35% tổng số hộ dùng điện sinh hoạt dùng dưới 100kWh/tháng
Liên quan đến việc hóa đơn tiền điện tháng 4 của nhiều người dân ở Hà Nội và TPHCM tăng đột biến, trả lời báo chí, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng cho hay, bộ đã chỉ đạo EVN giải đáp đầy đủ, thấu đáo các thắc mắc của khách hàng. Nếu có sai sót ở quá trình ghi chỉ số, lập hoá đơn sẽ truy thu hoặc hoàn tiền cho khách hàng, đồng thời xử lý trách nhiệm các cá nhân, tập thể theo quy định.
Theo ông Vượng, sau phản ánh của báo chí, Bộ Công Thương đã kiểm tra và thấy có ba lý do tiền điện tăng. Trong đó, đầu tiên là nhu cầu sử dụng điện tháng 4 của người dân cao hơn nhiều so với các tháng trước do thời tiết nắng nóng. Số liệu cho thấy, sản lượng tiêu thụ thực tế tại Hà Nội bình quân tháng 4 tăng hơn 16% và có hơn 32% khách hàng có mức sử dụng điện trên 1,5 lần so với tháng trước. Trong khi số khách hàng sử dụng nhiều điện hơn ở TPHCM lần lượt là 15% và 22%. Cùng đó là số ngày sử dụng điện tháng 4 nhiều hơn 3 ngày so với tháng 3, làm điện năng sử dụng tăng thêm 10,71%. Yếu tố khác cũng khiến tiền điện tăng là việc điều chỉnh giá điện từ ngày 20/3.
Theo lãnh đạo Bộ Công Thương, phương án giá điện bậc thang hiện nay được chọn sau khi lấy ý kiến rộng rãi và tính tới đa mục tiêu như bảo đảm an sinh xã hội, khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm. Hiện nhiều nước trên thế giới (Nhật, Hàn Quốc, Thái Lan, Malaysia...) đều áp dụng giá điện bậc thang với giá tăng dần theo từng bậc.
Các số liệu từ các đơn vị quản lý ngành điện thuộc Bộ Công Thương cho thấy, năm 2018, Việt Nam có 9 triệu hộ sử dụng điện mức 100 kWh một tháng trở xuống, chiếm trên 35% tổng số hộ dùng điện sinh hoạt. Do vậy giá bán lẻ điện sinh hoạt cho bậc 1 (0-50 kWh) và bậc 2 (51-100 kWh) được tính toán tương ứng bằng 90% và 93% so với mức giá bán lẻ điện bình quân, để hỗ trợ tiền điện cho các hộ thu nhập thấp. Các bậc thang còn lại có giá cao hơn.
Điều chỉnh giá điện bậc thang, cần tính tới người nghèo
Tại cuộc họp báo về giá điện cuối tháng 3 vừa qua, ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Điều tiết Điện lực (Bộ Công Thương) cho biết, hiện cả nước có khoảng 25,8 triệu khách hàng dùng điện sinh hoạt, tính theo 6 bậc thang.
Theo đó, với bậc 1, khách hàng sử dụng dưới 50kwh, giá điện sẽ tăng khoảng 8,3% (khoảng 7.000 đồng/tháng). Bậc 2 (từ 50 đến 100 kWh), khách hàng phải trả thêm hàng tháng khoảng 14.000 đồng (tăng khoảng 8,4%).
Với bậc 3 (sử dụng dưới 200 kWh), khách trả thêm 31.600 đồng; khách hàng sử dụng đến 300kWh/tháng (bậc 4) sẽ tăng chi phí 53.100 đồng/tháng, đến 400 kWh (bậc 5) sẽ trả thêm 77.200 đồng/tháng.
Trong số 25,8 triệu khách hàng sử dụng điện sinh hoạt, khách hàng sử dụng điện dưới 100 kWh chiếm 35,8% (khoảng 9,22 triệu hộ); hộ sử dụng trên 300kWh chiếm chưa đến 15% và trên 400 kWh chiếm khoảng 7%.
“Việc tính giá điện bậc thang là cần thiết. Các hộ nghèo, hộ chính sách vẫn được hỗ trợ 50.340 đồng/tháng. Hiện cả nước có 2,11 triệu hộ nghèo, hộ chính sách, mỗi năm ngân sách đều hỗ trợ tiền điện cho các đối tượng này 1.274 tỷ đồng”- ông Tuấn nói.
