Vượt qua nỗi đau từ tình yêu thương đồng đội

Chỉ huy đơn vị trao tặng tiền ủng hộ gia đình binh nhất Bàn Chàn Và.
Chỉ huy đơn vị trao tặng tiền ủng hộ gia đình binh nhất Bàn Chàn Và.
TP - Hai năm về trước, binh nhất Bàn Chàn Và, người dân tộc Dao, ở xã Triệu Nguyên (huyện Nguyên Bình, Cao Bằng) là chiến sĩ đại đội 16, Trung đoàn 246, Sư đoàn 346 (Quân khu 1). Lúc Và nhập ngũ về huấn luyện tại đơn vị xa nhà tới hơn 200km cũng là lúc người vợ hiền của anh ra đi, để lại hai đứa con thơ dại.

Vượt qua nỗi đau

Trong câu chuyện bên ấm trà mộc đậm hương đất, hương rừng biên cương, Bàn Chàn Và kể với chúng tôi về quãng thời gian trong quân ngũ được sống giữa tình cảm yêu thương của đồng chí, đồng đội thật cảm động. Và bảo, ngày mình nhập  ngũ cũng là lúc vợ mang thai đứa con thứ 2.

Đang huấn luyện, nhận được thư vợ báo tin sinh con gái, mình mừng lắm, đồng đội ai cũng chúc mừng. Nhưng không ngờ, sinh con mới 2 tháng tuổi, vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, lại phải chịu nhiều vất vả, nên vợ Và bị hậu sản, xuất huyết rồi ra đi… “Khi đó không có điện thoại nên ngày mình về chịu tang thì cũng đúng 10 ngày mất của vợ”, Và tâm sự.

Và nhớ lại: Vợ mình là Hoàng Thị Lụa, sinh năm 1989, còn mình sinh năm 1992, người ta bảo cái tuổi Nhâm Thân của mình vất vả. Ngày đó, mình hoang mang, mẹ mình mất vừa tròn 1 tháng lại nghe tin vợ mất, bỏ lại hai con nhỏ là Bàn Chàn Quyên (sinh năm 2011) và Bàn Mùi Phát (sinh năm 2013). Nhà mình nghèo, chỉ có mảnh ruộng và nương ngô. Mấy năm gần đây, trời không mưa, cây ngô cũng không lên được. “Vợ mình đẻ xong, chắc vì thiếu thốn không kiêng cữ được, chồng ở xa, con nhỏ dại, bố thường xuyên đau yếu nên thành ra…”, Và buồn kể.

Ôm hai con nhỏ vào lòng, Và bảo, ngày đó lo tang xong cũng là lúc nhà thường xuyên thiếu đói. Được sự quan tâm động viên kịp thời của anh em đồng đội, nhất là sự sẻ chia của cán bộ chỉ huy trung đoàn, tiểu đoàn và đại đội cả về vật chất cũng như tinh thần, Và đã vượt qua được sóng gió cuộc đời. “Khi vợ mình mất, Đảng ủy, chỉ huy Trung đoàn 246 đã tổ chức phát động toàn thể cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị quyên góp ủng hộ cho gia đình với số tiền 18 triệu đồng để giúp gia đình ổn định cuộc sống”, Và nói.

Yêu thương, đùm bọc

Đem câu chuyện của binh nhất Bàn Chàn Và trao đổi với trung tá La Công Phương, Chính ủy Trung đoàn 246, ông cho biết: Đơn vị có 70% số chiến sĩ là con em đồng bào dân tộc thiểu số. Chủ yếu là người dân tộc Tày, Nùng, Mông, Dao thuộc 3 tỉnh Thái Nguyên, Bắc Kạn, Cao Bằng. Đời sống hậu phương, gia đình nhiều đồng chí còn gặp khó khăn. “Trường hợp của binh nhất Bàn Chàn Và là một trong nhiều điển hình mà đơn vị đã kịp thời động viên giải quyết tốt về tình hình tư tưởng. Từ tình yêu thương chiến sĩ, sự đùm bọc, sẻ chia của đồng đội đã giúp Và đứng vững và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao”, trung tá Phương nói.

“Trường hợp của binh nhất Bàn Chàn Và là một trong nhiều điển hình mà đơn vị đã kịp thời động viên giải quyết tốt về tình hình tư tưởng. Từ tình yêu thương chiến sĩ, sự đùm bọc, sẻ chia của đồng đội đã giúp Và đứng vững và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao”.

Trung tá La Công Phương, Chính ủy Trung đoàn 246

Theo trung tá Phương, ngoài Bàn Chàn Và, binh nhất Lý Văn Dậu, dân tộc Mông, sinh năm 1992, quê Cổ Linh (Pắc Nặm, Bắc  Kạn) đang công tác  tại Trung đội 3, Đại đội 9, Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 246 và binh nhất Lý Khánh Hoàng, dân tộc Tày, sinh năm 1989 quê tổ 6, phường Tân Giang, thành phố Cao Bằng cũng có hoàn cảnh khó khăn nên không yên tâm công tác. Được sự quan tâm động viên của đồng chí, đồng đội, nhất là việc cán bộ đại đội về tận nhà gặp gỡ, động viên nên binh nhất Lý Văn Dậu và Lý Khánh Hoàng yên tâm công tác, gắn bó xây dựng đơn vị. 

Thượng úy Trần Quang Tiệp, Chính trị viên Đại đội 16 cho biết, từ thực tiễn trường hợp Bàn Chàn Và, đơn vị đã đúc rút được nhiều kinh nghiệm về công tác quản lý, nắm tình hình tư tưởng bộ đội. Đơn vị thường xuyên nắm tình hình tư tưởng bộ đội qua nhiều kênh như sinh hoạt hằng ngày cùng ăn, ở, qua tâm sự giữa đồng chí, đồng đội với nhau. Đặc biệt, cán bộ các cấp phải gắn bó yêu thương cấp dưới, biết lắng nghe tâm tư, nguyện vọng chính đáng của bộ đội, kịp thời xử lý tốt mọi tình huống nảy sinh để bộ đội yên tâm, gắn bó xây dựng đơn vị.

MỚI - NÓNG
Giá vàng nhẫn tròn lên mức 79,3 triệu đồng/lượng, giá vàng SJC giảm về mức 81,8 triệu đồng/lượng. Ảnh:PQ.
Giá vàng nhẫn phá vỡ mọi kỷ lục
TPO - Sáng nay (20/9), giá vàng nhẫn tròn tiếp tục tăng 100.000 đồng/lượng, lên mức 79,3 triệu đồng/lượng, mức cao nhất trong lịch sử. Giá vàng SJC bất ngờ quay đầu giảm, về mức 81,8 triệu đồng/lượng.