Bởi đúng ra, trên hóa đơn tiền điện tháng 4 phải ghi rõ chỉ số công tơ của từng hộ tính đến 0h ngày 20/3 là bao nhiêu. Từ số này trở về trước tính theo giá cũ, còn từ số này trở về sau tính theo giá mới.
Tuy nhiên với các công tơ cơ 1 pha – loại đang được dùng khá phổ biến ở nhiều tỉnh thành trên cả nước, ngành điện chỉ tính được theo phương pháp nội suy, tức lấy tổng số kwh tiêu thụ trong chu kỳ tính cước chia đều cho số ngày trong chu kỳ rồi nhân với số ngày được tính theo giá cũ để ra số kwh giá cũ, số kwh còn lại mặc nhiên được tính theo giá mới.
Sau đó, hai số kwh này lại được phân bổ thành 6 giá bậc thang theo quy định, cả cũ lẫn mới. Cộng cả hai phần lại mới ra được hóa đơn tiền điện tháng 4 cho khách hàng.
Ngoài các yếu tố khách quan như nắng nóng đến sớm, tháng ngắn tháng dài, việc ngành điện không có biện pháp kỹ thuật để chốt được đúng số kwh thực tế mà khách hàng đã dùng, cũng là một yếu tố không chính xác có thể dẫn đến việc thiệt thòi cho người dùng.
Tuy nhiên đó chỉ là chuyện nhỏ, vấn đề giá điện và cách tính giá điện hiện nay còn nằm ở chỗ khác. Hàng loạt câu hỏi của người tiêu dùng đang rất cần được Bộ Công Thương và EVN giải đáp thấu đáo. Đó là, vì sao lại là một biểu giá điện gồm 6 bậc thang, mà không phải là 3,4, 5 hay 7,8 bậc?
Cơ sở khoa học và thực tiễn của việc chọn biểu giá 6 bậc này là gì?; Vì sao việc tăng giá điện 8,36% lại không đồng đều ở tất cả các bậc, mà có bậc chỉ tăng 8,33 (bậc 1) trong khi bậc 3 lại tăng tới 8,39%, nhiều bậc khác ở mức 8,37% ? Việc đặt những trọng số khác nhau vào các bậc dựa trên căn cứ nào, liệu việc này có lợi gì cho bên bán điện hay không?
Thiết nghĩ, ngoài số lượng hộ tiêu thụ của mỗi bậc như hiện nay, EVN nên công bố công khai và chi tiết doanh thu tiền điện của mỗi bậc, từ đó người tiêu dùng sẽ hiểu ngay cách đặt trọng số từ 8,33 đến 8,39 vào mỗi bậc thang nhằm mục tiêu gì, có lợi cho ai, người mua hay người bán điện?
Và cuối cùng, liệu khách hàng có thể trở thành “người tiêu dùng thông minh” như mong muốn của ngành điện ? Xin thưa, với loại công tơ điện 1 pha 1 giá đang lắp đặt tại tất cả các hộ sử dụng điện sinh hoạt hiện nay, người tiêu dùng có muốn cũng không thể thông minh được.
EVN đang bán cào bằng giá điện sinh hoạt giờ cao điểm, giờ bình thường và giờ thấp điểm cho mọi gia đình, dẫn đến tình trạng biểu đồ phụ tải có độ chênh lệch lớn giữa giờ thấp điểm và cao điểm. Đây chính là một trong những lý do dẫn đến lãng phí điện, hiệu quả vận hành các nguồn phát không cao, làm tăng chi phí và giá thành sản xuất điện năng.
Tại Pháp, hầu hết các hộ gia đình đều có công tơ điện tử 2 giá, trong đó giá điện sinh hoạt giờ thấp điểm (từ 22h – 6h) chỉ bằng khoảng một nửa giá giờ bình thường. Do đó, khách hàng của họ hoàn toàn có điều kiện để trở thành “người tiêu dùng thông minh”, khi chọn bật máy giặt hay một số thiết bị điện khác vào giờ thấp điểm.
Việc này có lợi cho cả đôi bên, cả người bán và người mua điện. Bao giờ người tiêu dùng điện Việt Nam được quyền thông minh như ở Pháp và nhiều nước khác trên thế giới?
Với hàng loạt câu hỏi nêu trên, câu trả lời xin được dành cho ngành điện.