Hết thuốc, bệnh viện ép bệnh nhân tự mua

TP - Nhiều bệnh nhân của Bệnh viện (BV) Đa khoa tỉnh Bình Dương bức xúc phản ánh việc họ bị ép buộc phải tự mua dụng cụ y tế mặc dù có bảo hiểm. Thậm chí bệnh nhân còn phải mua cả găng tay cho nhân viên y tế.

Ép bệnh nhân… tự nguyện

Bà Hồ Thị Mến, bệnh nhân điều trị tại BV Đa khoa Bình Dương cho phóng viên Tiền Phong biết, bà phải bỏ tiền để mua một số loại thuốc theo đơn từ bên ngoài với lý do bệnh viện không còn thuốc. “Hoàn cảnh gia đình tôi rất khó khăn, khi bị bệnh tôi trông chờ vào bảo hiểm y tế. Đáng nói, chi phí thuốc men tôi tự bỏ ra mà không được thanh toán lại”, bà Mến nói.

Theo tìm hiểu của phóng viên Tiền Phong, sự việc bệnh nhân phải mua thuốc bên ngoài do bệnh viện yêu cầu kéo dài suốt một năm qua. Không chỉ có thuốc, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương còn đề nghị người bệnh mua dụng cụ y tế cho bệnh viện với hình thức ký văn bản tự nguyện mua.

Ông N.V.B (bệnh nhân chạy thận nhân tạo tại BV Đa khoa tỉnh Bình Dương) cho biết: “Tôi chạy thận ở bệnh viện hơn 4 năm nay. Từ trước đến giờ, tôi đều phải bỏ tiền mua các dụng cụ gồm: dây chuyền, túi đựng, ống tiêm… Tôi có bảo hiểm y tế nhưng đều phải bỏ tiền mua các dụng cụ, trong khi hoàn cảnh rất khó khăn”.

Hết thuốc, bệnh viện ép bệnh nhân tự mua ảnh 1 Bệnh nhân chạy thận tại BV ĐK Bình Dương

Ông B. cho biết thêm, tất cả các bệnh nhân đang điều trị ở khoa Thận nhân tạo của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương đều phải bỏ tiền mua dụng cụ y tế. Phía bệnh viện cũng đề nghị bệnh nhân ký vào văn bản với nội dung tự nguyện mua.

Bệnh nhân T.T.M (đang chạy thận tại BV Đa khoa tỉnh Bình Dương) cho biết, ngoài việc phải tự mua dụng cụ để chữa bệnh cho chính mình, bệnh nhân còn phải bỏ tiền ra mua găng tay cho nhân viên y tế trong khoa thận. “Thấy vụ việc phi lý, bức xúc nhưng chúng tôi không dám nói với ai vì sợ ảnh hưởng đến quá trình điều trị bệnh tại bệnh viện”, bà M. nói.

Liên quan vụ việc, ngày 28/7 PV báo Tiền Phong liên hệ với TS.BS Văn Quang Tân- Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương. Tuy nhiên, ông Tân với lý do bận họp nên chưa thể hồi đáp.

Có thiếu thuốc, nhưng là thuốc đặc trị

Nói về việc thiếu thuốc tại bệnh viện công này, ông Lục Duy Lạc, Giám đốc Sở Y tế Bình Dương xác nhận việc thiếu thuốc bảo hiểm y tế xảy ra ở nhiều cơ sở khám chữa bệnh trong tỉnh nhưng chủ yếu thiếu thuốc đặc trị.

Ông Lục Duy Lạc cho rằng, theo quy định, để có nguồn thuốc bảo hiểm y tế cấp cho bệnh nhân, các cơ sở khám chữa bệnh bảo hiểm y tế phải mua thuốc theo kết quả đấu thầu tập trung của tỉnh. Nhưng kết quả đấu thầu mua thuốc năm 2018 của các cơ sở khám chữa bệnh trong tỉnh đã hết hiệu lực từ tháng 3/2019, dẫn đến những cơ sở không mua đủ thuốc dự trữ “gối đầu” nên rơi vào tình trạng thiếu nhiều loại thuốc bảo hiểm y tế.

Đặc biệt, một số cơ sở y tế như Bệnh viện Đa khoa Bình Dương là nơi có số lượng bệnh nhân đến khám chữa bệnh đông nên cũng làm cho một số loại thuốc hết sớm, vì vậy phải kê đơn cho bệnh nhân mua thuốc ở ngoài.

Theo lãnh đạo Sở Y tế Bình Dương, hiện tại, gói thầu mua thuốc theo tên biệt dược đã được đánh giá xong phần kỹ thuật. Đơn vị mua thuốc tập trung trình Sở Y tế thẩm định và phê duyệt với 60 mặt hàng thuốc.

Theo tìm hiểu của PV Tiền Phong, tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương, vấn đề thanh quyết toán theo diện BHYT từ năm 2018 đến nay vẫn chưa được quyết toán hết. Tình trạng thiếu thuốc ở Bệnh viện Đa khoa Bình Dương liên quan đến việc Kiểm toán Nhà nước phát hiện hàng loạt sai phạm tại Sở Y tế tỉnh này.

Kiểm toán Nhà nước đã chuyển hồ sơ sang Cơ quan Cảnh sát điều tra - Bộ Công an để làm rõ những dấu hiệu vi phạm trong việc đấu thầu thuốc và vật tư y tế trong năm 2017, khiến công tác đấu thầu thuốc và vật tư y tế cho các bệnh viện công, trong đó có Bệnh viện Đa khoa Bình Dương bị chậm tiến độ.

Liên quan sai phạm tại Sở Y tế, đại diện lãnh đạo UBND tỉnh Bình Dương cho PV Tiền Phong biết vụ việc đã được Bộ Công an thụ lý. Do đó, những vấn đề liên quan sẽ được thông tin khi có kết luận. 

MỚI - NÓNG