Vướng

Vướng
TP - Ngày 15-8, trong cuộc họp phòng chống dịch bệnh với 20 tỉnh thành phía Nam, nơi mà bệnh tay chân miệng gia tăng dữ dội cả về số ca mắc lẫn tử vong, tân Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định: “bệnh tay chân miệng đã bùng phát chứ không nói là dịch có nguy cơ bùng phát nữa” và “sẽ công bố dịch”.

Vậy nhưng hai ngày sau, đăng đàn trên một số báo ông Trịnh Quân Huấn - Thứ trưởng Bộ Y tế cho rằng “chưa thể công bố dịch”.

Cái lý của ông Huấn đưa ra là việc công bố dịch phải theo Quyết định 64/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng về “điều kiện công bố dịch và công bố hết dịch bệnh truyền nhiễm” được ban hành năm 2010.

Theo đó, điều kiện thứ nhất công bố dịch khi có số người mắc bệnh truyền nhiễm vượt quá số người mắc dự tính bình thường của cơ quan y tế tuyến tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trở lên.

Trong khi điều kiện thứ 2 phải có ít nhất 1 trong các yếu tố nguy cơ như quy mô, tính chất của bệnh dịch vượt quá khả năng kiểm soát của cơ quan y tế tuyến tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; bệnh dịch được Bộ trưởng Bộ Y tế xác định có sự biến đổi tác nhân gây bệnh, có nguy cơ làm tăng tỉ lệ tử vong và chưa có biện pháp khống chế hiệu quả; bệnh dịch có tỉ lệ tử vong cao mà chưa rõ tác nhân gây bệnh và chưa có biện pháp khống chế hiệu quả; bệnh dịch xảy ra khi có thiên tai, thảm họa”.

Nếu như dựa vào hai điều kiện này, địa phương đứng đầu cả nước cả về số ca mắt và tử vong có lẽ phải công bố dịch!? Vậy nhưng ông Phạm Việt Thanh - Giám đốc Sở Y tế TPHCM gửi công văn cho UBND thành phố cho rằng “chưa đủ điều kiện để thành phố công bố dịch” cho dù Bộ Y tế cho biết việc công bố dịch tùy vào địa phương.

Tại thời điểm ông Thanh gửi công văn, TPHCM đã có gần 7.500 ca mắc và 22 ca tử vong do tay chân miệng gây ra. Ngay cả trong thời điểm ông Thanh cho rằng chưa thể công bố dịch cũng là lúc TPHCM dồn dập liên tiếp 2 trẻ tử vong tay chân miệng nữa trong một ngày.

Lãnh đạo Sở Y tế TPHCM cho rằng, điều kiện 1 để công bố dịch đã có nhưng cả 4 yếu tố của điều kiện 2 đều chưa thỏa đáng!? Nhưng thử hỏi, chỉ trong 8 tháng đầu năm số ca tay chân miệng đã tăng gấp đôi so với năm 2010, số ca tử vong cũng tương tự. Đó là chưa kể từ 2 quận có ca mắc tay chân miệng đầu năm nhưng đến tháng 8 đã lan ra 24 quận huyện.

Trong khi từ tháng 5, các chuyên gia y tế đã cảnh báo virus gây bệnh tay chân miệng đã biến chủng có độc lực cao, sau khi Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM đã gửi 5 mẫu bệnh phẩm qua Đài Loan và kết quả xác định hai mẫu là Enterovirus 71 phân nhóm B2. Các chuyên gia cho rằng B2 là phân nhóm lần đầu tiên xuất hiện ở Việt Nam với biến chứng và gây tử vong cao. Vậy nhưng nó cũng không được xem tới trong yếu tố để công bố dịch!?

Được gì và mất gì khi công bố địa phương mình có dịch chắc ai cũng biết. Không chỉ ngành y tế TPHCM mà các tỉnh có số ca mắc tay chân miệng và tử vong cao như Đồng Nai hay Bình Dương đều cho rằng cái mất của công bố dịch rất lớn. Họ lý giải việc công bố dịch có thể gây hoang mang trong dư luận, ảnh hưởng đến đầu tư, du lịch... của địa phương!? Tuy nhiên, cái được thì ít ai quan tâm.

Theo ý kiến của người vừa được Tổ chức Y tế thế giới vinh danh trong hoạt động phòng chống dịch tay chân miệng, bác sĩ Trương Hữu Khanh- Trưởng khoa Nhiễm BV Nhi đồng 1 TPHCM thì “việc công bố dịch tay chân miệng rất cần thiết vì khi công bố dịch, hệ thống phòng chống dịch sẽ thực hiện bài bản hơn, mỗi người dân sẽ ý thức hơn trong việc đối phó”.

Địa phương cho rằng “vướng quy định” nên dù ca bệnh vào thời điểm đó tăng đột biến họ cũng không dám công bố có dịch đã đành, ngay cả ở Bộ Y tế cũng...?vướng. Ông Huấn cho rằng phải chờ địa phương công bố, Bộ mới công bố! Và khi nào cả nước có 2 địa phương trở lên công bố dịch Bộ Y tế mới công bố dịch trên toàn quốc. Vậy trách nhiệm của Bộ Y tế là ngồi chờ địa phương trong lúc bệnh tiếp tục lây lan sao?

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Đèo An Khê tê liệt
Đèo An Khê tê liệt
TPO - Một khối lượng đất đá bị sạt xuống đường làm bịt lối thoát nước gây ngập một đoạn đường trên đèo An Khê, khiến giao thông bị tê liệt.