Chỉ cần một chiếc loa thùng có gắn bánh xe, một chiếc điện thoại gắn thẻ nhớ ghi nhạc những bài “hát tủ”, thêm ít hàng hóa như tăm, bông tai, kẹo cao su… và một chất giọng “nghe được” là nhiều người có thể thành “ca sĩ” hát rong.
Cũng đành… xin làm người hát rong!
Hình ảnh thường thấy ở thành phố Vinh và vùng phụ cận. |
7 giờ tối, đường Nguyễn Văn Cừ, TP Vinh tất bật kẻ mua, người bán. Bất chợt từ đâu vang vọng lời ca: “Gọi đò ơi, cớ sao không có ai đưa đò…”. Thì ra, đó là giọng ca của nam thanh niên trẻ dáng người dong dỏng, tay đẩy chiếc loa thùng, tay cầm micro. “Chất giọng khá trong nhưng gợi buồn”, một người đàn ông đang ăn đồ nướng cạnh bàn nhận xét. Cạnh đó, một thanh niên người thấp bé hơn độ tầm 20 tuổi cầm chiếc mũ lưỡi trai nhỏ tiến vào từng bàn ăn của các thực khách mong được “ủng hộ” tiền. Hỏi ra mới biết, người hát rong tên Tuấn, SN 1989, quê Tĩnh Gia (Thanh Hóa). Gia cảnh nghèo khó nên học xong cấp 2, Tuấn đã nghỉ học để đi làm thợ xây. Trong một lần tình cờ, Tuấn bắt gặp một đôi vợ chồng hát rong liền tìm đến hỏi han. Thấy nghề hát rong cũng chủ động thời gian, không bị bó buộc lại sẵn chất giọng khá ổn nên sau lần ấy, Tuấn bỏ nghề thợ xây và quyết tâm sắm vật dụng để theo nghề. Đến nay, ở tuổi 36, Tuấn đã có thâm niên 10 năm làm “kiếp du ca”.
Trong lúc chờ nhạc đệm, tôi nghe Tuấn giãi bày: “Nào ai muốn cảnh lang thang, mua vui cho người khác để nhặt từng đồng bạc lẻ đâu anh. Nhưng vì mưu sinh nên đành chấp nhận, mình không làm việc xấu là được”. Làm nghề “mua vui cho thiên hạ”, với những thanh niên trẻ cũng đâu ít chuyện vui buồn. Có lẽ niềm vui nhất của họ là khi gặp được những người biết cảm thông, chia sẻ, biết trân trọng lời ca, tiếng hát. Tuy vậy, bao tủi nhục, đắng cay vẫn theo bước chân họ rong ruổi trên những nẻo đường. “Vì miếng cơm, manh áo thì còn kể gì đến sạch bẩn, sang hèn nữa. Người ta biết cảm thông thì rút ví cho dăm ba đồng nhưng cũng có những người mỉa mai, dè bỉu sao thanh niên sức dài vai rộng lại đi hát rong, thiếu gì việc để làm. Ai biết rằng, để kiếm được đồng tiền từ cái nghề này cũng cơ cực lắm, nhiều hôm đi rạc chân còn về tay không”, Tuấn nói rồi lại cầm micro cất cao giọng hát, người em họ của Tuấn lại cặm cụi ngửa mũ ra đón những đồng bạc lẻ của người qua đường hay trong từng quán xá. Cái nghề hát rong ấy tưởng nhàn nhã mà sao lắm nỗi sầu cay.
Tuấn trong một lần biểu diễn hát rong đường phố. |
Không những tại các thành phố nơi có nhiều nhà hàng, quán sá, nghề “hát rong” còn “lạc” về những nơi có các khu công nghiệp (KCN). Một lần về KCN Nam Cấm (Nghi Lộc) tình cờ người viết bài bắt gặp hình ảnh thân thuộc ở thành phố Vinh. Người thanh niên tầm ngoài đôi mươi, mái tóc bồng bềnh đúng chất nghệ sỹ tay đẩy loa thùng, tay cầm micro hát. Thấy tôi, cậu thanh niên khệ nệ bê rổ hàng đưa mấy thanh kẹo cao su chào mời đon đả: “Mua giúp bọn em đi anh, sáng giờ hát khô bọt mép mà chẳng được xu nào”. Tôi mua thanh kẹo cao su với giá mười nghìn đồng. Hỏi ra mới biết chàng trai ấy vốn là cử nhân tên Huy, quê ở huyện Anh Sơn, Nghệ An.
Tốt nghiệp Đại học Sư phạm Kỹ thuật Vinh đã nửa năm nay nhưng Huy vẫn không xin được việc làm. Không thể ngửa tay xin tiền bố mẹ mãi, Huy đành về KCN Nam Cấm làm tạp vụ cho một công ty nước ngoài. Công việc vất vả, làm ca mệt nhọc nên sau hơn một tháng, Huy nghỉ làm. Một lần lên hát trong đám cưới bạn, nhờ có chất giọng cao trầm nên Huy lọt vào “mắt xanh” một “ông bầu”, từ đó Huy chính thức thành “ca sỹ” hát rong. “Biết em chưa xin được việc chắc bố mẹ em buồn lắm. Em vẫn bảo là đã xin được làm phiên dịch mà thực ra lại thế này”, Huy nói như khóc.
