Vụ 313 người ngộ độc bánh mì Phượng 2: Chủ cơ sở nêu nhiều lý do xin giảm nhẹ mức xử lý

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Làm việc với cơ quan chức năng, chủ cơ sở bánh mì Phượng 2 thống nhất với kết quả điều tra, xác minh vụ ngộ độc và mức xử phạt vi phạm. Tuy nhiên chủ cơ sở đưa ra nhiều lý do mong cơ quan chức năng xem xét tình tiết giảm nhẹ.
Vụ 313 người ngộ độc bánh mì Phượng 2: Chủ cơ sở nêu nhiều lý do xin giảm nhẹ mức xử lý ảnh 1

Cơ sở bánh mì Phượng 2 đối diện mức phạt hơn 110 triệu đồng, đình chỉ hoạt động kinh doanh 5 tháng.

Liên quan vụ 313 người ngộ độc thực phẩm sau khi ăn bánh mì Phượng ở Hội An, ngày 28/9 Giám đốc Sở Y tế Quảng Nam Mai Văn Mười cho hay, đơn vị vừa có tờ trình về việc xử lý vi phạm hành chính về lĩnh vực an toàn thực phẩm, gửi Chủ tịch UBND tỉnh.

Theo đó, xử phạt cơ sở này 110,5 triệu đồng, đình chỉ hoạt động kinh doanh 5 tháng

Quá trình vào cuộc điều tra, cơ quan chức năng xác định 313 người ngộ độc nhập viện cấp cứu sau khi ăn bánh mì Phượng 2 (địa chỉ số 2B Phan Châu Trinh, phường Minh An, TP Hội An).

Kết quả kiểm tra về điều kiện đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm tại hộ kinh doanh bánh mì Phượng 2 ghi nhận cơ sở có các hành vi vi phạm. Cụ thể:

Hành vi 1: Thực hiện không đúng quy định của pháp luật về chế độ kiểm thực 3 bước. Vi phạm quy định tại Điểm a, Khoản 2, Điều 15 Nghị định 115/2018 NĐ/CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm; mức phạt tiền từ 3 – 5 triệu đồng.

Hành vi 2: Thực hiện không đúng quy định của pháp luật về lưu mẫu thức ăn; vi phạm quy định tại Điểm b, khoản 2, Điều 15 Nghị định 115/2018 NĐ/CP; mức phạt từ 3 – 5 triệu đồng.

Hành vi 3: Không có dụng cụ thu gom rác thải, chất thải đảm bảo vệ sinh; vi phạm quy định tại Điểm e, Khoản 2, Điều 15 Nghị định 115/2018 NĐ/CP được sửa đổi bổ sung tại Điểm C, Khoản 6, Điều 1 Nghị định 124/2021/NĐ-CP và Nghị định 117/2020 NĐ-CP quy định vi phạm hành chính lĩnh vực y tế; mức phạt tiền từ 3 – 5 triệu đồng.

Hành vi 4: Vi phạm các quy định khác về điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật trong kinh doanh dịch vụ ăn uống (khu vực sơ chế chưa đảm bảo vệ sinh; Chưa phân biệt giữa khu vực bảo quản nguyên liệu thực phẩm, khu vực sơ chế, chế biến và khu vực khác; Các dụng cụ sơ chế, chế biến chưa đảm bảo vệ sinh, trang thiết bị dụng cụ bảo quản chưa được vệ sinh) vi phạm quy định tại Điểm D, Khoản 4, Điều 15 Nghị định 115/2018 NĐ/CP; mức phạt tiền từ 7 - 10 triệu đồng; có hình thức xử phạt bổ sung đình chỉ một phần hoặc toàn bộ hoạt động sản xuất, chế biến, kinh doanh, cung cấp thực phẩm từ 1 đến 3 tháng.

