Thông tin được FBI công bố giữa lúc nước Mỹ chưa hết bàng hoàng sau vụ khủng bố tại thành phố San Bernardino, còn Tổng thống Barack Obama cam kết sẽ hủy diệt nhóm Nhà nước Hồi giáo cực đoan (IS) cũng như những kẻ đi theo nhóm này.
Ngay sau vụ xả súng, IS đã lên tiếng ca ngợi những kẻ tấn công là Syed Farook và vợ Tashfeen Malik. Nhóm này gọi các nghi phạm là “những chiến sỹ” của Nhà nước Hồi giáo, nhưng không khẳng định đây là 2 thành viên trong tổ chức.
“Qua quá trình điều tra, chúng tôi đã phát hiện và tin rằng cả hai đối tượng đã bị cực đoan hóa trong một khoảng thời gian”, David Bowdich, trợ lý giám đốc FBI khu vực Los Angeles phát biểu với báo giới. “Câu hỏi cho chúng ta là họ bị cực đoan hóa do ai, bằng cách nào và ở đâu”.
“Có thể không có kẻ nào đứng sau. Thường thì nó diễn ra trên Internet”.
Ông Bowdich cho biết, các nghi phạm, bị tiêu diệt trong cuộc đấu súng với cảnh sát sau vụ xả súng, đã tới một số trường bắn quanh khu vực Los Angeles để luyện tập. Một số buổi tập diễn ra chỉ vài ngày trước thảm kịch.
Trong ngày 6/12, ông Obama đã gọi vụ tấn công là “hành động khủng bố”, và FBI đang điều tra. Dù vậy, đến nay cơ quan chức năng khẳng định không có dấu hiệu nào cho thấy cặp vợ chồng là thành viên một nhóm hay mạng lưới có tổ chức.
Vụ xả súng ngày 2/12 khiến dư luận Mỹ bàng hoàng (Ảnh: AFP)
“Ám ảnh bởi Israel”
Farook, một công dân Mỹ, và vợ người Pakistan, quen nhau thông qua một trang web hẹn hò trực tuyến. Năm ngoái, Farook đã tới Arập Xêút nơi Malik sinh sống và hai người kết hôn. Họ đã có một con gái 6 tháng tuổi.
Gia đình của Farook không thể lí giải vì sao cặp vợ chồng này lại thực hiện vụ thảm sát, đồng thời cho biết họ đều là những tín đồ Hồi giáo mộ đạo nhưng không hề có dấu hiệu nào cho thấy bị cực đoan hóa.
Đồng nghiệp của Farook cũng không nói lên lời. Họ cho biết tên này đã tới dự một bữa tiệc cùng các đồng nghiệp, trước khi bỏ về. Khi quay lại, tên này đi cùng vợ, mặc trang phục kiểu quân đội và mang theo vũ khí hạng nặng, gồm 2 súng trường tấn công và 2 súng ngắn bán tự động.
Trong quá trình khám xét nhà của nghi phạm, cơ quan điều tra còn thu giữ được 19 loại ống có thể đã được hai nghi phạm dùng để chế tạo bom, tăng so với số lượng 12 được công bố trước đó.
John E. D’Angelo, đại diện cơ quan kiểm soát đồ uống có cồn, thuốc lá, vũ khí và chất nổ cho biết, Farook dùng tên thật để mua 3 trong số những vũ khí sử dụng trong vụ tấn công. Hai vũ khí khác được mua bởi một hàng xóm cũ, có tên Enrique Marquez. Hiện cơ quan điều tra xem bằng cách nào Farook lại có được vũ khí từ Marquez.
Trong cuộc phỏng vấn với tờ La Stampa của Ý, cha của Farook tiết lộ con trai mình ủng hộ tư tưởng của IS, và bị ám ảnh bởi Israel. “Nó nói rằng nó đồng quan điểm với al-Baghdadi (kẻ cầm đầu IS) về lập một Nhà nước Hồi giáo, và nó bị ám ảnh bởi Israel”, La Stampa trích dẫn ông Syed Farook.
“Tôi luôn nói với nó rằng ‘hãy bình tâm, kiên nhẫn, trong hai năm nữa Israel sẽ không còn tồn tại’”
Dù vậy, luật sư của gia đình David Chesley tuyên bố ông Farook chưa từng đưa ra những phát biểu trên.