Vua nhạc rock Pháp - một năm sau, dưới ba góc nhìn

Vua nhạc rock Pháp - một năm sau, dưới ba góc nhìn
TP - Từ ngày 14 tháng mười một cho đến nay, hệ thống truyền thông và liên mạng không chỉ ở Pháp đang sôi lên vì một sự kiện âm nhạc. Nó xới lên những vấn đề thiết cốt của nghệ thuật nói chung và của sự nghiệp một nghệ sỹ nói riêng.
Vua nhạc rock Pháp - một năm sau, dưới ba góc nhìn ảnh 1
Bertrand Cantat đang hát với nét mặt đượm buồn

Nhóm nhạc nói đây là Khát vọng u sầu, ra đời từ 1981, hiện là một trong những ban nhạc hút hồn nhất tại Pháp. Trong lĩnh vực nhạc rock, nó là số một. Cá nhân được đề cập là ca sỹ kiêm người viết ca khúc cho Nhóm, Bertrand Cantat sinh năm 1964.

Ngày 26 tháng bảy 2003, Bertrand Cantat bạo hành với bạn tình Marie Trintignant sinh năm 1962, khiến nữ diễn viên này chết vài hôm sau, tức ngày 1 tháng tám. Anh bị kết án tám năm tù.

Do cải tạo tốt, lại được công chúng mến mộ đặc biệt, anh được chấp nhận trả lại tự do có điều kiện từ ngày 15 tháng mười 2007 đến ngày 29 tháng bảy 2010.

Trung tuần tháng mười một vừa qua, từ trang web của mình, Khát vọng u sầu tung lên mạng hai ca khúc mới, sau album cuối cùng ra mắt từ 2001. Dĩ nhiên, Bertrand Cantat thể hiện cả hai, một có tên Người thắng/Kẻ thua (hay Chúc các bé ngủ ngon), một là bản tình ca bất hủ Mùa anh đào. Hai bài hát, cư dân mạng tha hồ tải xuống miễn phí.

Luồng ý kiến thứ nhất, ngạc nhiên và chê trách Bertrand Cantat vô liêm sỉ, dường như không ân hận về tội ác của mình. Bình thường, anh phải từ bỏ ca nhạc, hoặc chí ít, rất lâu nữa mới sáng tác và biểu diễn trở lại. Trong mắt không ít người hâm mộ bình dân, anh là một kẻ dại gái bệnh hoạn.

Tháng bảy 2002, khi tình cờ gặp gỡ Marie Trintignant, anh đã yên bề gia thất, vợ anh Khristina chuẩn bị sinh cho anh đứa con thứ hai. Thế mà, từ tháng năm 2003, anh bỏ mặc vợ sang Vilnius, Lít-va, nơi Marie Trintignant đóng vai chính Colette trong bộ phim cùng tên do mẹ chị, đạo diễn kiêm nhà văn Nadine Trintignant dàn dựng để rồi tới tháng bảy năm ấy gây án. 

Nỗi đau anh gây ra cho gia đình Trintignant là không cùng. Marie Trintingant phải một thân nuôi bốn con nhỏ. Chị đang trở thành một gương mặt đắt giá hàng đầu của Điện ảnh Pháp. Cha mẹ chị, đều là nghệ sỹ.

Hơn một tháng sau khi Marie Trintignant qua đời, bà Nadine Trintignant đã cho ấn hành cuốn Marie, con gái tôi, viết về đứa con bất hạnh, một hiện tượng xuất bản.

Năm ngoái, biết Cantat sắp được tha có điều kiện, bà Nadine Trintignant kịch liệt phản đối. Bà tổ chức một cuộc mít tinh lớn, nhiều nhân vật văn hóa và xã hội hàng đầu tham gia, yêu cầu nghiêm trị những ai xúc phạm phụ nữ, nhất là bằng bạo lực. Không ít người kêu lên: “Giết người mà còn hát !”, “Nghệ thuật không đồng nhất với sát nhân !”.

Luồng ý kiến thứ hai, chúc mừng và ủng hộ Bertrand Cantat và Khát vọng u sầu. “Ca hát là lẽ sống của Cantat và ban nhạc rock Khát vọng u sầu. Vậy hãy để họ được sống như tất cả chúng ta”.

Nhiều người khen ngợi và cảm ơn họ đã nỗ lực trỗi dậy, quay về với hàng triệu dân hâm mộ. “Tiếng lòng của họ, một dạng tâm sự thâm trầm của người Pháp, là cần thiết cho đồng bào của họ không chỉ bây giờ”. “Họ là duy nhất. Tiếng ca của họ thức tỉnh trong đa phần chúng ta khát vọng đấu tranh”.

Không ngẫu nhiên, ca khúc mới của họ mang tên Người thắng/Kẻ thua (hay Chúc các bé ngủ ngon). Từ lời phi lộ súc tích trên Internet, công chúng hiểu rằng, “Với tất thảy chúng ta, vấn đề không phải là thắng thua được mất, mà là thanh thản trong tâm hồn”. 

Từ lúc Bertrand Cantat phải vào tù, ba thành viên còn lại của Khát vọng u sầu tìm con đường nghệ thuật riêng, nhưng thường xuyên vào thăm anh nơi giam hãm.

Những cuộc hội ngộ đượm buồn dẫn tới việc năm 2005, Nhóm cho mắt một đĩa DVD được hoan nghênh nhiệt liệt. Nhân dịp ấy, Nhà sản xuất đĩa Berclay quen thân bấy nay của Khát vọng u sầu ký tiếp hợp đồng phát hành những album tương lai của họ.

Thực tế, Bertrand Cantat vẫn như bị giam lỏng tại làng quê chỉ sáu trăm dân của anh tại một vùng núi hiu quạnh. Anh vẫn chịu sự theo rõi và kiểm tra toàn diện của các cơ quan pháp luật. 

Trọng danh dự tuyệt đối, Cantat không bon chen và vơ vét hết cho túi tham như thông lệ, một khi đã ngự vững trên ngai Hoàng đế. Ngược lại, anh sẵn sàng trợ giúp các nghệ sỹ trẻ về mọi mặt khi họ cần.

Không coi mình là rốn của vũ trụ, anh sùng bái Rimbaud, Maiakovski, và luôn khiêm nhường, liêm khiết, chính trực. Anh không chơi trội vớ bạn cùng Nhóm. Không cậy nhờ đến báo chí và truyền thông, anh không hề vênh vang tại những nơi đông người ái mộ. Anh ủng hộ nhân dân Palestine, góp phần vào đẩy lùi bệnh sốt rét ở Pérou, giúp đỡ trẻ em châu Phi được học hành, bênh vực dân nhập cư khốn khổ...

Trong tù, anh vẫn được bạn tù nể trọng và vô cùng yêu quý. Người ta đang phát tán những băng hình, trong đó anh đệm ghi ta, hát cùng hay đọc thơ cho bạn tù nghe. Điều cốt tử của anh là làm lại cuộc đời.

Đinh Thủy Hương
Theo nhiều tài liệu nước ngoài

MỚI - NÓNG