Vụ 'tiêu cực trong đấu thầu dược phẩm': Trân trọng cảm ơn và hứa hẹn

Vụ 'tiêu cực trong đấu thầu dược phẩm': Trân trọng cảm ơn và hứa hẹn
TP - Sai phạm từ các cuộc đấu thầu do Sở Y tế Đắk Lắk giữ vai trò chủ đầu tư đã gây thiệt hại lớn cho xã hội. Thực tế cho thấy, ngày nào cơ chế đấu thầu còn chưa hoàn toàn công khai, cách xử lý sai phạm còn chưa đủ nghiêm khắc, thì ngày đó việc đấu thầu vẫn sẽ bị các nhóm lợi ích tìm mọi cách thao túng.  

Bảo hiểm Xã hội: “Xin, họ không cho!”

Đáp ứng yêu cầu của báo Tiền Phong, sáng 25/9, lãnh đạo cơ quan Bảo hiểm xã hội tỉnh Đắk Lắk (BHXH) đã triệu tập các cán bộ liên quan cùng dự cuộc làm việc với các phóng viên, để trao đổi về các vấn đề mà báo Tiền Phong đã khẳng định có sai phạm trong cuộc đấu thầu dược phẩm mới đây tại Đắk Lắk.

Các bác sĩ, dược sĩ là cán bộ của BHXH cho biết: Đây là lần đầu tiên nhận nhiệm vụ này, nên có nhiều bỡ ngỡ, thiếu cả kiến thức lẫn kinh nghiệm về tài chính và đấu thầu. Trong nhóm, chỉ có bác sĩ Nguyễn Thị Kim Liên được tham gia khóa tập huấn về đấu thầu gần 1 tuần tại TPHCM. Do bận nhiều việc khác nhau, nên dù trên giấy tờ, họ được điều động tới 45 ngày tham gia hội đồng đấu thầu thuốc Đắk Lắk năm 2014, nhưng nhiều khâu trong việc chuẩn bị đấu thầu họ không được biết, mà chỉ có mặt từ ngày chính thức mở thầu.       

Ông Trương Văn Sáng, Giám đốc BHXH, giải thích: Là cơ quan quản lý quỹ, BHXH luôn mong muốn thuốc đấu thầu đạt đúng mức giá phù hợp, vừa cân đối được quỹ, vừa bảo đảm người bệnh được khám chữa bệnh hiệu quả. Tuy nhiên, do cách thực hiện đấu thầu còn nhiều điều chưa minh bạch, nên không thể giám sát. Ví dụ: Vì khâu lập kế hoạch đấu thầu BHXH không được tham gia, nên trước ngày mở thầu ông hỏi xin kế hoạch đấu thầu để theo dõi, nhưng hội đồng đấu thầu thuốc Đắk Lắk trả lời đây là... tài liệu bí mật, nhất quyết không cho!

Vụ 'tiêu cực trong đấu thầu dược phẩm': Trân trọng cảm ơn và hứa hẹn ảnh 1

Bảo hiểm xã hội tỉnh trả lời các câu hỏi của báo Tiền Phong.

Giải trình kiểu... khó tin

Ngày 25/9, báo Tiền Phong đã nhận được công văn số 10 trả lời của Sở Y tế gồm 6 trang, có giải trình 8 nội dung, mà theo hồ sơ chứng cứ của báo Tiền Phong, thì hầu hết các giải trình này không thuyết phục. Ví dụ, lý giải việc danh mục mời thầu 1.197 mặt hàng mà chỉ có 666 mặt hàng trúng thầu, Sở cho rằng vì nhiều nguyên nhân khách quan như: có tới 178 thuốc không có nhà thầu tham gia; nhà thầu không vượt qua đánh giá sơ bộ: hồ sơ dự thầu không hợp lệ, không đầy đủ; không đáp ứng một trong những điều kiện tiên quyết; không đáp ứng về năng lực và kinh nghiệm v.v...

