Vợ chồng già dạy trẻ giữa U Minh

TP - Phóng xe máy xuyên rừng tràm U Minh Thượng, xuôi về Miệt Thứ, rẽ vào con đường nhỏ gập ghềnh qua mấy lượt phà sang sông sẽ đến ấp Xẻo Nhàu A, xã Tân Thạnh (An Minh, Kiên Giang). Miệt Thứ là tên gọi đặc trưng vùng đất này, miệt là vùng đất xa, thứ là thứ tự những con kênh đào ra biển Tây. Lòng vòng giữa những tên đất tên làng xa xôi mà dân dã thân quen, PV Tiền Phong lọt vô lớp học tình thương Xóm Miễu.
Vợ chồng già dạy trẻ giữa U Minh ảnh 1

Lớp mẫu giáo buổi chiều. Ảnh: Nguyễn Tiến Hưng

Lớp học của vợ chồng ông giáo già Trần Văn Nhâm và bà Lê Ngọc Lệ, mái lá đơn sơ nhưng tiếng trẻ ê a giữa rừng sâu, mênh mang sông nước gợi không khí rất đặc biệt. Sân lớp học tình thương Xóm Miễu cũng tráng xi măng, rợp bóng cây.

Dịu mát

Bóng cây xanh tỏa rộng trên mái lá, sân trường làm cho ánh nắng trưa dịu mát. Trong lớp, cô giáo già Lê Ngọc Lệ đang dạy toán cho mấy chục học sinh lớp 1. Mái tóc cô điểm bạc, còn học trò mặc áo nhiều màu sắc khác nhau, chân đi dép lê xen nhiều em đi chân đất. Giọng cô giáo đầy yêu thương: “Phép cộng làm sao các con?”. Cả lớp đồng thanh: “Cộng là gom vô!”. Phấn trắng trên bảng đen hiện ra hàng chữ nét chân phương ghi đầu đề bài học: Phép cộng trong phạm vi 6.
“Hôm nay, cô dạy cho các con phép cộng trong phạm vi 6. Các con đếm mỗi bàn tay có mấy ngón để cùng cô tính nghen!”, vừa nói cô giáo vừa ghi lên bảng rồi đếm những ngón tay và học sinh làm theo. Nét mặt từng học sinh rạng rỡ theo lời cô, bài học phép tính trong phạm vi 6 sinh động, dễ hiểu, dễ nhớ.

Vợ chồng già dạy trẻ giữa U Minh ảnh 2

Vợ chồng ông bà giáo với cúp “Vinh quang Việt Nam”

Lớp học tình thương Xóm Miễu thực ra có hai phòng học liền nhau, cột tràm cặm xuống đất, mái lá che mưa nắng. Trong lúc cô giáo dạy trẻ, thì chồng của cô giáo già là ông Trần Văn Nhâm vui vẻ tiếp khách. Kính lão dày cộm, ông Nhâm tươi cười để lộ hàm răng ố vàng, chiếc còn chiếc mất: “Hồi năm 2000, vợ chồng tôi ở đậu đất ông Trần Văn Dẫu bên kia sông, dựng nhà và năm 2001, mở lớp học tình thương tại nhà. Thấy vậy, ông Ngô Văn Hoàng cho mượn doi đất rộng rãi bên này để vợ chồng tôi dựng hai phòng học rộng rãi”.

“Học trường công đóng tiền đủ thứ, còn học ở đây không tốn tiền mà các cháu lại biết chữ nhanh nên ham lắm”.

Bà Huỳnh Anh, 65 tuổi

Ông Nhâm năm nay 64 tuổi, cô Lệ 60 tuổi, hai người là đồng nghiệp và nên vợ chồng từ thời bao cấp. Cuộc sống nhà giáo hồi đó có con nhỏ rất khó khăn, hai người phải rời trường lớp để bươn chải kiếm sống, trôi dạt xuống ấp Xẻo Nhàu A giữa rừng U Minh vùng Miệt Thứ xa xôi. Nhưng cái nghiệp nhà giáo trong máu khiến ông bà không yên lòng khi thấy trẻ con xung quanh mù chữ, thậm chí đi học mà cũng không đọc thông viết thạo. Đắn đo tính toán, hai vợ chồng mở lớp dạy học. Lúc đầu có thu mỗi học sinh mỗi ngày 500 đồng, để lo cuộc sống và nuôi hai con học đại học xa nhà. “Khi con ra trường, có việc làm, vợ chồng tôi dạy miễn phí”, ông Nhâm kể.

Chữa bệnh

Lúc đầu chỉ dạy chữ cho những trẻ con nhà nghèo không có điều kiện đến trường. Nhưng dần dần, lớp học tình thương phải thu nhận cả những học sinh đã học nhiều lớp ở trường công nhưng… chưa đọc thông viết thạo và chưa biết làm toán. Cha mẹ học sinh gửi con đến nhờ chữa bệnh “mất căn bản”.

Vợ chồng già dạy trẻ giữa U Minh ảnh 3

Giờ dạy toán của cô Lệ 

Hai phòng có 4 lớp học, gồm lớp mẫu giáo, lớp 1, lớp 2 và lớp 3. Nguyễn Nhật Hoa ở ấp Xẻo Lúa, xã Tân Thạnh, đang học lớp 1, có cha là giáo viên của trường THCS địa phương. Cha của Hoa kể, vào trường công xác định Hoa bị câm điếc nên đã gửi lên trường chuyên biệt dành cho trẻ em câm điếc, học hành không có kết quả nên phải gửi vào lớp học tình thương Xóm Miễu. Cô giáo Lệ cho biết: “Hoa chỉ bị khiếm thính, không phải câm, có khả năng tiếp thu bài vở. Sau mấy tháng học đã biết chữ, nói được tuy hơi chậm, hòa đồng với bạn bè”.

