Trong Chiến tranh Triều Tiên, sự xuất hiện của tiêm kích MiG-15 trong biên chế không quân Triều Tiên trở thành nỗi ám ảnh đối với các phi công Mỹ. Ngay trong lần đầu tham chiến, loại tiêm kích mới do Liên Xô chế tạo này đã bắn hạ nhiều máy bay Mỹ và gần như bất khả chiến bại trong các cuộc không chiến, theo Military History.
Trong một trận chiến năm 1951, phi đội 30 tiêm kích MiG-15 Triều Tiên đã vượt qua đội hình 100 chiến đấu cơ hộ tống của Mỹ, bắn hạ 12 chiếc máy bay ném bom B-29 rồi thoát ly an toàn trong sự bất lực của các tiêm kích hộ tống Mỹ. Hoảng sợ trước sức mạnh của MiG-15, các tướng lĩnh Mỹ ra lệnh dừng mọi hoạt động không kích trên lãnh thổ Triều Tiên.
Các tướng Mỹ hiểu rằng họ phải tìm ra cách đánh bại tiêm kích MiG-15, nhưng để làm được điều đó, họ cần một chiếc tiêm kích nguyên vẹn để nghiên cứu. Đây được coi là nhiệm vụ bất khả thi đối với tình báo Mỹ khi đó.
Năm 1952, bộ phận chiến tranh tâm lý Mỹ lên kế hoạch thực hiện chiến dịch tâm lý chiến mang tên Moolah để lôi kéo phi công Triều Tiên, Trung Quốc đào tẩu cùng tiêm kích MiG-15. Họ hứa hẹn trả 100.000 USD tiền mặt, cho phép phi công đào tẩu được tị nạn chính trị và trở thành công dân của bất kỳ nước phương Tây nào.
Từ tháng 4/1953, Lầu Năm Góc tiến hành chiến dịch Moolah bằng việc phát sóng qua radio và rải hơn một triệu tờ rơi ở các căn cứ không quân Trung Quốc và Triều Tiên gần sông biên giới Áp Lục. Nhưng kết quả hết sức thất vọng, không có phi công nào đào thoát cho đến khi Chiến tranh Triều Tiên kết thúc ba tháng sau đó.
Trong lúc chiến dịch Moolah rơi vào bế tắc, vận may bất ngờ đến với Mỹ. Ngày 21/9/1953, gần hai tháng sau khi hiệp định đình chiến được ký, một tiêm kích MiG-15 hạ cánh bất ngờ ở sân bay Kimpo gần thủ đô Seoul, Hàn Quốc.
Sáng hôm đó, trung úy phi công Triều Tiên 21 tuổi No Kum-sok nhận nhiệm vụ trinh sát trên tiêm kích MiG-15 và nhận thấy đây là cơ hội để bỏ trốn. Xuất phát từ một đường băng gần Bình Nhưỡng, trung úy No biết rõ cách để đến Kimpo cũng như nhiên liệu cần thiết cho hành trình đào thoát.
Phi công No Kum-sok (thứ hai từ phải sang) gặp Tổng thống Mỹ Richard Nixon vào năm 1954. Ảnh: Wikipedia.
Phi công này hướng về khu giới tuyến phi quân sự (DMZ) với vận tốc 965 km/h. Sau 17 phút, chiếc MiG-15 vượt qua khu vực biên giới phòng thủ nghiêm ngặt và hạ cánh xuống căn cứ không quân Kimpo mà không bị không quân Triều Tiên truy đuổi hay lực lượng phòng không Hàn Quốc bắn hạ.
Điều trùng hợp là vào buổi sáng ngày trung úy No đào tẩu, radar ở căn cứ Kimpo bị ngắt để bảo dưỡng, nên Mỹ không phát hiện sớm được chiếc MiG-15 để đánh chặn. Một số phi công Mỹ lái chiến đấu cơ trên căn cứ Kimpo còn nhìn thấy chiếc MiG-15 hạ cánh, nhưng không coi đó là máy bay địch, bởi không ai được thông báo về kế hoạch bay hoặc kiểm soát chuyến bay.