Hành vi 5: Từ kết quả kiểm nghiệm mẫu thực phẩm và số người ngộ độc thực phẩm (313 người) do ăn bánh mì tại cơ sở bánh mì Phượng. Cơ sở được xác định lỗi vi phạm hành chính là chế biến, cung cấp, bán thực phẩm gây ngộ độc ảnh hưởng đến sức khỏe của từ 5 người trở lên mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự; vi phạm quy định tại Điểm a, Khoản 8, Điều 22 Nghị định 115/2018 NĐ/CP; được sửa đổi bổ sung tại Điểm e, Khoản 18, Điều 1 Nghị định 124/2021/NĐ-CP và Nghị định 117/2020/NĐ-CP; mức phạt tiền từ 80 đến 100 triệu đồng, có hình thức xử phạt bổ sung đình chỉ một phần hoặc toàn bộ hoạt động sản xuất, chế biến, kinh doanh, cung cấp thực phẩm từ 3 đến 5 tháng.

Qua các hành vi nêu trên, căn cứ các quy định của pháp luật, Sở Y tế lập hồ sơ thủ tục xử phạt vi phạm hành chính về lĩnh vực an toàn thực phẩm. Theo đó phạt tổng số tiền vi phạm hành chính 110,5 triệu đồng, phạt bổ sung đình chỉ hoạt động kinh doanh 5 tháng.

Vụ 313 người ngộ độc bánh mì Phượng 2: Chủ cơ sở nêu nhiều lý do xin giảm nhẹ mức xử lý ảnh 2

Đại diện chủ cơ sở bánh mì Phượng làm việc với cơ quan chức năng.

Chủ cơ sở xin áp dụng tình tiết giảm nhẹ

Ngày 25/9 Sở Y tế làm việc với hộ kinh doanh bánh mì Phượng 2. Qua buổi làm việc, chủ hộ nêu ý kiến thống nhất với kết quả điều tra, xác minh vụ ngộ độc và thống nhất mức xử phạt vi phạm hành chính nêu trên. Tuy nhiên gia đình trình cơ quan chức năng xem xét các tình tiết giảm nhẹ, lý do: Gia đình xuất phát từ hoàn cảnh khó khăn để gầy dựng thương hiệu đến bây giờ; gia đình có truyền thống cách mạng; Sau khi sự cố ngộ độc xảy ra, gia đình tích cực ngăn chặn làm giảm bớt hậu quả của vi phạm (tự nguyện đóng cửa ngày 13/9 sau khi nghe thông tin ngộ độc); tự nguyện khắc phục hậu quả, bồi thường thiệt hại (tự nguyện đến các bệnh viện, cơ sở y tế thăm hỏi và trả phí điều trị cho bệnh nhân); tự nguyện khai báo, thành thật hối lỗi, tích cực giúp đỡ cơ quan chức năng phát hiện, xử lý vi phạm hành chính.

“Trải qua thời gian xây dựng thương hiệu 34 năm nay, cơ sở chúng tôi chưa vi phạm về an toàn thực phẩm, trong quá trình kinh doanh cũng được sự ủng hộ của quý khách hàng, người tiêu dùng trong nước và du khách quốc tế. Cơ sở cũng là nơi tạo nguồn thu nhập, việc làm cho 10 lao động. Do sai sót trong quá trình sơ chế, chế biến thực phẩm vào ngày 11 và 12/9 nên đã để xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm vừa qua ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng. Vụ ngộ độc cũng khiến gia đình suy sụp về tinh thần. Những ngày qua cơ sở đã tích cực phối hợp với cơ quan chức năng trong quá trình điều tra, xử lý vụ ngộ độc. Do đó chủ cơ sở mong cơ quan chức năng xem xét áp dụng tình tiết giảm nhẹ trong xử lý vi phạm” – chủ cơ sở trình bày.

Theo Giám đốc Sở Y tế Quảng Nam, các hành vi vi phạm hành chính của hộ kinh doanh bánh mì Phượng 2 vượt thẩm quyền giải quyết, do vậy Sở Y tế trình Chủ tịch UBND tỉnh xem xét quyết định xử phạt theo quy định.

MỚI - NÓNG
Thu hồi phù hiệu hơn 6.800 xe vi phạm quá tốc độ
Thu hồi phù hiệu hơn 6.800 xe vi phạm quá tốc độ
TPO - Trong 3 tháng đầu năm, các Sở Giao thông vận tải đã xử lý thu hồi phù hiệu đối với hơn 6.800 phương tiện vi phạm tốc độ từ 5 lần/1.000km trở lên trong tháng, đồng thời nhắc nhở đối với 85.600 phương tiện có vi phạm quá tốc độ, quá thời gian lái xe và không truyền dữ liệu.