Vươn ra biển lớn

Vươn ra biển lớn
TP - Tàu hộ vệ tên lửa Đinh Tiên Hoàng của Hải quân Việt Nam đang tham gia Lễ duyệt binh tàu hải quân quốc tế tại căn cứ hải quân Vishakhapatnam (Ấn Độ).

Chiến hạm lớp Gepard này đã vượt gần 5.000 hải lý từ biển Đông qua eo biển Malacca tới Ấn Độ Dương. Đây là lần đầu tiên một tàu hải quân Việt Nam thăm Ấn Độ. Chuyến thăm này có ý nghĩa lớn đối với mối quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam-Ấn Độ.

Năm 1994, Việt Nam và Ấn Độ ký bản ghi nhớ về hợp tác quốc phòng và quan hệ quốc phòng được mở rộng năm 2000 khi hai nước đạt được thỏa thuận hợp tác mới. Năm 2007, Việt Nam và Ấn Độ ký tuyên bố về quan hệ đối tác chiến lược, cho phép đẩy mạnh hợp tác song phương trên lĩnh vực an ninh và quốc phòng. Sau đó, các chuyến thăm của lãnh đạo cấp cao giữa hai bên đã tạo thêm nhiều động lực tích cực cho mối quan hệ này.

Sự tham gia của một tàu hải quân Việt Nam vào Lễ duyệt binh tàu hải quân quốc tế, mặc dù về bản chất chỉ là một nghi thức, nhưng cần được hiểu trong bối cảnh hợp tác ngày càng gia tăng giữa hải quân hai nước. Hải quân Việt Nam và Ấn Độ đã thực sự có các hoạt động bảo đảm an ninh cho vùng biển của mỗi nước, chống lại các mối đe dọa và thách thức như cướp biển, khủng bố. Việc phổ biến vũ khí giết người hàng loạt và hệ thống cung cấp các loại vũ khí này cũng là mối quan ngại của Việt Nam và Ấn Độ. Ngoài ra, hai nước có khả năng lớn về tình báo và thực địa cần được gắn kết để đảm bảo các lợi ích chung toàn cầu. Ví dụ, Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Ấn Độ và Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam đã và đang hướng tới nhận thức chung về vai trò của mỗi bên trong các vấn đề an ninh biển.

Có lẽ điều quan trọng hơn trong quan hệ song phương giữa hai nước là tàu hải quân Ấn Độ thường xuyên có các chuyến thăm hữu nghị tới các cảng của Việt Nam. Đây cũng là dịp để Ấn Độ thể hiện năng lực tự đóng các chiến hạm của mình. Việt Nam cũng thể hiện mối quan tâm về tàu hải quân Ấn Độ cũng như sự hợp tác trong việc đóng các chiến hạm này.

Khả năng tương tác quân đội là lĩnh vực có ý nghĩa chiến lược. Việt Nam và Ấn Độ có thể củng cố hợp tác trong các lĩnh vực như chống bạo loạn, chống khủng bố và mở rộng diễn tập chung của các lực lượng hải, lục, không quân, giữa các lực lượng tác chiến đặc biệt, đào tạo và diễn tập cũng như hợp tác tình báo.

Hợp tác công nghệ cao là một ưu tiên quan trọng khác giữa hai nước. Việt Nam quan tâm năng lực khoa học - công nghệ của Ấn Độ cho việc phát triển, mở rộng khoa học - công nghệ, hiệu quả đổi mới và chuyển đổi của riêng mình. Thu hẹp khoảng cách công nghệ, đầu tư cho phát triển các công nghệ lưỡng dụng và sự vượt trội trong ngành công nghiệp sẽ có tầm quan trọng lớn đối với cả hai nước.

Ấn Độ và Việt Nam đều vận hành nhiều máy bay do Liên Xô/Nga sản xuất. Điều đáng quan tâm là, hai nước đang sử dụng số lượng lớn các sáng chế quân sự của Liên Xô/Nga. Do vậy, có sự hội tụ liên quan phương pháp, cách thức vận hành, lịch trình bảo trì công nghệ và đào tạo cho những người vận hành trang thiết bị hải quân và không quân hiện đại do Nga sản xuất. Việt Nam đã mua các tàu ngầm lớp Kilo và máy bay chiến đấu Su-30 do Nga sản xuất. Ấn Độ có thể giúp đào tạo nâng cao cho quân đội Việt Nam trên lĩnh vực này. Việt Nam cũng đang quan tâm tên lửa Brahmos của Ấn Độ.

Cuối cùng, chuyến thăm của tàu hộ vệ tên lửa Đinh Tiên Hoàng tới Ấn Độ có thể được coi là sự khởi đầu cho một thời kỳ mới trong hợp tác hải quân giữa hai nước, đặc biệt là ở Ấn Độ Dương - nơi hai bên có nhiều lợi ích trong việc bảo vệ các tuyến đường biển quốc tế trước nguy cơ bị xáo trộn. Chuyến thăm này cũng cho thấy thế “vươn ra biển lớn” của hải quân Việt Nam và khả năng tự tin tác chiến vượt ra khỏi vùng biển truyền thống của lực lượng này.

MỚI - NÓNG
Chưa có tiền lệ
Chưa có tiền lệ
TP - Chưa từng có nguyên thủ quốc gia nước ngoài nào tham dự lễ nhậm chức của tổng thống Mỹ, khiến lời mời của ông Donald Trump dành cho Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trở thành chưa từng có tiền lệ. Lời mời này nhấn mạnh khuynh hướng của ông Trump về những cử chỉ gây ấn tượng mạnh nhằm tái định hình mối quan hệ hoặc thu hút sự chú ý toàn cầu.