Những cá thể hổ Đông Dương nói trên là vật chứng trong một chuyên án buôn bán động vật hoang dã trái phép được Công an tỉnh Nghệ An phát hiện, thu giữ. Theo đó, ngày 01/8/2021, Phòng Cảnh sát môi trường Công an tỉnh Nghệ An chủ trì, phối hợp với các lực lượng chức năng bắt giữ 2 đối tượng là Trần Trung Hiếu (SN 1984) và Nguyễn Văn Lai (SN 1967), cùng trú huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh khi đang vận chuyển trái pháp luật 7 cá thể hổ trái phép.
Qua đấu tranh, các đối tượng khai nhận, 7 cá thể hổ con này được một người Lào thuê vận chuyển ra địa bàn huyện Diễn Châu, Nghệ An. Sau khi bắt giữ, Công an tỉnh Nghệ An đã bàn giao 7 cá thể hổ này cho VQG Pù Mát chăm sóc.
Hổ Đông Dương có tên khoa học là Panthera tigris Corbetti |
Khi VQG Pù Mát tiếp nhận, những cá thể hổ mới chỉ khoảng 40 ngày tuổi, một số có biểu hiện bị bệnh nhưng đã được chăm sóc, cứu hộ tốt nên các cá thể Hổ đều sống và phát triển tốt, mỗi cá thể Hổ đều đạt trọng lượng trung bình từ 50 đến 60 kg.
Tuy nhiên, Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã của VQG Pù Mát là nơi cứu hộ động vật khẩn cấp nên cơ sở hạ tầng chật hẹp, chỉ dành cho hổ còn nhỏ, không thể đáp ứng được điều kiện cho nhu cầu sinh trưởng và phát triển của các cá thể Hổ nói trên. Do đó, được sự đồng ý của UBND tỉnh Quảng Bình, Ban Quản lý VQG Phong Nha - Kẻ Bàng đã đề xuất và xin tiếp nhận 7 cá thể hổ nói trên từ VQG Pù Mát về nuôi dưỡng và chăm sóc.
Để chuẩn bị cho việc tiến hành chăm sóc, nuôi dưỡng 7 cá thể Hổ sau khi tiếp nhận, Ban Quản lý VQG Phong Nha - Kẻ Bàng đã tiến hành xây dựng kế hoạch tiếp nhận, vận chuyển và cứu hộ, cử 3 cán bộ đi học tập kinh nghiệm, quy trình kỹ thuật chăm sóc, nuôi dưỡng hổ, đồng thời, xây dựng quy trình kỹ thuật cứu hộ, khẩu phần ăn nhằm bảo đảm phù hợp với tập tính theo từng giai đoạn sinh trưởng.
Việc tiếp nhận 7 cá thể hổ Đông Dương từ VQG Pù Mát để tiếp tục nuôi dưỡng, chăm sóc đã khẳng định được năng lực của Ban Quản lý VQG Phong Nha - Kẻ Bàng trong công tác cứu hộ và bảo tồn động vật hoang dã.