Ông Cao Văn Cần, 65 tuổi, ở ấp Xẻo Nhàu A, có cháu Võ Quốc Duy đang học lớp 1, kể: “Cháu tôi đã học một năm ở trường công nhưng không biết chữ, không biết làm toán nên phải đưa vào đây, nay biết chữ rồi, làm toán nhanh”. Bà Huỳnh Anh, 65 tuổi, ở ấp Xẻo Ngát, đưa hai cháu nội là Trần Huỳnh Vàng và Trần Mộng Kiều cùng đến lớp 1, nói: “Học trường công đóng tiền đủ thứ, còn học ở đây không tốn tiền mà các cháu lại biết chữ nhanh nên ham lắm”.

Dân cư trong vùng lưa thưa, phân tán nên nhiều trẻ đi học phải có người lớn đưa đón. Một số người ngồi lại chờ con cháu học xong về luôn, trong khi con cháu ngồi học, họ quét sân, nhổ cỏ, sửa sang lớp học và còn học lóm, học ké. Chị Nguyễn Thị Khen ở ấp Xẻo Lúa mù chữ vì nghèo, không được đi học. Khi đưa con đi học, đứng ngoài lớp “học lóm” đã biết đọc chữ, biết làm toán: “Chồng tôi khen mẹ con tôi giỏi nhất nhà luôn”.

Lo lắng

Lớp học tình thương Xóm Miễu hồi mới ra đời vào dịp hè năm 2001, có hơn 30 hộ dân ký đơn xin phép Phòng GD&ĐT huyện An Minh và được chấp thuận mở lớp dân lập, dưới sự quản lý của Trường tiểu học Tân Thạnh 1, xã Tân Thạnh. Học bạ của học sinh do các thầy giáo ở Trường tiểu học Tân Thạnh 1 ký tên chủ nhiệm. Một số gia đình có điều kiện, thấy việc dạy của vợ chồng giáo già có hiệu quả nên tự nguyện góp sức góp tiền để mua phấn, trả tiền điện, mua bàn ghế, bảng đen và còn làm phòng đọc sách, tráng sân trường, xây cầu bê tông đến trường. Tình thương dành cho học sinh giữa rừng U Minh qua từng năm được mở rộng.

Thế nhưng, vì tồn tại “dân lập” nên lại bị phân biệt đối xử. Chẳng hạn, có lần, có vị lãnh đạo xã chạy xe máy xộc vào lớp học, ra lệnh đình chỉ giảng dạy, rút giấy phép lớp dân lập của Phòng GD&ĐT huyện An Minh. Ông Nhâm nhớ lại còn run: “Vợ chồng tôi thấy vậy sợ quá, ra sức năn nỉ ông bớt giận. Nhờ trời, sau đó, vị này nhận lỗi vì say rượu”.
Hiện nay, lớp học tình thương Xóm Miễu thực sự đứng trước nguy cơ bị xóa sổ, do quy định về quản lý học bạ. Thông báo từ cấp trên chuyển xuống, từ năm học này, học sinh sẽ không được ký học bạ nữa, tức là học ở lớp tình thương của vợ chồng giáo già thì không được thầy giáo ở trường tiểu học trong xã ký tên học bạ nữa. Nếu học ở lớp tình thương dù biết chữ cũng không có học bạ, không được học lên cao ở các trường công. Cho nên, đầu năm học, mẫu giáo không vướng học bạ thì vẫn có 50 học sinh, còn lớp 1 từ 30 học sinh giảm còn 18, lớp 2 từ 30 học sinh còn 12 và lớp 3 từ 10 học sinh chỉ còn 2. 

Vợ chồng thầy giáo Trần Văn Nhâm và cô giáo Lê Ngọc Lệ sau khi được vinh danh tại “Vinh quang Việt Nam” lần thứ 7, trở về lại đầy lo lắng. Ông Nhâm run run kể: “Sau khi dự lễ vinh danh về, tôi bị mời lên UBND xã Tân Thạnh làm việc 3 lần, rồi lên huyện 1 lần, còn bị Sở GD&ĐT tỉnh Kiên Giang tổ chức thanh tra. Vợ chồng tôi tính nếu nhà nước có cách gì duy trì được chất lượng lớp học, có lợi cho con em giữa rừng U Minh này thì vợ chồng tôi giao lớp để nghỉ ngơi”.
Hết thảy cha mẹ học sinh lớp học tình thương Xóm Miễu, khi gặp PV Tiền Phong đều bày tỏ sự hoang mang lo lắng cho việc học hành của con cháu.

PV Tiền Phong đến Trường tiểu học Tân Thạnh 1, UBND xã Tân Thạnh, Phòng GD&ĐT huyện An Minh và nơi làm việc của Chủ tịch UBND huyện An Minh để phản ánh nỗi lo lắng của cha mẹ học sinh Xóm Miễu nhưng những người có trách nhiệm đều bận họp, đi công tác xa.

MỚI - NÓNG
Tin mới vụ cô gái trẻ lái ô tô lao xuống sông Đồng Nai
Tin mới vụ cô gái trẻ lái ô tô lao xuống sông Đồng Nai
TPO - Cơ quan chức năng cho biết trên xe ô tô lao xuống sông Đồng Nai chỉ có một nạn nhân nữ. Vị trí tìm thấy ô tô và nạn nhân thuộc địa bàn tỉnh Bình Dương, do đó địa phương này tiến hành thụ lý việc khám nghiệm. Sau khi hoàn tất sẽ làm thủ tục bàn giao thi thể nạn nhân cho gia đình lo hậu sự.