Vươn lên từ gian khó
Ngôi nhà cấp 4 ở thôn Đức Hoa, xã Đức Ninh, TP Đồng Hới (Quảng Bình), nơi mà cả gia đình 5 người của anh Đặng Văn Nghĩa và người bố già yếu đang sinh sống nhìn chẳng có gì đáng giá. Không ai nghĩ với gia cảnh này mà vợ chồng anh Nghĩa lại tự nguyện bỏ ra một lúc 2 tỷ đồng đóng góp vào quỹ phòng chống dịch COVID-19 của tỉnh Quảng Bình.
Từ số tiền 2 tỷ đồng mà vợ chồng anh Đặng Văn Nghĩa và chị Trần Lan Hương ủng hộ, Sở Y tế Quảng Bình đã mua được 5.000 bộ xét nghiệm phát hiện kháng nguyên SARS-COV-2; 4 máy thở; 2 monitor; 2 bơm tiêm điện; 50 bình oxy.
Ông Đặng Văn Bắc, bố của Nghĩa tâm sự: “Ngày trước tôi là cán bộ kiến thiết của Lâm trường Đồng Hới. Cách đây hơn 20 năm vợ bỏ đi, một mình tôi nuôi 5 đứa con nhỏ. Lương cán bộ lâm trường lúc ấy không đủ nuôi sống chúng, tôi bỏ về làm thợ mộc. Công việc lúc có lúc không, nhiều hôm không biết kiếm đâu ra nửa lon gạo để nấu cháo cho con. Khó khăn là thế nhưng mấy đứa con đều chăm ngoan học giỏi, hiếu nghĩa chúng là động lực để tôi vượt qua tất cả”.
Vợ chồng anh chị Nghĩa – Hương trong buổi trao tặng trang thiết bị y tế cho Sở Y tế Quảng Bình |
Anh Nghĩa sinh năm 1985, tốt nghiệp Cử nhân Sinh học của Đại học Vinh nhưng lại theo đuổi nghiệp kinh doanh. “Vì nhà nghèo nên em phải bươn chải kiếm tiền từ sớm. Học đại học em làm đủ nghề để giảm bớt gánh nặng cho bố. Không biết từ lúc nào máu kinh doanh nó ngấm vào em. Học xong đại học em không xin việc mà tự mình mày mò kinh doanh. Khi mới ra trường em vay mượn mở một tiệm sách. Kinh doanh được 5 năm, em sang nhượng lại cho người khác chuyển hướng làm lữ hành du lịch. Được mấy năm thì gặp sự cố môi trường biển do Formosa gây ra, em giải nghệ chuyển sang môi giới đất đai và làm ổn định cho đến hôm nay. Vợ em cũng vậy, tốt nghiệp cử nhân Tâm lí, không xin việc làm và giờ hai vợ chồng cùng nhau môi giới đất đai”.
“Lâu nay khi nói về những người làm từ thiện, nhân đạo người ta hay ví von đó là những người có tấm lòng vàng. Còn trong trường hợp của anh Đặng Văn Nghĩa và chị Trần Lan Hương, khi biết về gia cảnh của họ thì tôi cho đó là những tấm lòng hơn cả vàng. Nghĩa cử cao đẹp của gia đình anh chị ấy thật đáng trân quý, vượt ra ngoài suy nghĩ thông thường của nhiều người. Anh chị Nghĩa - Hương đã tạo ra một triết lí hoàn toàn mới “làm từ thiện không đợi giàu”.
Bà Phạm Thị Hân, Chủ tịch UBMTTQVN tỉnh Quảng Bình
Vợ anh Nghĩa, chị Trần Lan Hương (SN 1986) kể: “Khi bước vào lĩnh vực đất đai, cả hai vợ chồng em đều rất bỡ ngỡ. Do ít vốn, ban đầu bọn em chỉ môi giới kiếm hoa hồng. Cũng nhờ thật thà, chăm chỉ mà bọn em được nhiều chủ đất gửi gắm nhờ giới thiệu. Tích góp được ít vốn bọn em vay thêm ngân hàng mua đất, chờ cơ hội bán kiếm lời. Cũng may trời Phật thương nên bọn em cũng có đồng vô đồng ra”.
Có lẽ đã từng sống trong cảnh nghèo túng, nên vợ chồng anh Nghĩa thấu hiểu và thường xuyên giúp đỡ người khác túng thiếu hơn mình, dù cuộc sống chưa khá giả. “Con đường kinh doanh cũng lắm gian truân, nhiều lúc bọn em tưởng chừng như không thể duy trì nổi. Hai vợ chồng em từng tâm nguyện, nếu vượt qua được giai đoạn khó khăn, sẽ dành một khoản tiền kha khá để làm từ thiện, nhưng vẫn chưa nghĩ ra nên làm việc gì cho thật có ý nghĩa cho đến khi dịch COVID-19 bùng phát mạnh” – chị Hương tâm sự.
