồ sơ mời sơ tuyển quốc tế tìm nhà đầu tư cho 8 đoạn cao tốc Bắc - Nam. Trong 8 đoạn này, ngoài chi phí giải phóng mặt bằng, ngân sách hỗ trợ 27.694 tỷ đồng cho các nhà đầu tư xây dựng công trình, còn nhà đầu tư phải bỏ ra khoảng 63.716 tỷ đồng.

*Để kêu gọi các nhà đầu tư nước ngoài tham gia, ngày 17/5/2019, Bộ GTVT tổ chức Hội nghị kêu gọi đầu tư vào 8 đoạn BOT. Tại hội nghị này, Bộ GTVT công bố có sự tham gia của hơn 100 nhà đầu tư trong nước và 50 doanh nghiệp nước ngoài (từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Tây Ban Nha, Anh, Pháp, Singapore…).


Trước Hội nghị trên, Tập đoàn Thái Bình Dương (Trung Quốc) khi làm việc với Bộ GTVT còn đề xuất được làm trọn gói cả tuyến Bắc - Nam.


* Nửa đầu tháng 7/2019, sau 2 tháng mở bán hồ sơ sơ tuyển quốc tế tìm nhà đầu tư cho 8 đoạn BOT cao tốc Bắc - Nam, Bộ GTVT đã mở hồ sơ, với kết quả nhận được 60 hồ sơ tham gia. Đáng chú ý, trong số này có tới phân nửa là nhà đầu tư tới từ Trung Quốc (đứng độc lập, hoặc liên danh với doanh nghiệp Việt Nam).


Trước đó, Bộ GTVT dự kiến tháng 9 này sẽ thẩm định, phê duyệt kết quả sơ tuyển nhà đầu tư.


*Mới đây, cử tri Ninh Bình đã kiến nghị Bộ GTVT thận trọng hơn trong việc lựa chọn nhà thầu tham gia các dự án giao thông, đặc biệt là nhà thầu Trung Quốc. Còn cử tri Bình Thuận chất vấn về các giải pháp đảm bảo đầu tư cao tốc Bắc - Nam hiệu quả, đúng tiến độ, chất lượng.


 PHẠM THANH

Rút kinh nghiệm các dự án BOT đường bộ đã thực hiện, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 20/NQ-CP ngày 28/3/2018 về một số định hướng riêng cho dự án cao tốc Bắc - Nam. Theo đó, vốn chủ sở hữu nhà đầu tư tham gia dự án phải bằng 20% tổng vốn đầu tư. Việc lựa chọn nhà đầu tư, lợi nhuận của nhà đầu tư được xác định thông qua đấu thầu cạnh tranh. Trong 6 tháng ký hợp đồng BOT, nhà đầu tư không ký được hợp đồng tín dụng để bố trí vốn triển khai dự án, cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ tịch thu, bảo đảm thực hiện hợp đồng và hợp đồng hết hiệu lực. Ngoài ra, Chính phủ cũng lập tổ công tác liên ngành để hỗ trợ cơ quan nhà nước có thẩm quyền đàm phán, thực hiện dự án gồm đại diện các Bộ: KH&ĐT, Tài chính, TN&MT, Xây dựng, Tư pháp, các địa phương có dự án đi qua và chuyên gia.  

“Nếu biết tập hợp lực lượng, các bên đều quan tâm tới lợi ích chung của đất nước, lợi ích nhà đầu tư trên cơ sở minh bạch để người dân tin tưởng, tôi tin rằng chúng ta sẽ làm được”.

Ông Dương Trung Quốc

MỚI - NÓNG