Do không biết quy trình hạ cánh của sân bay này, trung úy No cho chiếc MiG-15 di chuyển sai đường băng và gần như đâm vào một chiếc F-86 đang hạ cánh bên cạnh.
Đại úy phi công Mỹ Dave William lái chiếc F-86 đã phải cố tránh để không xảy ra va chạm, đồng thời thông báo qua radio về sự xuất hiện bất ngờ của chiếc tiêm kích MiG-15 đối phương. Ngay sau đó, No Kum-sok đưa máy bay đỗ vào khoảng trống giữa hai chiếc F-86, mở cửa buồng lái trèo ra ngoài và đầu hàng trước sự sửng sốt của người Mỹ.
Hóa ra, nếu phi công No bay đúng hướng vào sân bay, anh ta có thể đã bị một chiếc F-86 khác phát hiện và bắn hạ. Ngạc nhiên hơn nữa là phi công Triều Tiên không biết về khoản tiền thưởng cho hành động đào tẩu của mình. Sau khi biết được việc này, anh ta cũng không quan tâm nhiều tới khoản tiền thưởng 100.000 USD bởi không biết giá trị của đồng USD.
Chiếc MiG-15 ngay sau đó được chuyển tới căn cứ không quân Kadena, Nhật Bản. Mỹ lập tức điều những phi công thử nghiệm giỏi nhất tới đây để tìm hiểu công nghệ trên chiếc tiêm kích đáng gờm này.
Các chuyến bay thử của phi công Mỹ cho thấy hiệu suất đáng nể của MiG-15, nhưng họ cũng khám phá nhiều điểm hạn chế của nó. "Chiếc MiG-15 có xu hướng xoay tròn mất kiểm soát và không thể phục hồi. Có một vệt sơn trắng dọc bảng điều khiển giúp phi công giữ cần lái ở vị trí trung tâm khi cố gắng khôi phục đường bay trong trường hợp bị xoay tròn", phi công thử nghiệm Harold Collins cho hay.
Các chuyến bay thử sau đó cho thấy tốc độ tối đa của MiG-15 là 1.127 km/h, nhưng nó rất khó thực hiện động tác bổ nhào hoặc chuyển hướng ở góc hẹp. Trong những lần không chiến trên bầu trời Triều Tiên, phi công Mỹ đã chứng kiến cảnh tiêm kích MiG-15 bị tròng trành hoặc rụng cánh khi tăng tốc đột ngột ở tốc độ cao.
Dù quân đội Mỹ đã có được MiG-15 để nghiên cứu, tổng thống Mỹ Dwight D. Eisenhower tỏ ra không hài lòng và không muốn trả tiền thưởng cho phi công No. Eisenhower không muốn chiếc tiêm kích này, lo sợ việc đánh cắp nó sẽ hủy hoại thỏa thuận ngừng bắn mong manh với Triều Tiên, nên ông tin rằng chiếc MiG-15 cần được trả lại cho đối phương càng sớm càng tốt.
Chiếc MiG-15 của No Kum-sok được trưng bày tại Mỹ. Ảnh: Wikipedia.
Để khiến các phi công Triều Tiên có ý đào tẩu nản chí, ông cũng muốn hủy chiến dịch Moolah, đồng thời gây sức ép buộc trung úy No từ chối khoản tiền thưởng 100.000 USD.
Tuy nhiên, No Kum-sok cuối cùng cũng nhận được khoản tiền thưởng, sau đó nhập quốc tịch Mỹ, trở thành một giáo sư đại học và viết một cuốn sách về hành trình đào tẩu của mình. Sau vài lần tìm cách trả lại chiếc MiG-15 cho Triều Tiên bất thành, Mỹ từ bỏ ý định và đem nó trưng bày ở Bảo tàng quốc gia không quân Mỹ ở Dayton, bang Ohio.