Mấy năm gần đây, một số người, có cả những người hoạt động trong lĩnh vực âm nhạc, cho rằng nhạc Trịnh chỉ mạnh phần lời, còn phần giai điệu nghèo nàn, giản đơn. Người ta so nhạc Trịnh với nhạc Văn Cao, nhạc Phạm Duy, nhạc Lam Phương… Nhưng bất chấp khen chê, âm nhạc Trịnh Công Sơn vẫn sống mãnh liệt. Nó đã thành một phần “máu thịt” trong đời sống tinh thần của nhiều thế hệ khán giả Việt Nam.
Tên một số ca khúc của Trịnh từ lúc nào đã đi vào lời ăn tiếng nói hàng ngày của người Việt như Nối vòng tay lớn hay Diễm xưa… Chưa nhạc sĩ nào ở ta được phim ảnh khai thác nhiều như Trịnh Công Sơn, từ Em còn nhớ hay em đã quên đến Em và Trịnh.
Phim nào lấy cảm hứng từ âm nhạc và cuộc đời của Trịnh cũng đều thắng lớn về doanh thu, dù có phim còn gây tranh cãi.
Ở Nhật Bản, nhạc Trịnh cũng tìm được chỗ đứng nhất định. Chẳng phải ngẫu nhiên mà Google từng vinh danh Trịnh Công Sơn trên trang chủ với hình ảnh cách điệu Trịnh Công Sơn bên cây đàn guitar, giản dị, gần gũi. Sinh thời, Trịnh Công Sơn không có ý định làm nhạc để so bì hay chứng tỏ điều gì.
Ông từng viết: “Tôi chỉ là một tên hát rong đi qua miền đất này để hát lên những linh cảm của mình về những giấc mơ đời hư ảo”.
Cháu ruột của tôi, năm nay lên lớp 9 đang học ở một trường miền núi. Hôm trước cậu ấy bất ngờ “chat” với tôi: “Cháu không ngờ nhạc Trịnh hay đến thế!”. Một cậu bé trước giờ chỉ nghe Đen Vâu giục giã “Nếu mà mệt quá giữa thành phố sống chồng lên nhau/Cùng lắm thì mình về quê, mình nuôi cá và trồng thêm rau”, bất ngờ chuyển sang thích nhạc Trịnh, khiến tôi ngạc nhiên. Hóa ra, cô giáo dạy nhạc của cậu ấy vừa giới thiệu nhạc Trịnh với học trò.
Tôi hỏi cậu bé sắp thành thanh niên: “Nhạc Trịnh hay thế nào, theo cháu?”.
Cậu ấy dùng chính ca từ của Trịnh thay lời đáp: “Sống trong đời sống cần có một tấm lòng/Để làm gì em biết không? Để gió cuốn đi…”.
Phải chăng sự ấm áp, nhân văn trong nhạc Trịnh chính là món quà vô giá của ông gửi tặng nhân gian?