Nhọc nhằn “kiếp du ca”
Được biết hằng tháng, một người hát rong có thu nhập từ 5-6 triệu đồng. Tuy vậy, nhờ chất giọng như “ca sĩ”, có người cũng kiếm được 7- 8 triệu đồng nhưng số đó rất hiếm hoi. Để có được khoản thu nhập này, những “ca sỹ đường phố” dường như phải “chạy sô” quá sức. Hằng ngày, công việc của họ thường bắt đầu từ lúc 5 giờ sáng và kết thúc vào 11-12 giờ đêm. Cá biệt, mỗi chuyến đi xa, những người hát rong thường phải dậy và ra khỏi nhà từ 2-3 giờ sáng. Nhiều lúc, những “ca sỹ đường phố” cũng gặp không ít tình huống oái oăm. Chuyện bị những kẻ nghiện, nhóm giang hồ chặn đường cướp giật xảy ra như cơm bữa. “Một lần đi hát tại thị xã Cửa Lò, lúc đang trên đường về em và cậu bạn đi cùng bị nhóm thanh niên mặt mũi hung tợn chặn đường vòi tiền. Để yên ổn làm ăn, chúng em đành phải móc sạch túi đem cho chúng. Lấy tiền xong trước khi quay đi chúng còn buông lời hăm dọa. Đến giờ, mỗi khi nhắc lại chúng em vẫn còn run”, Huy nhớ lại.
Để tồn tại và bám trụ được với nghề, họ luôn đề ra tiêu chí chỉ nhận tiền khi người ta tự nguyện mua hàng hoặc tự tay bỏ vào mũ, vào hộp. Để có thể “làm ăn” lâu dài, không ai hành nghề hát rong có ý định ăn cắp vặt, cướp giật của khách. “Làm nghề gì cũng phải có chữ tâm và có ý thức, hát rong cũng vậy. Ngoài chất giọng, người hát rong cần phải hiểu để hát được những bài hợp với tâm trạng của khách, có vậy họ mới “móc” hầu bao cho mình”, Tuấn bật mí.
Với nhiều người trẻ, lành lặn, kiếm được đồng tiền từ nghề du ca đã chẳng dễ dàng nhưng với những người mù, họ còn khó khăn gấp bội. Hát rong không chỉ là công việc thời vụ của những sinh viên, người trẻ thất nghiệp mà với vợ chồng mù Vi Văn Ngữ, Nguyễn Thị Hương ở xóm 5, xã Nghi Liên (huyện Nghi Lộc) còn là nghề kiếm “miếng cơm, manh áo”. Hàng ngày, bất kể nắng mưa, từ tờ mờ sáng người ta lại thấy đôi vợ chồng mù, chồng cụt một tay gảy đàn guitar, vợ cầm micro mang theo bộ loa máy cũ, dắt nhau vào trung tâm thành phố Vinh để kiếm sống.
Nhớ lại quãng thời gian đầu tiên bước xuống đường mưu sinh, anh Ngữ giọng rầu rầu kể: “Thời ấy chưa quen đường sá, hai vợ chồng tôi cứ lọ mọ đi khắp nơi, thấy chỗ nào có tiếng người ồn ào thì dừng lại hát. Có chủ quán thương thì cho hát, có chủ quán không thương thì chửi bới xua đuổi. Có lần đi còn va cả vào nồi nước sôi đổ ra bỏng rát đôi chân, có lần thì làm vỡ đống chén bát. Tiền hát cả ngày người ta cho cũng không đủ tiền đền, đêm về hai vợ chồng lại phải ăn tạm cái bánh mì lót dạ. Cũng có ngày hai vợ chồng về lại đi lạc đường, may mà có người tốt bụng họ chỉ đường và dẫn về cho”. Thế rồi qua những ngày đầu cực khổ, hai vợ chồng đã quen từng đường đi lối lại, thuộc từng ngã rẽ ở TP Vinh, thị trấn Quán Hành và những vùng lân cận. Những đôi chân đi nhiều thành quen lối, chồng dìu vợ, vợ dắt chồng, cả hai người mù cứ dắt díu nhau đi qua từng quán nhỏ, cất giọng hát đã khản đặc để mua vui cho đời, đổi lấy những đồng tiền lẻ về chăm chút cho gia đình bé nhỏ.
Nhờ nghề du ca, vợ chồng anh Ngữ đã nuôi được mẹ già yếu, hai đứa con đang tuổi ăn học. Những bước chân không mỏi của đôi vợ chồng mù đã đi qua biết bao con phố, bao ngôi nhà, quán xá,… của thành Vinh để cất lên những tiếng ca với ước mong kiếm được đồng tiền cho cuộc sống đầy những lo toan, tất bật như tiếng đàn Guitar cùng chất giọng trầm bổng của anh Ngữ: “Ai biết nước sông Lam răng là trong là đục/Sống cuộc đời răng là nhục là vinh...” .