Chuyện lạ: ‘Người chết vẫn đi khám bệnh, người sống lại không có tên’

Chuyện lạ: ‘Người chết vẫn đi khám bệnh, người sống lại không có tên’
TPO - Sau khi rà soát lại, cơ quan chức năng tại tỉnh Bình Dương đã phát hiện ra nhiều bất cập trong ngành y tế. Theo đó, những người đã tử vong vẫn phát sinh phí khám chữa bệnh bảo hiểm. Trong khi đó, người khám chữa bệnh 4 ngày lại chỉ hưởng bảo hiểm được 2 ngày. Ngoài ra, tình trạng thiếu thuốc ở các bệnh viện công kéo dài gây bức xúc vì bệnh nhân có bảo hiểm phải tự ra ngoài mua thuốc.

Ngày 13/12, đại diện Sở Y tế tỉnh Bình Dương cho Tiền Phong biết, ông Huỳnh Thanh Hà, Phó Giám đốc Sở Y tế đã ký công văn khẩn gửi đến các trung tâm y tế, bệnh viện trên địa bàn đề nghị khẩn trương làm rõ một số vấn đề bất cập trong khám, chữa bệnh bảo hiểm xã hội.

Động thái của Sở Y tế tỉnh Bình Dương được thực hiện ngay sau khi đơn vị này nhận được thông báo từ Bảo hiểm xã hội tỉnh về việc có 5 người đã chết từ tháng 2/2019 đến tháng 12/2020 nhưng vẫn phát sinh chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế.

Các đơn vị liên quan đề nghị xác minh gồm: Trạm y tế phường Tân Đông Hiệp - Trung tâm y tế thành phố Dĩ An, Công ty TNHH Bệnh viện đa khoa Hoàn Hảo, Công ty Cổ phần Bệnh viện Đa khoa Năm Anh, Trạm y tế phường Bình An - Trung tâm y tế thành phố Dĩ An, Phòng khám đa khoa khu vực Phước Hòa - Trung tâm y tế huyện Phú Giáo.

Chuyện lạ: ‘Người chết vẫn đi khám bệnh, người sống lại không có tên’ ảnh 1 Sở Y tế Bình Dương chỉ đạo làm rõ việc người chết vẫn phát sinh phí khám, chữa bệnh

Công văn do lãnh đạo Sở Y tế Bình Dương ký ngoài việc đề nghị khẩn trương xác minh vụ việc còn chỉ đạo xử lý nghiêm các cá nhân liên quan đến quy trình tiếp nhận và điều trị bệnh để dẫn đến các sinh sót phát sinh chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế sau ngày tử vong.

Sở Y tế tỉnh Bình Dương đề nghị các cơ sở y tế nhanh chóng xác minh và báo cáo trước ngày 15/12/2020.

Đáng nói, trong khi người đã chết vẫn phát sinh phí khám, chữa bệnh thì người còn sống lại bị cắt xén chế độ. Cụ thể, theo ghi nhận của PV Tiền Phong, trong quý III/2020, cơ quan chức năng thực hiện công tác giám định chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế tại một cơ sở bệnh viện phụ sản nhi ở Bình Dương.

Qua giám định, Bảo hiểm xã hội tỉnh Bình Dương ghi nhận một số trường hợp bệnh nhân bảo hiểm y tế chưa được hưởng đúng mức theo quy định.

Theo đó, một số trường hợp điều trị 4 ngày nhưng bệnh viện cho hưởng bảo hiểm y tế chỉ 2 ngày, phần còn lại bệnh viện đã đề nghị bệnh nhân thanh toán tiền. Theo Bảo hiểm Xã hội Bình Dương, bệnh viện thực hiện chưa đúng quy định.

Từ đó, Bảo hiểm Xã hội Bình Dương đã có công văn đề nghị Sở Y tế Bình Dương chỉ đạo các cơ sở khám chữa bệnh bảo hiểm y tế thực hiện việc tiếp nhận người bệnh bảo hiểm y tế theo đúng điều 14, 15 Nghị định 146 quy định về mức hưởng và thủ tục khám chữa bệnh bảo hiểm y tế.

Liên quan đến việc người bệnh thiếu thuốc phải tự ra ngoài mua dù có bảo hiểm, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Nguyễn Hoàng Thao cho biết đã chỉ đạo ngành y tế điều chỉnh thuốc từ cơ sở sử dụng ít sang cơ sở đang thiếu, khẩn trương đấu thầu mua sắm, trình phê duyệt danh mục bổ sung thuốc đấu thầu tập trung cung cấp thuốc kịp thời nhằm phục vụ yêu cầu khám, chữa bệnh của nhân dân. Kiên quyết không để tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế xảy ra và sẽ kiểm điểm, xử lý trách nhiệm những đơn vị, cá nhân có liên quan.

MỚI - NÓNG
Người Việt có đúng là hời hợt và thiếu thói quen đọc sách?
Người Việt có đúng là hời hợt và thiếu thói quen đọc sách?
TPO - Nhiều chuyên gia đồng tính với ý kiến của đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (đoàn Bình Định) khi cho rằng người Việt Nam thông minh nhưng thường bỏ phí khả năng do tính hời hợt và thiếu thói quen đọc sách. Một số chuyên gia nhận định việc đọc sách của người Việt hiện nay rất đáng báo động. Có thể nói đến nay Việt Nam chưa thể coi là văn hóa đọc.