Với các hộ dùng điện cho kinh doanh (khoảng 443.000 hộ), sẽ phải chi trả bình quân thêm 500.000 đồng/khách hàng mỗi tháng.
Theo lãnh đạo Cục Điều tiết Điện lực, cả nước có hơn 1,4 triệu khách hàng sản xuất. Với mức tăng giá điện 8,36%, bình quân mỗi tháng một hộ phải trả 12,39 triệu đồng, tăng thêm 869.000 đồng/hộ.
Trao đổi với PV Tiền Phong, một lãnh đạo Bộ Công Thương cho hay, việc điều chỉnh biểu giá điện bậc thang trong thời gian tới là việc phải làm. Thực tế, cách đây gần 4 năm, Bộ Công Thương đã lấy ý kiến các chuyên gia, tổ chức nhiều hội thảo ở cả ba miền để ghi nhận các ý kiến khác nhau liên quan việc điều chỉnh giá điện bậc thang sau khi hóa đơn tiền điện của người dân ở các thành phố lớn tăng vọt sau khi điều chỉnh giá điện. Khi đó EVN cũng đề xuất 3 cách tính mới.
Về câu hỏi của PV Tiền Phong liên quan việc sửa biểu giá điện thế nào để đáp ứng nhu cầu người dùng điện trên toàn quốc hay chỉ phục vụ số đông người sử dụng điện ở thành thị và khả năng chấp nhận tăng giá đến mức nào? vị này cho rằng, đã đề cập việc tăng giá điện chắc chắn không ai muốn cả. Nhưng phải nhìn nhận trong cơ cấu điện cả nước hiện nay, số người dùng điện dưới 100kWh/tháng vẫn chiếm 30%. Số người dùng từ 300 kWh đến 400 kWh và trên 400kWk/tháng chỉ chiếm khoảng 10% tổng lượng người dùng điện trên toàn quốc. Vậy khi co lại thành 3 hay 4 bậc giá điện như các nước đang áp dụng, chắc chắn những người dùng 200-400 kWh/tháng và trên 400kWh/tháng sẽ tăng tiền điện sử dụng hằng tháng rất mạnh. Càng co biểu giá, những người dùng điện càng nhiều sẽ phải trả tiền điện nhiều hơn rất nhiều. Đây là mô hình các nước đang áp dụng.
Thủ tướng yêu cầu kiểm tra việc tăng giá điện
Ngày 3/5, Văn phòng Chính phủ có văn bản truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Thanh tra Chính phủ chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan kiểm tra việc điều chỉnh mức giá bán điện, phương pháp tính giá và việc thu tiền điện thời gian qua, làm rõ đúng, sai và báo cáo Thủ tướng trong tháng 6/2019.
Liên quan đến những phản ánh của người dân về giá điện tăng cao bất thường gây bức xúc dư luận, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh đã ký quyết định 1114 về việc kiểm tra tình hình thực hiện điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân và quy định giá bán điện.
Theo đó, 3 đoàn kiểm tra về quy định giá bán điện và việc điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân của Bộ Công Thương sẽ do lãnh đạo Cục Điều tiết điện lực làm Trưởng đoàn. Các thành viên trong đoàn kiểm tra sẽ có cả đại diện Bộ Tài chính, đại diện Hội Bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tổng liên đoàn lao động Việt Nam, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội và cả đại diện Tập đoàn Điện lực Việt Nam. Thanh Thế
Chỉ 6,65% hộ dân dùng 300-400 kWh/tháng
Về số liệu tỷ trọng khách hàng sinh hoạt trên cả nước theo mức sử dụng điện trong tháng 4/2019, đại diện Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, các số liệu thống kê của hệ thống cho thấy, trong tỷ lệ người dân dùng điện 0-50 kWh chiếm 13,97%; dùng 50-100 kWh chiếm 17,71%; dùng 100-200 kWh chiếm 36,47%; dùng 200-300 kWh chiếm 15,65%. Số người dùng 300-400 kWh chiếm 6,65% trong khi dùng 400-500 kWh chỉ chiếm 3,35%. Số người dùng 500-600 kWh chiếm 1,9% và 600-700 kWh chiếm 1,18%. Số người dùng 700-800 kWh chiếm 0,77%; dùng 800-900 kWh chiếm 0,53%, từ 900-1000 kWh chiếm 0,37% và có 1,47% người dùng điện sử dụng trên 1000 kWh trong tháng 4. Thục Quyên