VN - Index tụt sát ngưỡng 800 điểm

VN - Index tụt sát ngưỡng 800 điểm
TP - Bất chấp những tín hiệu tốt như Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước cùng “xắn tay” đưa ra những giải pháp để “cứu” thị trường chứng khoán thì VN - Index vẫn lao về sát mốc 800 điểm, thấp nhất từ hơn 1 năm nay!

> Đua nhau giảm sàn

VN - Index tụt sát ngưỡng 800 điểm ảnh 1
Ảnh: Phạm Yên

“Khủng hoảng” lòng tin?

Thực tế, thị trường chứng khoán (TTCK) càng có vẻ nghịch lý hơn khi đây là chu kỳ tăng giá, các chuyên gia, tổ chức tài chính khuyên mua vào, chỉ số P/E, giá nhiều cổ phiếu hấp dẫn, lợi nhuận của các tổ chức niêm yết tăng trưởng tốt…Tuy nhiên nhà đầu tư lại có lý lẽ riêng của họ…

Dạo qua các sàn trong những phiên gần đây và đặt câu hỏi “đang là thời điểm mua vào?” thì nhận được hầu hết những cái lắc đầu ngao ngán.

Khi VN-Index rớt xuống dưới 900, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) bắt đầu có động thái “vực dậy” thị trường thì nhiều người đã ôm vào và kết quả là lỗ vẫn hoàn lỗ.

Một chuyên gia chứng khoán thừa nhận: “Những dự đoán và phân tích của tôi đang bị nhiều nhà đầu tư nghi ngờ vì trái ngược với thị trường dù tôi dựa vào những chỉ số, cơ sở đáng tin cậy”.

Nhà đầu tư Trần Hải Nam (sàn SSI TPHCM) nói: “Tôi không còn tin vào những dự báo, đánh giá của các chuyên gia, Cty chứng khoán, quỹ đầu tư nữa vì VN-Index xuống 1.000 hay 850, mấy ông ấy cũng khuyên mua vào. Giữa năm còn có dự báo VN-Index sẽ lên đến 1.200 nhưng thực tế thì phũ phàng như thế này đây”.

Nhiều nhà đầu tư đều chung tâm lý “cứ bán cắt lỗ để vớt vát chứ không biết tin vào đâu để chờ đợi”. Việc hàng chục mã không ai mua vào và hơn 100 mã giảm với phần lớn là kịch sàn tại HoSE sáng 15/1 chính là kết quả của tâm lý bi quan trên.

Có vẻ như các chuyên gia, dự báo “bị oan” vì lý do chính yếu dẫn đến TTCK sụt giảm vừa qua là cầu quá thấp. Không chỉ chuyển sang bất động sản mà vốn từ TTCK còn cạn do ngân hàng siết lại theo chỉ thị 03, sự lạm dụng IPO và phát hành thêm và nhất là việc nhà đầu tư nước ngoài không rót vốn mạnh vào TTCK như kỳ vọng.

Nhà phân tích chứng khoán Thiệu Quang Thắng nhận định: “Nhà đầu tư cảm thấy mất lòng tin vì những chính sách thay đổi theo chiều hướng bất lợi. Họ cảm thấy như bị lợi dụng khi TTCK vừa hồi phục thì hàng trăm triệu chứng khoán mới lại tung ra ồ ạt. Trong khi đó, nhà ĐTNN lại ôm hàng tỷ USD vì khó khăn trong việc quy ra tiền đồng”.

Giám đốc một Cty chứng khoán thì lại đánh giá: “Cách điều hành TTCK như vừa qua có gì đó bất ổn. Nhà đầu tư từng ngao ngán hồi đầu năm vì những đợt IPO khổng lồ, phát hành thêm cổ phiếu làm loãng thị trường nhưng UBCKNN và các cơ quan quản lý không rút kinh nghiệm để đến nay tình hình xấu đi thì mới ra tay khi đã hơi muộn”.

Ông này cũng cho rằng, lẽ ra Bộ Tài chính, UBCKNN và NHNN phải xem xét những cảnh báo về việc nhà đầu tư nước ngoài thiếu tiền đồng từ lâu để có biện pháp, chứ không phải “lúng túng trước lạm phát nên e dè quá mức cần thiết”. 

Chính những động thái trên đã làm khủng hoảng lòng tin nơi nhà đầu tư, dẫn đến tình trạng bán tháo trong hai phiên 14, 15/1 dù có hàng loạt thông tin “cứu” TTCK được ban bố.

Lấy lại bằng cách nào?

Giám đốc điều hành một quỹ đầu tư nước ngoài nói: “Tôi khẳng định giá chứng khoán xuống quá thấp vừa qua là do nhà đầu tư mất niềm tin vào TTCK.

Các biện pháp “cứu” TTCK có thể vực dậy thị trường này trong vài ngày tới nhưng để lấy lại lòng tin từ nhà đầu tư thì cần phải có thời gian dài với những chính sách nhất quán và điều hành TTCK theo đúng quy luật của nó chứ không phải bằng những chỉ thị như Chỉ thị 03”.

Ngoài việc yêu cầu giãn tiến độ IPO, UBCKNN còn đề nghị NHNN “nới lỏng” Chỉ thị 03 vì thực tế tỷ lệ cho vay đầu tư tại các ngân hàng hiện nay tính trung bình toàn hệ thống chỉ khoảng 1,37%.

Theo thông tin của chúng tôi, các phiên IPO của Incombank, Habeco, BIDV... sẽ được hoãn lại và giãn ra theo một tiến độ thích hợp và có lợi cho cả doanh nghiệp, nhà đầu tư lẫn Nhà nước.

Về phía các tổ chức niêm yết, chiều 15/1, chúng tôi cũng đã có nguồn tin một số Cty sẽ mua lại số lượng lớn cổ phiếu làm cổ phiếu quỹ để chặn đà giảm giá.

Chủ tịch HĐQT một doanh nghiệp lớn cho hay: “Với cách làm này, chúng tôi không chỉ vực giá cổ phiếu của mình mà còn bảo vệ cổ đông, bảo vệ doanh nghiệp không bị thâu tóm với giá rẻ”.

Khá nhiều doanh nghiệp lớn như VNM, SSI, ACB, REE, STB, KDC… với nguồn thặng dư lớn cùng lợi nhuận có thể lên đến hàng ngàn tỷ đồng năm 2007 hoàn toàn có đủ sức làm điều đó.

Còn các Cty chứng khoán và ngân hàng đã và đang bắt tay nhau với nhiều hình thức linh hoạt để tiếp tục cho vay cầm cố chứng khoán nhằm tạo thêm vốn cho thị trường.

Ông Đặng Doãn Kiên, Tổng giám đốc Cty chứng khoán VIS khẳng định, các bên điều hành, tham gia thị trường cùng chung sức kéo giá chứng khoán lên không chỉ vì thị trường mà còn vì chính mình bởi “nước lên thuyền lên”.

Có nhà đầu tư nước ngoài cũng đã bày tỏ: “Trong lúc TTCK thế giới sụt giảm, không có cớ gì mà chúng tôi lại đổ tiền vào khi mà ngay cả những nhà đầu tư bản xứ đang bán tháo vì mất lòng tin và không đủ kiên nhẫn vì chính cách điều hành của nơi có trách nhiệm”.

Cơn sốc vừa qua sẽ là bài học “nhớ đời” không chỉ cho cơ quan điều hành, quản lý mà cho cả những nhà đầu tư trong và ngoài nước. Có lẽ lòng tin sẽ được khôi phục nhưng có dài lâu hay không thì vẫn còn là một dấu hỏi...

MỚI - NÓNG