Vụ check VAR sao kê: Đáng buồn hơn là hả hê

TPO - Từ thiện trở thành cuộc đua “phông bạt”, làm màu sau khi rất nhiều tài khoản bị phát giác làm giả biên lai tiền ủng hộ đồng bào miền Bắc sau thiên tai. Thật đáng buồn bởi một số người sẵn sàng dùng khó khăn của người dân, thậm chí là sự mất mát để đánh bóng bản thân.

Chi tiết trong 12.028 trang sao kê số tiền 527,8 tỷ đồng ủng hộ đồng bào bị ảnh hưởng bão lũ của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam đã khiến cả mạng xã hội dậy sóng. Nhiều cá nhân, tổ chức bị bóc trần có hành vi khai khống, cố tình “phông bạt” bằng cách chỉnh sửa thêm nhiều số “0” vào biên lai chuyển tiền.

Tối 13/9, MTTQ tiếp tục đăng 2.009 trang sao kê tài khoản, từ 10/9-12/9/2024. Dưới phần bình luận, cư dân mạng sôi nổi kêu gọi cùng nhau kiểm kê. Tất cả gì họ chờ đợi là “cuộc chiến bàn phím mới” và gọi đây là “đêm không ngủ của các chiến thần check VAR”.

Công cụ phục vụ cho việc tìm kiếm thông tin người chuyển khoản nhanh chóng được các cá nhân khởi tạo, chia sẻ trong hội nhóm công nghệ.

Khi “ông sao kê chiếu”

Trong số nhiều cá nhân bị bóc mẽ, cựu VĐV TDDC Phạm Như Phương bị nghi ngờ làm giả số tiền ủng hộ đồng bào miền Bắc. Cô từng khoe chuyển tới MTTQ vài trăm triệu đồng. Nhưng khi bị soi, con số trên sao kê chỉ là 500.000 đồng.

Giải thích về sự chênh lệch quá lớn, Như Phương nói do trùng tên tài khoản, cùng nội dung, không loại trừ trường hợp cô bị hại. Cựu VĐV khẳng định đã chia số tiền đến nhiều tài khoản khác nhau, trong nhiều ngày.

Vụ check VAR sao kê: Đáng buồn hơn là hả hê ảnh 1Vụ check VAR sao kê: Đáng buồn hơn là hả hê ảnh 2

Nhiều người nổi tiếng bị nghi ngờ làm giả biên lai chuyển tiền ủng hộ người dân miền Bắc đang chịu ảnh hưởng thiên tai. Cựu VĐV Phạm Như Phương bị tố khai khống số tiền lớn.

Đến khi MTTQ công khai tài khoản sao kê thứ hai, Phạm Như Phương một lần nữa là cái tên được tìm kiếm nóng, bởi tên và nội dung chuyển khoản trùng khớp với thông tin cô công khai lên trang cá nhân.

Số tiền có trong bản sao kê vỏn vẹn 10.000 đồng, không phải hàng trăm triệu đồng như cô đăng tải. Đến nay, Phạm Như Phương chưa lên tiếng về thông tin trên.

Số tiền 500 triệu đồng ủng hộ người dân khắc phục thiệt hại thiên tai của Phương Oanh - Shark Bình cũng gây nháo nhác mạng xã hội chiều 13/9. Sự việc xuất phát từ bài đăng chỉ trích vợ chồng diễn viên “làm màu”. Người này đặt nghi vấn Shark Bình “có tật giật mình” nên vội đến UBMTTQ trao tiền mặt để "chữa ngại" khi không có tên trong bảng sao kê.

Lên tiếng đính chính, Phương Oanh khẳng định gia đình đã chuyển tiền tối 10/9 và nhận lời mời gặp mặt trao bảng ghi nhận từ UBMTTQ ngày 12/9. Cô mong khép lại hiểu lầm, chung sức hỗ trợ bà con khắc phục thiệt hại sau lũ.

Trước khi sự việc được làm rõ, vợ chồng diễn viên trở thành “miếng mồi” xâu xé trên mạng xã hội của cộng đồng mạng. Họ hả hê, tung hứng góp thêm không khí náo nhiệt của thứ gọi là “Đại hội sao kê toàn quốc”.

Đáng buồn hơn là hả hê, khoái trá

Cơn bão số 3 đi qua, dồn dập những tin tức đau đớn của người dân các tỉnh thành phía Bắc. Vẫn còn đó những thôn xóm bị cô lập, những nạn nhân bị lũ quét cuốn trôi ở Làng Nủ (Lào Cai) chưa tìm được tung tích, hay nạn nhân vụ sập cầu Phong Châu (Phú Thọ) vẫn đang được lực lượng chức năng tìm kiếm sau bao ngày mưa tầm tã.

Thật đáng buồn khi nhiều người sống “phông bạt” để hưởng lợi nổi tiếng trên sự khổ cực của đồng bào đang bị bão lũ hoành hành, sống cảnh “màn trời chiếu đất”… Mượn sự mất mát, ám ảnh do thiên tai gây nên để đánh bóng bản thân là điều không thể chấp nhận.

Vụ check VAR sao kê: Đáng buồn hơn là hả hê ảnh 3

Việt Anh Pí Po - TikToker 1,3 triệu người theo dõi - xin lỗi và thừa nhận "phông bạt" tiền từ thiện.

Và cũng thật đáng buồn khi một bộ phận nhân danh sự minh bạch để đấu tố, dè bỉu rồi cười cợt hả hê. “Không phải họ thích sự thật, thích trung thực ... họ thích sự thật nào có thể giúp họ hả hê cười vào mặt người họ ghét” - một khán giả chia sẻ.

Nhà báo, BTV Thu Uyên xót xa trước những mảnh đời khốn cùng trong đợt thiên tai ở miền Bắc. “… Nếu soi chiếu vào mình thì thấy những nỗi đau, nỗi lo sợ, nhưng mưu cầu của ta phần nhiều nhỏ mọn làm sao. Và phải chọn những cái nhỏ bé có ích mà làm, để cho không uổng phí những giờ mà ta được sống, trong khi nhiều người cần và đáng được sống bị tước đi cơ hội đó”.

Cô đau lòng khi kẻ gian dối phí thời gian cho những trò “phông bạt”, thay vì làm điều có ích, bên cạnh đó là sự khó hiểu của một bộ phận người “nhao nhao dò 12.000 trang sao kê để hả hê, khoái trá”. “Thật phí hoài những phút còn sống, của cả một đất nước, chẳng nói riêng gì những người đó. Không đáng” - Thu Uyên chia sẻ trên trang cá nhân.

Nhìn nhận tích cực, việc từ thiện thật tâm dù là 1.000 đồng hay 100 tỷ đồng đều mang theo sự tử tế, yêu thương. Người cho đi sẽ có phần phước đức của họ, người nhận phước đức đó sẽ đem chuyển cho người khác.

“Ai tạo nghiệp, trục lợi từ phước đức của người khác, họ sẽ gánh quả báo. Chúng ta không cần phán xét, nói thêm hay bớt cũng không thay đổi được bản án của trời xanh, yên tâm, bỏ qua cho nhẹ lòng” - một tài khoản viết.

,

Tin liên quan