Đó là nhận định của PGS.TS Hoa Hữu Thu – Nguyên chủ nhiệm bộ môn Hóa học dầu mỏ, trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐHQGHN).
Thưa PGS, vì sao trong xăng luôn phải có một độ nhựa (còn gọi là gôm hóa) nhất định? Nếu hàm lượng gôm hóa lớn nó ảnh hưởng thế nào tới động cơ?
PGS.TS Hoa Hữu Thu: Sở dĩ có hàm lượng nhựa là do xăng không bền vững nên bị oxy hóa và nó sẽ làm tăng độ phân cực của xăng. Do đó những cấu tử có khối lượng nguyên tử lớn sẽ kết tủa xuống, người ta gọi đây là hiện tượng gôm hóa (quá trình do xăng không bền vững bởi xăng có chứa những thành phần Olefin ở trong đó). Xăng để lưu kho hoặc trong quá trình vận chuyển nó sẽ bị oxy hóa và kết tủa xuống tạo thành gôm.
Nếu sự hình thành gôm nhiều thì nó sẽ làm tắc bộ phận phun xăng vào bộ chế hòa khí của động cơ hoặc có thể xăng vẫn vào nhưng lại tạo thành nhiều muội và sẽ bám lên bề mặt bugi khiến quá trình đánh lửa sẽ không còn tốt nữa.
Một điều quan trọng hơn nữa đó là nếu thành phần trong xăng thay đổi quá nhiều thì sẽ gây hiện tượng cháy nổ trong động cơ không chuẩn, nghĩa là dẫn tới hiện tượng nổ sớm hoặc nổ không bình thường làm cho động cơ rung. Nếu như rung quá nhiều (tới hàng nghìn Héc) sẽ làm bung những mối nối và xăng tràn ra ngoài dẫn đến cháy.
Việc hiện tượng gôm hóa trong xăng A95 của Petrolimex tăng một cách bất thường khiến cho hàng loạt ô tô chết máy có thể do nguyên nhân nào thưa ông?
PGS.TS Hoa Hữu Thu: Muốn cho chỉ số octan của xăng mà tăng lên (chỉ số RON tăng) thì phụ thuộc vào bản chất cấu tử của xăng, cấu tử có chỉ số octan cao nhất đó chính là các hidro cacbon thơm. Tuy nhiên hidro cacbon thơm thì lại bị cấm nên thông thường người ta dùng một chút xăng cracking (có chỉ số octan cao) nhưng trong thành phần của nó có chứa những Olefin nên không bền vững và dẫn tới hình thành gôm hóa.
Nếu kết tủa tăng bất thường như thế thì có thể do nguyên nhân nhà máy sản xuất đã thêm các phụ gia vào. Quá trình biến đổi thời tiết làm nhiệt độ ngoài trời giảm xuống làm cho nó kết tủa dẫn đến ảnh hưởng đến khả năng cháy của xăng. Còn nếu chỉ ở hiện tượng oxy hóa thì không thể tạo được kết tủa lớn như vậy được.
Hoặc nhà máy người ta pha chế xăng người ta đã cho hàm lượng cấu tử dễ bị oxy hóa là quá nhiều; hoặc các phụ gia khác để tăng chỉ số octan, tăng chỉ tiêu kỹ thuật của xăng nó quá nhiều và vượt mức quy định nên dẫn tới tạo kết tủa trong điều kiện nhiệt độ rất thấp.
Khi người ta pha xăng thì cũng phải để ý cả điều kiện thời tiết chứ không phải chỉ có thành phần hóa học. Nói chung thì nguyên liệu còn phụ thuộc vào khí hậu, thời tiết, điều kiện địa hình, khu địa lý mà chúng ta sử dụng xăng.
Thời gian quá, nước ta có hiện tượng giá rét xuống với nhiệt độ xuống thấp rất sâu, khi giảm nhiệt độ như vậy nó cũng ảnh hưởng tới những cấu tử ở trong xăng dẫn tới mất cân bằng. Có những chất phụ gia người ta thêm vào thì sẽ kết tủa xuống dẫn tới hiện tượng làm tắc, làm cho cháy nổ không đều…và làm cho động cơ chết máy.
Nói như PGS thì thời điểm người ta pha xăng thì kiểm định có thể đạt yêu cầu nhưng trong quá trình vận chuyển gặp thời tiết lạnh bất thường thì nguy cơ tăng độ kết tủa là rất lớn?
PGS.TS Hoa Hữu Thu: Xăng pha chế không thể dùng ngay được mà người phải vận chuyển, lưu kho…sau đó mới đến tay người sử dụng. Với nhiệt độ dưới 10 độ C vừa qua thì việc ảnh hưởng đến cấu trúc của xăng và tạo gôm hóa là điều khó tránh khỏi.
Có ý kiến cho rằng, quá trình vận chuyện xăng hoặc nơi kinh doanh xăng có dấu hiệu gian lận khi rút xăng và bổ sung vào đó một chất phụ gia nào đó để thay thế nên dẫn đến hiện tượng độ kết tủa lớn. Quan điểm của PGS về ý kiến này?
PGS.TS Hoa Hữu Thu: Tôi nghĩ khó có khả năng một người nào đó dùng chất phụ gia để cho vào xăng nhằm mục đích gian lận. Như chúng ta đã biết, khi rút một lượng xăng ra thì phải đưa vào một chất phụ gia và tất nhiên chất này phải có chỉ số octan cao (nếu thấp sẽ làm ảnh hưởng đến sự bền vững của xăng và dẫn đến không thể sử dụng được). Tuy nhiên chi phí để mua các chất phụ gia có chỉ số octan cao còn đắt hơn nhiều lần so với giá xăng hiện nay. Chính vì thể chẳng có ai lại “dại dột” làm như vậy cả.
Xin cảm ơn PGS!