Lại càng nhức nhối hơn khi xét ra, chúng ta có tới ba bộ (Công Thương, Y tế, NN&PTNT) cùng “chung tay” lo cho sự an toàn vệ sinh của các loại thực phẩm nhưng cho đến nay, người dân vẫn hằng ngày phải đối diện với nguy cơ mất an toàn vì miếng ăn miếng uống.
Mà đâu chỉ là nguy cơ. Nói cho đúng, đó đang là mối đe dọa thường trực đối với sức khỏe, sinh mạng con người, khi các vụ ngộ độc vì thực phẩm bẩn liên tục xảy ra.
Một lần nữa, phóng sự về thịt bẩn này lại cho thấy sự kém hiệu quả trong quản lý, giám sát của các ngành chức năng. Chỉ riêng ở tỉnh Đồng Nai, 200 lò mổ lậu (không phép) theo thống kê của các cơ quan chức năng mỗi ngày vẫn tuồn ra thị trường hàng trăm tấn thịt không kiểm dịch, thịt bẩn, thịt heo chết.
Không ít trong số 200 cơ sở được đưa vào “danh sách đen” (con số thực tế chắc chắn còn lớn hơn) này từng bị bắt quả tang vi phạm các quy định về kinh doanh thực phẩm, nhưng có thể thấy các mức xử phạt và những biện pháp xử lý của cơ quan chức năng chưa đủ răn đe.
Bằng chứng là chẳng có cơ sở nào phải dừng hoạt động hay sau khi bị phạt nghiêm túc chấp hành các quy định về an toàn thực phẩm. Thay đổi duy nhất là khiến cho họ cảnh giác hơn và tinh vi hơn để đối phó với cơ quan chức năng.
Chỉ riêng chiêu trộn thịt bẩn, thịt không được kiểm dịch với thịt sạch, thương lái dư sức qua mặt các trạm kiểm dịch.
Đó là chưa nói những biện pháp kiểm soát hiện nay của các ngành chức năng dường như mới chỉ lần mò được đâu đó ở bề nổi. Thực tế bài viết cho thấy, nguồn gốc, đường đi, cung cách phân phối của thịt bẩn đều không được kiểm soát chặt.
Và hệ quả nhãn tiền khi vẫn tồn tại nguồn cung thịt bẩn, còn những thương lái sẵn sàng bất chấp sức khỏe của người khác để làm giàu và hoạt động kiểm soát của các cơ quan vẫn như “làm cho có” hiện nay thì không có gì bảo đảm tình hình sẽ được cải thiện.
Người dân sẽ tiếp tục phải chịu cảnh vừa ăn vừa sợ, mà dẫu sợ thì vẫn phải ăn. Bởi khi đủ loại thực phẩm bẩn bủa vây, người tiêu dùng khó có sự lựa chọn.