Vua bão mạng

0:00 / 0:00
0:00
Vua bão mạng
TP - Việt Nam là nước hoạt động mạnh trên mạng, cái này thế giới cũng phải công nhận. Dạo này đại diện Việt đi thi hoa hậu quốc tế y như rằng được giải bình chọn.

Mới nhất, Khánh Vân trở thành thí sinh có lượng bình chọn qua mạng cao nhất trong lịch sử Hoa hậu Hoàn vũ. Có vẻ như sự cổ vũ bằng tin nhắn của khán giả quê nhà đã góp phần quan trọng khiến cô được gọi tên trong Top 21?! Trước đó, đại diện Thái Lan sở hữu danh hiệu vô địch này với 40 triệu lượt bình chọn vào năm 2016.

Bóng đá không có giải vớt, kiểu được bình chọn nhiều nhất thì vào bán kết hay chung kết. Trong khi năng lượng sục sôi của các cổ động viên (CĐV) luôn trực chờ để phun trào. Ngày chưa có COVID-19 còn được xả bằng cách đi bão. Còn nay những dịp như cầu thủ đội bạn chơi không đẹp hay trọng tài “quáng gà” bỏ sót lỗi có hại cho đội nhà là thể nào cũng có bão qua mạng.

Vừa qua sau khi đội tuyển Việt Nam thua UAE với tỷ số 2-3 tại vòng loại World Cup thứ 2, trọng tài người Iraq đã trở thành bung xung cho CĐV Việt Nam. Can tội không (hoặc cố tình không?) nhìn ra cầu thủ bạn phạm lỗi với Công Phượng, làm Việt Nam lỡ cơ hội gỡ hòa.

Rất nhiều lời bình luận tục tĩu đã được gửi tới vị trọng tài này. Người ta còn chế ảnh ông lắp vào bàn thờ theo phong tục Việt khiến khổ chủ tá hỏa hỏi cái gì đây. Cực chẳng đã ông đành phải lên tiếng nhận lỗi xin CĐV Việt Nam bớt giận. Được thể các CĐV quá khích lại vào dội bom các bài đăng này.

Nhưng buồn cười ở chỗ những bài đăng trên đều là của các tài khoản giả. Ai đó nắm được tâm lý thích đánh hội đồng của CĐV Việt đã lập nên các trang đó để hứng chửi. Thế là các CĐV tưởng được hả giận thì lại làm lợi cho các trang giả kia. Sau đó họ có thể đổi tên và dùng các lượt theo dõi, tương tác trên trời rơi xuống vào việc khác.

CĐV nhà ta hoạt động cũng có thể gọi là bài bản chứ không chỉ bức xúc nhất thời. Thường thì trước các trận đấu quan trọng, Facebook của trọng tài đã được tìm kiếm, chia sẻ khắp nơi để cộng đồng hâm mộ đội tuyển có thể nhất loạt tấn công khi có mệnh hệ gì. Có thể thấy với nhiều người Việt, Facebook là một trong những thứ thiết yếu trong cuộc sống (hẳn thiên về ảo). Việc mất Facebook là cái gì đó rất kinh khủng nên các nạn nhân sẽ nhận được những lời đe dọa kiểu cẩn thận không là tài khoản sẽ bay.

Tất nhiên không chỉ riêng CĐV Việt quá khích, mà nếu có vấn đề gì trong các trận đấu với tuyển Việt Nam thì các CĐV Malaysia hay Indonesia cũng nhảy vào sỉ vả cầu thủ nhà ta nhiệt tình. Hình như càng ở các nước vùng trũng về bóng đá thì ma lực của trò chơi này càng kinh khủng?! Tất nhiên hoàn toàn có thể bộc lộ quan điểm trên không gian mạng, miễn là giữ được chừng mực, phần nào cũng là thể diện quốc gia.

Nếu để ý thì gần đây Việt Nam liên tục xuất hiện các MV lọt vào top xu hướng YouTube. Không phải vì ca sĩ Việt tài năng, tầm cỡ khủng hơn sao quốc tế mà đơn giản fan Việt chịu khó cày view cho thần tượng. Rõ ràng năng lượng của một bộ phận khá lớn cư dân mạng Việt đang được dùng vào việc giải trí. Những môn thể thao như bóng đá càng có tính chất mê dụ dễ khiến con người ta lên đồng.

Thêm những tuyên bố như chiến thắng của đội tuyển là liều “vắc - xin tinh thần” càng khiến người hâm mộ nức lòng.

Trong khi khán giả một số nước châu Âu tương đối thoải mái đến các sân vận động xem EURO 2020 thậm chí không thấy đeo khẩu trang thì ở Bắc Giang vừa có vụ 7 người vì tụ tập xem trận Việt Nam- Malaysia tại một khu nhà trọ mà bị phạt tổng cộng 105 triệu đồng. Đành rằng tiến trình và cách thức dập dịch mỗi nơi mỗi khác nhưng cũng không khỏi cám cảnh cho những người phút chốc bị lủng túi giữa thời buổi kiếm tiền khó khăn. Âu cũng là một nỗi khổ vì tình. Hẳn là tình yêu với bóng đá, với màu cờ sắc áo Việt Nam.

Đầu năm ngoái, Microsoft cắc cớ tuyên bố chỉ số văn minh trực tuyến toàn cầu chạm đáy trong vòng 4 năm qua. Và đáy của đáy là các nước Nam Phi, Peru, Columbia, Nga, Việt Nam (văn minh nhất là Anh, Mỹ cũng top 5 từ trên xuống). Giả sử nếu mấy đội bóng của các nước Top 5 từ dưới lên đấu với nhau thì sao nhỉ? “Chiến tranh mạng” mất chứ không chỉ là “bão”?!

MỚI - NÓNG