Còn theo báo Tiền Phong, số mặt hàng trúng thầu thấp cơ bản là do các yêu cầu không hợp lý trong hồ sơ mời thầu, như buộc nhà thầu đóng bảo lãnh bằng tiền mặt, giấy phép bán hàng phải là bản gốc, yêu cầu về tổng số lao động hiện có phải đính kèm bảng lương và hợp đồng lao động... Thực tế, như Công ty dược phẩm Trà Vinh chỉ vì nộp bảo lãnh dự thầu qua ngân hàng, mà đã bị loại ngay từ vòng chấm hồ sơ pháp lý. Trong các mặt hàng thuốc không vượt qua đánh giá kỹ thuật, có cả những mặt hàng bị loại oan do Sở Y tế đã làm sai nhóm thuốc, hàm lượng, dạng bào chế để nhà thầu không thể tham gia.

Sở Y tế Đắk Lắk cũng cho rằng nhiều mặt hàng rớt thầu do không đáp ứng tiêu chí về giá. Tuy nhiên, ít người biết, là trong khi các chủ đầu tư ở các địa phương khác trên cả nước chỉ chấm thầu dựa trên 1 giá do UBND tỉnh phê duyệt, thì Sở Y tế Đắk Lắk lại chấm thầu trên hai giá: Giá phê duyệt dự toán được xây dựng đúng theo quy trình, đã qua cơ quan thẩm định giá, qua Sở Tài chính, được UBND tỉnh phê duyệt. Còn “giá kế hoạch” là giá do Sở Y tế tự trình UBND tỉnh phê duyệt. Như vậy, kết quả trúng thầu thấp trong lần đấu thầu này cơ bản là do lối làm việc không tuân thủ đúng các Thông tư, Nghị định, nên nhiều nhà thầu đã không muốn tham gia.

Công văn số 10 cho biết: Ngày 7/1/2015, Sở Y tế tổ chức cuộc họp rút kinh nghiệm công tác đấu thầu, trong cuộc họp này, Giám đốc Sở Y tế đã phê bình, kiểm điểm, rút kinh nghiệm đối với các tổ chức, cá nhân có liên quan về trách nhiệm trong việc lập kế hoạch đấu thầu.

Không biết đã rút kinh nghiệm thế nào, mà sau đó, Sở Y tế lại gửi cho các bệnh viện trực thuộc danh mục (DM) thuốc 2015-2016 gồm 734 mặt hàng, trong đó có 517 mặt hàng hoàn toàn mới so với DM trúng thầu năm trước. Kèm theo là các công văn 141 ký ngày 18/6, CV 145 gửi cho các bệnh viện ngày 24/7/2015 bằng email, và CV 239 ngày 14/9/2015 chỉ đạo liên quan tới các mặt hàng mới do Sở Y tế tự ý đưa vào. Tất cả các công văn này đều có chữ ký nháy của ông Nguyễn Hữu Thông - Trưởng phòng Tài chính kế toán, người đã hàng chục năm nắm vai trò chi phối nhiều cuộc đấu thầu tai tiếng tại Sở Y tế Đắk Lắk.

Đoạn cuối công văn số 10 nguyên văn như sau “Sở Y tế Đắk Lắk trân trọng cảm ơn những nội dung phản ánh của báo Tiền Phong về công tác đấu thầu của Sở Y tế trong năm qua. Sở Y tế sẽ xem xét, nghiêm  túc phê bình, kiểm điểm rút kinh nghiệm đối với tổ chức, cá nhân có liên quan; triển khai thực hiện tốt công tác đấu thầu trong thời gian tới; cung ứng thuốc đầy đủ số lượng, bảo đảm chất lượng cho các cơ sở y tế; thực hiện tốt nhiệm vụ chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân”. Chúng ta hãy chờ xem. 

MỚI - NÓNG
Đề nghị Bộ Công an vào cuộc đấu thầu vàng SJC
Đề nghị Bộ Công an vào cuộc đấu thầu vàng SJC
TPO - Chiều 16/4, Ngân hàng Nhà nước cho biết đã có văn bản gửi các bộ, ngành chức năng đề nghị phối hợp triển khai chỉ đạo của Thủ tướng trong công tác quản lý thị trường vàng. Đáng chú ý, Ngân hàng Nhà nước đề nghị Bộ Công an phối hợp trong tổ chức hoạt động đấu thầu vàng miếng SJC để đảm bảo hoạt động đấu thầu được an toàn, hiệu quả.