Vĩnh Phúc phấn đấu 100% học sinh có thiết bị công nghệ có thể học trực tuyến

0:00 / 0:00
0:00
Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ phát động chương trình “Sóng và máy tính cho em”, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã chỉ đạo các cấp, ngành, địa phương chủ động hưởng ứng, triển khai thực hiện có hiệu quả chương trình với mục tiêu phấn đấu 100% học sinh có thiết bị công nghệ kết nối Internet để có thể đáp ứng điều kiện học trực tuyến.

Thời gian qua, ngành Giáo dục Vĩnh Phúc đã chủ động hướng dẫn hơn 500 trường học trên toàn tỉnh chuẩn bị các điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị, hạ tầng viễn thông, sẵn sàng tổ chức triển khai dạy học trực tuyến và ôn tập qua các ứng dụng công nghệ thông tin, nhóm mạng xã hội… Tuy nhiên, bên cạnh đa số học sinh đã quen với việc học trực tuyến, hiện trên địa bàn tỉnh vẫn có hàng nghìn em chưa thể tiếp cận hình thức học tập mới này. Nguyên nhân chủ yếu là do điều kiện kinh tế gia đình học sinh còn gặp nhiều khó khăn, không đủ điều kiện, khả năng để trang bị thiết bị học tập trực tuyến thiết yếu như: Máy tính, máy tính bảng, tivi cũng như đường truyền Internet….

Để học sinh, sinh viên nghèo có điều kiện được học tập trực tuyến, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã phát động chương trình “Sóng và máy tính cho em”. Chương trình gồm 3 phần chính: Có internet đến tất cả các gia đình, có máy tính cho học sinh, sinh viên nghèo và có giá cước phù hợp. Mục tiêu đặt ra hết năm 2021, sóng Internet sẽ phủ kín toàn quốc và có 1 triệu học sinh, sinh viên khó khăn sẽ được trang cấp máy tính bảng; sang giai đoạn 2 từ năm 2022 - 2023, phấn đấu không còn học sinh, sinh viên nào thiếu thiết bị để học trực tuyến.

Hưởng ứng chương trình này, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành Kế hoạch số 242 về việc triển khai Chương trình “Sóng và máy tính cho em” trên địa bàn tỉnh. Trong đó, giao các Sở Thông tin và Truyền thông, Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương vận động, kêu gọi, khuyến khích sự tham gia của các cơ quan trong hệ thống chính trị, các tổ chức xã hội, các doanh nghiệp và nhân dân trên địa bàn tỉnh trong việc hỗ trợ máy tính để bàn, máy tính xách tay, máy tính bảng, điện thoại thông minh cho học sinh của tỉnh, phấn đấu 100% các em học sinh có thiết bị công nghệ, kết nối Internet đáp ứng điều kiện học trực tuyến trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông chủ động triển khai hạ tầng, phát triển các nền tảng đáp ứng yêu cầu kết nối phục vụ việc dạy và học trực tuyến phủ sóng 3G, 4G, lắp đặt cáp quang đến 100% các khu dân cư, thôn, xóm, bản trên địa bàn tỉnh để sẵn sàng kết nối Internet; tăng dung lượng các gói kết nối Internet phục vụ việc dạy, học trực tuyến; xây dựng cơ chế, chính sách miễn, giảm giá tiền lắp đặt, hỗ trợ cước kết nối Internet cho các hộ gia đình có con em là học sinh.

Trên cơ sở Kế hoạch triển khai Chương trình “Sóng và máy tính cho em” của UBND tỉnh, Sở Thông tin và Truyền thông cũng đã có văn bản đề nghị các doanh nghiệp: Viễn thông Vĩnh Phúc, Viettel Vĩnh Phúc, Mobifone Vĩnh Phúc khẩn trương rà soát, đánh giá các khu vực chưa có sóng 4G hoặc sóng chưa bảo đảm, chưa có cáp quang sẵn sàng kết nối Internet phục vụ việc dạy và học trực tuyến trên địa bàn tỉnh; xây dựng kế hoạch chủ động, phối hợp với cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp liên quan phát triển hạ tầng phủ sóng 4G, lắp đặt cáp quang đến 100% các khu dân cư, thôn, xóm, sẵn sàng kết nối Internet, đáp ứng yêu cầu kết nối phục vụ việc dạy và học trực tuyến; tiếp tục có cơ chế, chính sách ủng hộ nhằm bảo đảm hoàn thành các mục tiêu của chương trình.

Đại diện Viettel Vĩnh Phúc cho biết, đồng hành cùng ngành Giáo dục và đào tạo Vĩnh Phúc nâng cao chất lượng giáo dục kể cả khi tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, doanh nghiệp đã triển khai nhiều giải pháp như: Cung cấp miễn phí trên 500 đường Internet tại các trường học ở 9 huyện, thành phố phục vụ giảng dạy online; hỗ trợ cung cấp ứng dụng K12Online giúp giáo viên và học sinh tương tác 2 chiều hiệu quả, từ đó nâng cao chất lượng các bài giảng trực tuyến, luyện tập và kiểm tra của mỗi học sinh, giáo viên và nhà trường trong công tác quản lý và học tập trực tuyến trong năm học mới... Đặc biệt, hưởng ứng Chương trình “Sóng và máy tính cho em”, Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông quân đội Viettel đã cam kết sẽ miễn phí dữ liệu 4GB/ngày trong 3 tháng cho 1 triệu học sinh có hoàn cảnh khó khăn; ủng hộ 37.000 máy tính cho học sinh, sinh viên thuộc hộ nghèo, cận nghèo trên toàn quốc và miễn 100% phí truy cập và sử dụng nền tảng giáo dục trực tuyến Study cho toàn bộ học sinh, sinh viên. Căn cứ vào diễn biến dịch bệnh và nhu cầu thực tế của học sinh trên địa bàn tỉnh, Viettel Vĩnh Phúc sẽ xây dựng phương án, có hình thức hỗ trợ phù hợp.

Được biết, trước thời điểm Chương trình “Sóng và máy tính cho em” được phát động, các đơn vị viễn thông đóng trên địa bàn Vĩnh Phúc đã chủ động triển khai nhiều chương trình hỗ trợ khách hàng, nhất là phục vụ việc học trực tuyến của học sinh trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp như: Ưu tiên xử lý định tuyến lưu lượng; tăng băng thông các gói cước Internet miễn phí với giá không đổi; cung cấp đường truyền Internet tốc độ cao kèm thiết bị khuếch đại tín hiệu wifi; huy động nhân lực, giải quyết nhanh nhu cầu tại chỗ của khách hàng…

MỚI - NÓNG
Vang mãi khúc quân hành
Vang mãi khúc quân hành
TPO - Ngày 14/12, Học viện Kỹ thuật Quân sự tổ chức Ngày hội văn hóa và chương trình nghệ thuật “Vang mãi khúc quân hành” thiết thực hướng tới chào mừng kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân.