Không cần thế chấp
Theo Quyết định số 29 của Thủ tướng, có 4 nhóm người được vay vốn (người nhiễm HIV, người sau cai nghiện, người điều trị thay thế bằng methadone và người bán dâm hoàn lương).
Trao đổi với Tiền Phong, ông Lê Đức Hiền, Phó cục trưởng Cục Phòng chống tệ nạn xã hội - Bộ LĐ - TB&XH (PCTNXH) cho biết, 4 nhóm người trên là nhóm dễ bị tổn thương, cần hỗ trợ giúp đỡ, nhiều người còn mang trong mình bệnh tật, sức khỏe yếu. “Được vay vốn sản xuất, họ sẽ đỡ mặc cảm, dễ dàng hơn để hòa nhập. Nếu không có công ăn việc làm ổn định, họ không có chi phí để nâng cao sức khỏe, ổn định cuộc sống, dễ dẫn đến tái phạm, tái nghiện”, ông Hiền nói.
“Cục PCTNXH đang tham mưu cho Bộ LĐ-TB&XH, phối hợp với Ngân hàng CSXH chuẩn bị nguồn vốn và cách thức cho vay sao cho đơn giản, dễ thực hiện với nhóm người này”.
Ông Lê Đức Hiền
Theo quy định, mức cho vay căn cứ vào nhu cầu vay và khả năng trả nợ của từng cá nhân, hộ gia đình và không phải thế chấp. Tuy nhiên, không vượt quá 20 triệu đồng/cá nhân và 30 triệu đồng/hộ gia đình. Người vay có thể vay vốn nhiều lần nhưng tổng dư nợ không vượt quá mức dư nợ cho vay tối đa theo quy định trên.
Theo ông Hiền, vì được ưu đãi nên lãi suất cho vay bằng lãi suất cho vay hộ nghèo theo từng thời kỳ do Chính phủ quy định. Lãi suất nợ quá hạn được tính bằng 130% lãi suất cho vay. Thời hạn cho vay tối đa 60 tháng, trong giai đoạn thí điểm (2014-2016) áp dụng thời hạn cho vay tối đa 36 tháng.
Thủ tục ra sao?
Theo quyết định của Thủ tướng, từ 2014-2016, chương trình sẽ được thực hiện thí điểm tại 15 tỉnh, thành; từ 2017 sẽ mở rộng toàn quốc. Cục PCTNXH đang cùng các bộ, ngành xây dựng tiêu chí để chọn 15 tỉnh, thành thí điểm; xây dựng các biểu mẫu, hướng dẫn chi tiết...
Để được vay vốn, người nhiễm HIV phải có Phiếu trả lời kết quả xét nghiệm HIV dương tính của cơ sở xét nghiệm đủ điều kiện. Người điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế đã xong thời gian dò liều, có thời gian điều trị ổn định từ 3 tháng trở lên, có xác nhận của người phụ trách cơ sở điều trị.
Riêng với người bán dâm hoàn lương, có xác nhận về việc không còn bán dâm của Chủ tịch UBND cấp xã hoặc người đứng đầu một trong các tổ chức chính trị - xã hội ở địa phương hoặc Chủ nhiệm Câu lạc bộ, Trưởng nhóm, Trưởng mạng lưới do các tổ chức chính trị - xã hội hoặc tổ chức xã hội có tư cách pháp nhân thành lập...
Với hộ gia đình có thành viên là người sau cai nghiện ma túy phải có một trong các giấy tờ: quyết định áp dụng biện pháp quản lý sau cai tại nơi cư trú; giấy xác nhận hoàn thành thời gian cai nghiện tại cơ sở cai nghiện bắt buộc; giấy xác nhận của UBND cấp xã về việc đã chấp hành thời gian cai nghiện tại gia đình, cộng đồng từ 3 tháng trở lên.
Khó xác định người bán dâm hoàn lương
Dư luận cho rằng, việc xác định người bán dâm không còn bán dâm sẽ rất khó khăn, sẽ khiến chủ tịch UBND xã lúng túng khi xác nhận. Về vấn đề này, ông Lê Đức Hiền cho rằng, tới đây sẽ có hướng dẫn cụ thể, vấn đề mấu chốt là phải làm sao để người bán dâm hoàn lương chủ động tiếp cận nguồn vốn. “Để được vay vốn, họ phải vượt qua được dư luận xã hội và điều này cũng không dễ dàng”, ông Hiền nói.