Bán vội đám đất lỗ 2 tỷ để kịp làm từ thiện
“Em nghĩ làm từ thiện phải đúng đối tượng, đúng thời điểm mới thật sự có ý nghĩa. Khi dịch bùng phát mạnh ở TP Hồ Chí Minh, có quá nhiều người chết và bắt đầu lan ra Quảng Bình, em bàn với vợ đây là thời điểm thích hợp nhất để đóng góp phần nhỏ của mình vào công cuộc chống dịch của tỉnh. Không có tiền mặt, bọn em chào bán mấy lô đất mà vợ chồng em đang sở hữu nhưng chẳng ai mặn mà. Duy chỉ có một người ngỏ ý, nhưng lại muốn mua lô đất mà vợ chồng em dự định sau này làm nhà. Điều làm em phân vân là họ chỉ trả được 5 tỷ đồng, trong khi trước đó một tháng, chính lô đất này có người trả 7 tỷ nhưng em không bán.Thấy vậy, vợ em động viên: “Đất làm nhà tính sau, mất hai tỷ sau này có thể kiếm lại được, mình không làm từ thiện lúc này thì còn làm lúc nào nữa, sức khoẻ, tính mạng con người là trên hết”. Vậy là hai vợ chồng em quyết định bán lô đất ấy” - anh Nghĩa chia sẻ.
Cả gia đình 5 người của anh Nghĩa hạnh phúc, sum vầy trước hiên nhà |
Điều làm hai vợ chồng anh Nghĩa an tâm nhất là quyết định của mình được gia đình nội ngoại hai bên đồng tình ủng hộ. “Nghe vợ chồng nó hỏi ý kiến, tôi đồng tình ngay. Tôi nói với hai đứa: “Ngày xưa đi làm thợ mộc nuôi các con, nhiều lúc không có tiền mua gạo, nhưng khi gặp những gia đình quá nghèo túng ba không lấy tiền công. Giờ các con vẫn còn khó khăn, vẫn nợ ngân hàng nhưng làm được điều ý nghĩa thì cứ nên làm” – ông Bắc, bố anh Nghĩa tâm sự.
Nhận đủ tiền từ việc bán đất, anh Nghĩa mang 3 tỷ đến ngân hàng trả bớt một phần nợ. Số còn lại 2 tỷ đồng anh liên hệ với Sở Y tế Quảng Bình để ủng hộ mua vật tư, trang thiết bị cần gấp cho việc phòng chống dịch COVID-19. “Tháng 9 năm 2021 là thời điểm dịch bùng phát mạnh nhất trên địa bàn tỉnh Quảng Bình, mọi nguồn lực đều dồn cho phòng chống dịch mà vẫn không đủ. Nhiều loại vật tư, thiết bị y tế thiết yếu phải mua nợ từ các doanh nghiệp để kịp thời xử lí các ổ dịch trên địa bàn. Sự đóng góp của vợ chồng anh Nghĩa và chị Hương thời điểm đó là kịp thời và rất ý nghĩa, góp phần giúp tỉnh từng bước khống chế dịch COVID-19” – ông Nguyễn Đức Cường, nguyên Giám đốc Sở Y tế Quảng Bình nói.
Chủ tịch UBND xã Đức Ninh, ông Nguyễn Minh Vũ cho biết: Cuộc sống của gia đình anh Nghĩa, chị Hương ở mức bình thường như những hộ dân khác trên địa bàn. Lâu nay anh chị vẫn hay giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn, nhưng việc một lúc bỏ ra số tiền lớn để ủng hộ tỉnh phòng chống dịch COVID-19 khiến nhiều người ngạc nhiên. Tấm lòng thiện nguyện của vợ chồng anh chị là hành động đẹp đáng trân quý, đáng tự hào của địa phương.
Vợ chồng anh chị Nghĩa – Hương vui mừng khi số tiền mình bỏ ra đã mua được những thiết bị cấp thiết dùng cho phòng chống dịch COVID-19 |
Chị Hương tâm sự: “Khi biết vợ chồng em bỏ số tiền lớn làm từ thiện, nhiều người động viên, cảm mến, nhưng cũng có người nói này, nói nọ... Vợ chồng em không suy nghĩ gì nhiều, điều quan trọng nhất là tâm nguyện của vợ chồng em đã được thực hiện một cách có ý nghĩa”.