Những chiến sĩ giữ yên giấc ngủ của Người

Những chiến sĩ giữ yên giấc ngủ của Người
40 năm qua, các cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 375, Bộ Tư lệnh Cảnh vệ (Bộ Công an) không chỉ bảo vệ an toàn tuyệt đối Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh và khu di tích lịch sử, văn hóa Ba Đình, mà còn đón tiếp, hướng dẫn gần 50 triệu lượt đồng bào và khách nước ngoài đến viếng lăng, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đầy vinh quang: thay Bác đón khách khi Người đi xa…

1. 10h sáng, nắng chói chang, hơi nóng từ sân bê tông hắt lên hầm hập phả vào mặt; ngồi trong chốt bảo vệ của Đại đội 3, Trung đoàn 375 đặt ở một góc Quảng trường Ba Đình nhìn ra khoảng sân bê tông phía trước chỉ một lúc tôi đã có cảm giác lóa mắt vì nắng; dù cái quạt hơi nước đã chạy hết tốc lực vẫn không xua được nóng. Vậy mà chỉ có mỗi tôi mặc sơ mi cộc tay, còn lại từ Trung tá Đại đội trưởng Nguyễn Sĩ Nghị tới gần chục sĩ quan trẻ và toàn đeo quân hàm Trung úy, Thiếu úy vẫn đóng bộ trang phục đại lễ thu đông màu trắng, tay đeo găng trắng đang chờ thay ca trực, chỉ nhìn thôi đã thấy phát ngốt. Nghe tôi hỏi đóng bộ thế này ra đứng dưới trời nắng tới 37 độ giữa sân bê tông có khó chịu không, mấy sĩ quan trẻ măng và đều có gương mặt rám nắng cười bảo: "Đây là công việc hàng ngày của bọn em nên cũng quen rồi anh ạ!".

Trong câu chuyện với tôi, Trung tá Nguyễn Sĩ Nghị, người đã có thâm niên 29 năm công tác ở đơn vị, bảo rằng bây giờ mới là đầu mùa hè thôi, sang tháng 6 có hôm nhiệt độ ở khu Quảng trường Ba Đình này nóng tới hơn 40 độ nhưng tất cả anh em khi làm nhiệm vụ tiêu binh vẫn phải mặc đúng điều lệnh như vậy; trời mưa cũng thế, bên ngoài khoác áo mưa nhưng vẫn phải đủ bộ.

Mùa hè thì nắng nóng, mùa đông có những hôm nhiệt độ ngoài trời xuống tới 6-7 độ cũng vẫn phải đứng; hết ca trực mặt mũi ai nấy tím tái vì rét.

Công việc của đội tiêu binh khi làm nhiệm vụ trên Quảng trường ngoài đảm bảo an ninh còn hướng dẫn khách vào viếng Lăng đi đúng hàng lối.

Theo quy định thì hàng ngày sẽ đón khách vào viếng Bác từ 7h30 tới 10h30, nhưng có những hôm lượng khách đông, việc đón tiếp, hướng dẫn có khi kéo dài tới 1h chiều. Với những đoàn vào viếng Bác mà có vòng hoa thì anh em sẽ phải dẫn riêng.

Như đợt nghỉ lễ vừa qua, suốt cả gần một tuần, do lượng khách tăng đột biến nên ngày nào cũng kéo dài tới 1h chiều. Ngay hôm tôi đến, chỉ trong buổi sáng có tới 48 đoàn đến viếng Bác, trong đó có 28 đoàn có vòng hoa.

Ngoài đứng tiêu binh trên Quảng trường, anh em ở Đại đội 3 còn có nhiệm vụ thực hiện công tác môtô hộ tống quốc gia và gác danh dự các cuộc tiếp khách của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, tiêu binh danh dự các sự kiện lớn.

Đây là nhiệm vụ đặc thù, yêu cầu đặt ra là phải đảm bảo tuyệt đối an toàn các nguyên thủ quốc gia, các đoàn khách quốc tế cấp cao, đồng thời phải đảm bảo yêu cầu rất nghiêm ngặt của nghi lễ Nhà nước và nghi  thức ngoại giao quốc tế.