Theo ông Hiền, những người có trách nhiệm tại UBND cấp xã và Ngân hàng CSXH phải có thái độ, ứng xử đúng mực, giữ gìn thông tin, thực sự quan tâm đến những người này, giúp họ đỡ mặc cảm. Ngoài ra, để giảm rủi ro khi cho vay vốn, cần xem xét kỹ những người có nhu cầu, phương thức sản xuất thực sự. Đồng thời, kết nối với các tổ chức xã hội, các nhóm đồng đẳng, tự lực, câu lạc bộ địa phương... giúp đỡ họ sản xuất, kinh doanh, buôn bán hiệu quả, giảm rủi ro.
Bắc Giang: Nhiều chủ tịch xã băn khoăn
Giám đốc Ngân hàng CSXH tỉnh Bắc Giang cho biết, đơn vị chưa nhận được các văn bản chỉ đạo của cấp trên về việc triển khai chương trình cho vay vốn này. Ông Nguyễn Tiến Tú (Chủ tịch UBND xã Song Mai, TP Bắc Giang) cũng tỏ ra bất ngờ khi nhận được thông tin này từ PV và cho biết chưa hề nhận được văn bản triển khai.
Theo ông Tú, chương trình cho vay đối với người bán dâm hoàn lương sẽ rất khó khăn, bởi thực tế địa phương cho thấy rất khó quản lý các đối tượng này. “Ban ngày họ sống bình thường nhưng ban đêm lại đi bán dâm thì ai biết được. Do đó, giao chính quyền địa phương xác nhận họ có hoàn lương thực sự hay không là làm khó cho chúng tôi” - ông Tú nói.
Theo một chủ tịch xã khác, các đối tượng trên thường ngại thông tin về việc mình đã từng bán dâm trong khi các cơ chế bảo mật thông tin chưa thực sự rõ ràng sẽ rất khó để khuyến khích họ đứng ra vay vốn. Cũng có ý kiến cho rằng nên áp dụng chính sách từ ngay khi họ còn đang trong giai đoạn cuối của chương trình cải tạo tại các Trung tâm giáo dục lao động xã hội.
“Các trung tâm có thể căn cứ vào quá trình cải tạo, giáo dục của người đã từng bán dâm để xác nhận vào đơn vay vốn của các đối tượng này. Điều này vừa mang tính bảo mật thông tin cao cho các đối tượng hoàn lương, không gây khó khăn cho chính quyền địa phương” – ông Nguyễn Đức Thịnh, Chủ tịch UBND xã Lãng Sơn, huyện Yên Dũng đề xuất.
Nguyễn Trường
Đà Nẵng: Tế nhị, tránh rườm rà cho người vay vốn
Đó là giải pháp được UBND xã, phường, cơ quan chức năng Đà Nẵng triển khai chọn là địa phương thí điểm triển khai nguồn vốn ưu đãi cho các đối tượng mại dâm, HIV/AIDS hoàn lương.
Theo ông Nguyễn Hữu Nam, Chủ tịch UBND phường Phước Mỹ (Sơn Trà, Đà Nẵng), đến nay địa phương chưa nhận bất kỳ văn bản chính thức hướng dẫn triển khai nguồn vốn ưu đãi cho các đối tượng hoàn lương. Tuy nhiên, nếu được áp dụng, việc thực hiện không khó. Khâu xác nhận cho đối tượng hoàn lương tiến hành cách tế nhị, tránh tạo rào cản cho các đối tượng hoàn lương.
“Các đối tượng HIV/AIDS được mật danh tính. Nếu mình xác nhận không khéo, tế nhị lại vô tình làm họ “lộ”, gây sức ép kỳ thị xã hội. Hơn nữa họ được quản lý về mặt y tế nên không cần thiết phải xác nhận qua UBND xã, phường”, ông Nam kiến nghị.
Ông Nguyễn Đăng Dự, Chủ tịch UBND xã Hòa Nhơn (huyện Hòa Vang) cũng cho rằng nếu cần xác nhận thì phải làm tế nhị, giảm khâu thủ tục hành chính rườm rà để không tạo sức ép tâm lý với họ.
Còn lãnh đạo UBND phường An Hải Bắc (Sơn Trà) cho hay, việc quản lý, theo dõi đối tượng mại dâm có hoàn lương hay không, không khó. Bởi những đối tượng này cư trú trong dân cư, được các tổ dân phố, công an, hội đoàn thể các cấp giám sát có "tai mắt” trong dân nên nếu đối tượng này vẫn “ngựa quen đường cũ” sẽ dễ bị phát hiện.
Nguyễn Huy