Voi bị thương oằn lưng chở khách: Hỗ trợ kinh phí, hướng tới chấm dứt du lịch cưỡi voi

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Trong thời gian chờ hoàn thiện mô hình sản phẩm “Du lịch thân thiện với Voi”, UBND tỉnh Đắk Lắk giao Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn thống kê số lượng voi nhà và hộ có voi, đề xuất phương án hỗ trợ kinh phí cho người dân (theo hàng tháng, quý, năm) để hạn chế tối đa và hướng tới chấm dứt dịch vụ cưỡi voi.

Sau vụ việc báo chí phản ánh voi nhà bị thương chở khách du lịch gây xôn xao dư luận đầu tháng 2/2022, mới đây, UBND tỉnh Đắk Lắk đã có văn bản chỉ đạo các đơn vị, địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, quản lý và sử dụng voi nhà trong hoạt động kinh doanh du lịch, văn hóa và phấn đấu hoàn thiện mô hình sản phẩm “Du lịch thân thiện với Voi”, hướng đến chấm dứt hình thức du lịch cưỡi voi.

Voi bị thương oằn lưng chở khách: Hỗ trợ kinh phí, hướng tới chấm dứt du lịch cưỡi voi ảnh 1

Một cá thể voi nhà ở Đắk Lắk được cứu hộ về Trung tâm bảo tồn Voi

Cụ thể, UBND tỉnh Đắk Lắk giao Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chủ trì, phối hợp với các đơn vị khẩn trương hoàn thành phương án mô hình sản phẩm "Du lịch thân thiện với voi" ngay trong năm 2022.

Mặt khác, sở này nhận nhiệm vụ rà soát, thống kê số lượng voi nhà và hộ có voi trên địa bàn tỉnh nhằm báo cáo, đề xuất UBND tỉnh về phương án hỗ trợ kinh phí cho người dân (theo hàng tháng, quý, năm) để hạn chế tối đa và hướng tới không tổ chức dịch vụ du lịch cưỡi voi; đồng thời báo cáo tiến độ triển khai thực hiện các nội dung Bản ghi nhớ hợp tác xây dựng mô hình du lịch thân thiện với voi nhà giữa UBND tỉnh Đắk Lắk và Tổ chức Animal Asia Foundation (AAF) được ký kết vào ngày 15/12/2021.

UBND tỉnh Đắk Lắk giao Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với UBND các huyện Lắk, Buôn Đôn, Hiệp hội Du lịch Đắk Lắk, Trung tâm bảo tồn voi, các tổ chức, cá nhân có voi và sử dụng dịch vụ voi, tổ chức xây dựng các sản phẩm dịch vụ mới như: Voi chào khách, voi tắm, vòi phun nước, cho voi ăn; tổ chức chiến dịch tuyên truyền, nâng cao ý thức, trách nhiệm bảo vệ động vật hoang dã quý hiếm, đặc biệt là voi trong hoạt động du lịch.

Voi bị thương oằn lưng chở khách: Hỗ trợ kinh phí, hướng tới chấm dứt du lịch cưỡi voi ảnh 2

Hình ảnh voi nhà bị thương vẫn chở khách du lịch được nữ du khách ghi lại

Sở Lao động Thương binh và Xã hội xem xét, tham mưu hỗ trợ đào tạo nghề cho các nài voi, chủ voi khi thay đổi mô hình cưỡi voi bằng các mô hình khác (đào tạo nghề du lịch, các nghề khác...) để giúp các nài voi, chủ voi đảm bảo được cuộc sống.

Giao Sở Tài chính tham mưu UBND tỉnh hỗ trợ kinh phí thực hiện phương án mô hình sản phẩm “Du lịch thân thiện với voi” và các nguồn kinh phí khác (nếu có) để hỗ trợ các chủ voi, nài voi.

UBND tỉnh Đắk Lắk đề nghị UBND huyện Buôn Đôn và huyện Lắk (2 địa phương có đàn voi nhà) triển khai cho các tổ chức, cá nhân có sử dụng voi phục vụ du lịch ký cam kết và tăng cường kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định của tỉnh; tăng cường tuyên truyền, kiểm tra, ngăn chặn việc mua bán hàng hóa, đồ lưu niệm, đồ trang sức, đồ mỹ nghệ liên quan đến động vật hoang dã, trong đó có voi tại các khu, điểm du lịch…

Các đơn vị kinh doanh du lịch có sử dụng voi nhà khẩn trương triển khai xây dựng các sản phẩm dịch vụ mới liên quan đến voi; có chính sách hỗ trợ các nài voi, chủ voi khi không còn dịch vụ cưỡi voi...

Trước đó, báo Tiền Phong đăng tải bài viết “Voi bị thương vẫn oằn lưng chở khách, bao giờ chấm dứt du lịch cưỡi” phản ánh một du khách khi ghi lại hình ảnh một con voi nhà ở Đắk Lắk bị nhiều vết thương rỉ máu trên đầu, gần vành tai… nhưng vẫn phải chở khách.

Sau đó, các sở ngành liên quan vào cuộc, xác định con voi bị thương ở huyện Buôn Đôn. Tuy nhiên, theo giải trình của chủ voi, con voi này đã bị khuyết tật 1 mắt, khi di chuyển trong rừng không may bị cây đâm. Còn Trung tâm Du lịch Buôn Đôn thừa nhận, khi đưa voi vào phục vụ khách đã sơ suất không kiểm tra, giám sát kỹ tình hình sức khỏe của voi nên không phát hiện vài vết thương nhỏ rỉ máu trên đầu voi.

MỚI - NÓNG