Mà đừng tưởng đứng tiêu binh là dễ, ai đã từng tập điều lệnh sẽ biết, đứng nghiêm là động tác khó nhất vì đứng lâu, máu dồn xuống chân gây tê, mỏi, mất cảm giác, nếu không quen chỉ cần đứng nghiêm 15 phút là… tự ngã. Trong khi động tác đứng nghiêm của đội tiêu binh là đầu ngay, cổ thẳng, miệng ngậm, cằm thu, bụng thót, tay xuôi, mắt hạn chế chớp, quân dung tươi tỉnh, kiến đốt không được gãi, mồ hôi ướt áo cũng không được kêu.

Vì thế lựa chọn người vào đội tiêu binh, ngoài "mặt đẹp dáng chuẩn" là phải cao từ 1,75m, thì một trong những tiêu chuẩn khắt khe nữa là phải có thể lực tốt mới đáp ứng được yêu cầu công việc. Bởi có những ngày cao điểm, ngoài nhiệm vụ ở Quảng trường Ba Đình, anh em còn gác danh dự 18 cuộc tiếp khách của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, nên dù đã  quen công việc nhưng hàng ngày ngoài thời gian làm nhiệm vụ, khi về đơn vị vẫn phải tập luyện.

Những chiến sĩ giữ yên giấc ngủ của Người ảnh 1

Đội tiêu binh làm nhiệm vụ trên Quảng trường Ba Đình.

2. Nhưng tiêu binh danh dự chỉ là một trong những công việc của đơn vị. Nếu như đội tiêu binh toàn những nam thanh niên trẻ khỏe thì ở bộ phận đón khách lại có rất nhiều phụ nữ.

Nhìn những phụ nữ xinh đẹp, duyên dáng trong tà áo dài đỏ, người đứng đón khách từ ngoài cổng, người thì hướng dẫn, người thì trực tiếp kiểm tra an ninh, tiếp nhận và trả hành lý ở cổng vào phía đường Ngọc Hà… dù bận rộn nhưng luôn tươi cười, tận tình hướng dẫn khách như hướng dẫn viên chẳng thể nghĩ đó là những sĩ quan thuộc Ban Tham mưu, Trung đoàn 375.

Trước năm 2000, ở đây rất ít nữ, nhưng từ năm 2001 trở lại, do yêu cầu công việc, đơn vị tăng cường nhiều cán bộ nữ cho bộ phận đón tiếp.

Trung tá Đỗ Thị Minh Tâm, người có thâm niên 15 năm làm nhiệm vụ ở bộ phận đón tiếp kể rằng, toàn Trung đoàn có 62 cán bộ nữ thì riêng bộ phận của chị đã có tới 38 chị em rồi. Dù có người học trường Công an, có người học đại học ngoại ngữ, du lịch… nhưng khi về công tác ở đây đều có chung sự yêu nghề và tận tâm với công việc.

Hàng ngày, 7h30 bắt đầu làm việc, để chuẩn bị, 6h45 tất cả đã phải có mặt tại đơn vị. Chị em đa số đều đang nuôi con nhỏ, nhiều người chồng công tác ở xa, nhưng tất cả luôn cố gắng để hoàn thành nhiệm vụ.

Với người phụ nữ, những ngày cuối tuần, những dịp nghỉ lễ luôn là thời gian quan trọng để dành cho gia đình, nhưng với các chị những ngày cuối tuần lại là những ngày vất vả nhất vì khách rất đông. Vì thế tiếng là hàng tuần được nghỉ hai buổi chiều thứ Bảy và Chủ nhật nhưng vào những đợt cao điểm thì hiếm khi được nghỉ trọn vẹn.

Trung tá Tâm kể rằng để hỗ trợ những chị em đang nuôi con dưới 1 tuổi, các chị sẽ ưu tiên không phải trực tối và hàng ngày được về sớm hơn mọi người, nhưng vào những lúc cao điểm thì chẳng ai nhận sự ưu tiên ấy, "đợt nghỉ lễ vừa rồi, do lượng khách quá đông, nhiều em chồng đi công tác xa nên trước đó đã phải đưa con về quê gửi ông bà, hết đợt nghỉ mới về đón được bởi những ngày ấy hôm nào cũng phải đón khách đến 1h chiều".

Quả thực có nhìn các chị cùng đồng nghiệp nam làm việc mới thấy công việc này chẳng nhàn chút nào. Vừa phải đảm bảo an ninh, không để bất cứ ai mang theo vật nguy hiểm dễ cháy nổ, dao, kéo… vào khu vực Lăng Bác, phát hiện những vị khách có hành vi bất thường để xử lý, nhưng luôn tươi cười, tận tình hướng dẫn khách, sẵn sàng phục vụ những người già yếu, tàn tật.

Đã có hàng nghìn cụ già, thương binh, người tàn tật, Bà mẹ Việt Nam Anh hùng được các cán bộ, chiến sĩ dùng xe đẩy tay đưa vào viếng Bác.

Những chiến sĩ giữ yên giấc ngủ của Người ảnh 2

Cán bộ Ban Tham mưu Trung đoàn 375 làm nhiệm vụ đón tiếp và kiểm tra an ninh.

Làm cùng lúc 2 nhiệm vụ vừa tiếp tân, vừa đảm bảo an ninh, vì vậy những người phụ nữ nhìn rất dịu dàng, mảnh mai ấy nhưng khi cần xử lý công việc cũng rất kiên quyết khi có tình huống ảnh hưởng tới an ninh.

Sự trung thực thì không thể thiếu, nhiều chị em đã nhặt được tài sản của khách như máy ảnh, ví tiền… đều mang trả lại khiến khách rất hài lòng và cảm động.

Trong câu chuyện với tôi, Trung tá Bùi Khắc Tân, Phó trưởng Ban Tham mưu, người đã có 29 năm công tác ở bộ phận đón tiếp, bảo rằng làm công việc này, anh luôn quán triệt với anh em là ngoài nhiệm vụ đảm bảo an ninh tuyệt đối thì cán bộ chiến sĩ phải có thái độ ân cần, luôn cố gắng học hỏi kiến thức để hoàn thành tốt nhiệm vụ, xây dựng hình ảnh đẹp với khách.

Trung tá Tân kể rằng có cụ già mắt đã mờ, khi đến viếng Bác được anh em tận tình phục vụ khi ra về cứ nghẹn ngào trong nước mắt nói: "Già cám ơn các con đã giúp già thực hiện tâm nguyện cuối cùng là được vào Lăng viếng Cụ Hồ; giờ có nhắm mắt xuôi tay già cũng chẳng còn gì ân hận".

Còn một nhà văn nữ người Nhật Bản bị liệt cả 2 chân, sau khi vào Lăng viếng Bác đã xúc động nói: "Cám ơn các bạn đã giúp tôi thực hiện được mơ ước lớn nhất trong đời".

Với công việc này luôn rất cần kiến thức văn hóa, lịch sử và ngoại ngữ vì hàng ngày khoảng 20% khách đến viếng Lăng là người nước ngoài nên ở bộ phận đón tiếp, ai cũng phải biết ngoại ngữ.

Hằng năm, Lăng đóng cửa 2 tháng để làm công tác duy tu, bảo dưỡng, thời gian ấy ngoài công việc trực đơn vị, huấn luyện chuyên môn, Trung đoàn sẽ tổ chức các lớp bổ túc ngoại ngữ và vận hành thiết bị kỹ thuật để cho cán bộ nâng cao trình độ, giáo viên ngoại ngữ chính là những cán bộ của đơn vị đã tốt nghiệp các trường ngoại ngữ.

Năm 2014, Trung đoàn tổ chức được 2 lớp ngoại ngữ, 1 lớp kỹ thuật. Chính nhờ cách tự đào tạo này mà ở đây có người có thể giao tiếp được mấy thứ tiếng.     

3. Hôm đầu tiên đến Trung đoàn 375, nghe tôi hỏi chuyện công việc, Đại tá Trung đoàn trưởng Doãn Văn Hòa, người đã có tới 37 năm công tác ở đơn vị từ khi còn là anh Trung sĩ trẻ măng, cười bảo rằng: "Tôi vẫn nói vui với anh em là chúng ta làm một công việc không giống ai, tốt nhất nhà báo cứ ra ngoài chỗ anh em làm nhiệm vụ sẽ biết công việc của chúng tôi là thế nào".

Quả thực nhìn lại lịch sử 40 năm của Trung đoàn 375, ngay từ khi thành lập đơn vị đã được giao nhiệm vụ đặc biệt.

Ngày 28/3/1975, Tiểu đoàn 75 trực thuộc Cục Cảnh sát Bảo vệ, tiền thân của Trung đoàn 375, chính thức được thành lập với nhiệm vụ  bảo vệ an ninh, trật tự khu vực Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Quảng trường Ba Đình; tổ chức, đón tiếp, hướng dẫn đồng bào và khách quốc tế vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Ngày 29/8/1975, công trình Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh được khánh thành và chính thức mở cửa để đón tiếp đồng bào, khách quốc tế đến viếng và tham quan công trình văn hóa lịch sử này.

Cùng với nhiệm vụ vũ trang canh gác bảo vệ mục tiêu, bảo vệ an ninh, trật tự, tổ chức lễ viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh, đơn vị còn được giao nhiệm vụ áp tải các chuyến hàng đặc biệt của Nhà nước.

Tháng 7/1975, Tiểu đoàn 75 được đổi tên thành Đoàn 375 trực thuộc Cục Cảnh sát Bảo vệ - Bộ Nội vụ.

Tháng 9/1988, Đoàn 375 - Cục Cảnh sát Bảo vệ được Bộ Công an quyết định chuyển sang trực thuộc Cục Cảnh vệ (nay là Bộ Tư lệnh Cảnh vệ).

Tháng 11/1988, đơn vị tiếp nhận Đại đội 5 của Trung đoàn 600 với nhiệm vụ lái xe môtô hộ tống. Năm 1990, Bảo tàng Hồ Chí Minh được khánh thành, đơn vị được giao nhiệm vụ giữ gìn an ninh trật tự khu vực Bảo tàng; nhiệm vụ tiêu binh danh dự, môtô hộ tống bảo vệ các đoàn khách quốc tế cấp cao đến thăm, làm việc tại Việt Nam; các Đại sứ trình Quốc thư.

Tháng 11/1992, Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) quyết định đổi tên Đoàn 375 thành Trung đoàn 375. Năm 1994, đơn vị tiếp nhận nhiệm vụ bảo vệ Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ.

Ngày 30/7/2007, Trung đoàn được Lãnh đạo Bộ Tư lệnh giao nhiệm vụ gác danh dự các cuộc tiếp khách của các đồng chí Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ và Quốc hội.

Tháng 10/2014, được giao nhiệm vụ bảo vệ Quảng trường Bắc Sơn.

40 năm qua, không chỉ đảm bảo an toàn tuyệt đối toàn bộ khu di tích lịch sử văn hóa Ba Đình, đơn vị đã tổ chức, đón tiếp, hướng dẫn cho hơn 46 triệu lượt người vào Lăng viếng Bác (trong đó có hơn 7 triệu lượt khách quốc tế) đảm bảo chu đáo, an toàn; nhận và trả đầy đủ, chính xác gần 8 triệu hành lý của khách gửi khi vào lăng viếng Bác; cùng với công tác lễ tân, cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn đã vận dụng tốt các biện pháp nghiệp vụ kiểm tra, kiểm soát, phát hiện hàng trăm trường hợp người đến viếng mang theo vũ khí và những vật dụng trái với quy định, góp phần bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Hồ Chủ tịch và khu vực Lăng.

Bên cạnh đó đơn vị còn chuẩn bị tốt các phương án, dụng cụ sơ cứu và  cấp cứu y tế trên 7 nghìn lượt người; tổ chức tốt công tác tiêu binh danh dự, lái xe môtô hộ tống bảo vệ hàng trăm đoàn khách nguyên thủ quốc gia sang thăm và làm việc tại Việt Nam, các đoàn khách cấp cao, các Đại sứ trình Quốc thư, tiêu binh, gác danh dự phục vụ Lãnh đạo Đảng, Nhà Nước, Chính phủ và Quốc hội tiếp khách quốc tế bảo đảm tuyệt đối an toàn, đúng nghi lễ góp phần đắc lực vào công tác đối ngoại của Đảng và Nhà nước.

Những ngày tháng 5 này, đến viếng Lăng Bác, chợt nghe bài hát "Chúng con canh giấc ngủ của Người" với những ca từ da diết; hào hùng: "Nghiêm trang trong nắng Ba Đình/ Hoa thơm ngát trời Thủ đô/ Chúng con nguyện hứa với Người: sắt son vì Tổ quốc hy sinh, bảo vệ nước non ngàn đời sáng tươi" có lẽ ai cũng có tâm trạng xúc động. Nơi mảnh đất lịch sử này, ngày ngày đang có những người cần mẫn làm công việc thay Bác đón khách khi Người đi xa.

Theo Theo An Ninh Thế Giới
MỚI - NÓNG