Vĩnh biệt người cận vệ cuối cùng của Bác Hồ

0:00 / 0:00
0:00
TP - Ông Tạ Quang Chiến, người được Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt tên trong nhóm 8 cận vệ “Trường/ Kỳ /Kháng /Chiến /Nhất/ Định /Thắng/ Lợi” qua đời ngày 11/6/2022, hưởng thọ 98 tuổi. Trong câu chuyện với người thân trong gia đình, ông là cán bộ kiên trung, mẫu mực khi phục vụ Bác cũng như khi làm lãnh đạo sau này.

Được Bác khai sinh lần thứ hai

Nghe tin ông Tạ Quang Chiến, người cận vệ cuối cùng của Chủ tịch Hồ Chí Minh mất, tôi tìm đến số nhà 141C Nguyễn Thái Học - khu tập thể của Tổng cục Thể dục thể thao (phường Điện Biên, quận Ba Đình, Hà Nội) dâng hương và muốn nghe, ghi lại những chia sẻ của người thân trong gia đình.

Căn nhà tập thể cũ nằm sau sân vận động Hàng Đẫy là nơi “tứ đại đồng đường” nhà ông Chiến sống mấy chục năm qua. Trước khi rời cõi tạm, ông nhập viện vì bị mắc COVID-19.

Dù đã khỏi bệnh nhưng do biến chứng hậu COVID-19, ông được chuyển sang phòng hồi sức tích cực. Sau 2 tháng nằm viện, sức khoẻ ông yếu dần và mất vào hồi 5h ngày 11/6 tại Bệnh viện Hữu Nghị (Hà Nội).

Vĩnh biệt người cận vệ cuối cùng của Bác Hồ ảnh 1

Bức tranh vẽ ông Tạ Quang Chiến giúp việc cho Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Tuyên Quang năm 1949

Ông Tạ Quang Chiến tên thật là Nguyễn Hữu Văn, quê gốc ở Hải Dương, nhưng sinh ra ở Thanh Hóa. Sớm giác ngộ Cách mạng, 18 tuổi, ông tham gia hoạt động trong tổ chức Thanh niên cứu quốc, chiến sĩ Tự vệ cứu quốc Hoàng Diệu (1945), đơn vị vũ trang đặc biệt trực thuộc Thành ủy Hà Nội lúc bấy giờ. Cuối năm 1945, ông được tuyển chọn vào giúp việc cho Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ông được bố trí bảo vệ Bác đến thăm các vị nhân sĩ, trí thức Hà Nội; dự kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa I và những chuyến đi về các tỉnh Thái Bình, Thanh Hóa, Nam Định, Ninh Bình…

Năm 1947, sau ngày Toàn quốc kháng chiến, các cơ quan T.Ư Đảng rút lên Chiến khu Việt Bắc. Khi đến xã Cổ Tiết (huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ), tổ bảo vệ gồm 8 người được Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt thành khẩu hiệu: Trường Kỳ Kháng Chiến Nhất Định Thắng Lợi. Và anh thanh niên Nguyễn Hữu Văn mang tên Tạ Quang Chiến từ đó. Sinh thời, ông Tạ Quang Chiến thường nói: “Được Bác Hồ đặt tên là một kỷ niệm không thể nào quên và đó là niềm hạnh phúc lớn khi tôi được Bác khai sinh ra lần thứ hai”.

Từ năm 1960, ông Tạ Quang Chiến làm Vụ trưởng Vụ Nghiên cứu Lịch sử Đảng, nhiều năm gắn bó với lực lượng thanh niên xung phong và công tác Đoàn, làm Bí thư T.Ư Đoàn. Từ năm 1981 đến năm 1992, ông làm Tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục thể thao, làm Đại biểu Quốc hội khóa VII (1981 - 1987).

Vĩnh biệt người cận vệ cuối cùng của Bác Hồ ảnh 2

Ảnh chụp ông Tạ Quang Chiến với Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Giản dị, giàu lòng nhân ái

Thấy khách đến, người cháu dâu của ông ra cửa đón. Phía trong phòng khách, hai người cháu gái đang túc trực hương khói . Thấy tôi xem kỹ tấm ảnh trang trọng trên vách tường nhà, chị Nguyễn Kiều Loan, cháu gái ông Chiến giới thiệu: “Đó là lần chú Chiến đang giúp việc cho Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Khâu Lấu (Tân Trào, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang). Chú là người đức độ, mẫn cán, hiền hoà, tình cảm và được nhiều người quý mến. Chú đi xa con cháu nhớ chú lắm!”.

Có lẽ cũng là một quân nhân nên chị Loan được thừa hưởng tinh thần Cách mạng của người chú ruột. Chị Loan dẫn tôi vào phía trong, chỉ nơi làm việc của ông Chiến. Đó là chiếc bàn hướng ra cửa, bên cạnh là một giá sách cũ kỹ đầy ắp những đầu sách, những cuốn sổ ghi chép và những tấm ảnh cũ. Phòng phía trong là nơi ông nghỉ ngơi. Căn phòng nhỏ có cái giường sắt, vài bộ com-lê giản dị treo ngay ngắn cạnh đó.

“Tôi nhớ nhất lời dạy của chú: Con người phải cháy khát vọng cống hiến, khát vọng thành công thì việc gì cũng làm được. Đã là lãnh đạo đơn vị thì phải biết hi sinh lợi ích cá nhân cho lợi ích tập thể thì mới xứng đáng ngồi ở vị trí đó”.

Chị Nguyễn Kiều Loan

Những câu chuyện về người cận vệ thân tín của Bác cứ thế ào ào đổ về. “Chú cao tuổi nhưng còn minh mẫn lắm, có trí nhớ đặc biệt. Mỗi gia đình 7, 8 người con, lấy vợ, lấy chồng, mấy chục đứa cháu, chắt nhưng chú nhớ rõ từng đứa cả dâu và rể. Sáng ra, đúng giờ chú đẩy xe ra cửa chờ người giao báo. Chú đọc hết, đọc kỹ. Những mẩu tin hay chú lại cắt ra, ghim vào cuốn sổ cất đi”, chị Loan nói và cho biết, ông Chiến rất quý chị vì nghị lực, vì “chất lính”.

“Hôm trước, vào viện thăm chú, tôi giơ tay chào, tiến đến cầm tay, chú không nói được mà chỉ nấc từng hồi vì xúc động”, chị Loan chia sẻ.

Vĩnh biệt người cận vệ cuối cùng của Bác Hồ ảnh 3

Cháu gái ông Tạ Quang Chiến kể về người chú mình

Lúc còn khoẻ, ông Chiến thường hay kể chuyện về Bác Hồ cho chị Loan và con cháu nghe.

“Chú thường nói đi nói lại, Người trí tuệ, giản dị, bác ái nên các chú theo giúp việc phần nào học tập được những đức tính đó. Chú kể chuyện những lần tháp tùng Bác đi thăm người dân, lội ruộng, ôm, bắt tay những người đang cấy lúa mà không nề hà gì. Từ lúc giúp việc cho Bác, đến khi trưởng thành, có điều kiện đi nước ngoài, chú tôi vẫn sống rất giản dị, liêm khiết.

Có lần, tôi đến thăm khi chú chuẩn bị đi công tác nước ngoài. Chú chỉ mang một vali con con. Ngỏ lời nhờ chú mua cho ít đồ nhưng chú từ chối, đi nhanh, không cho ai biết cả, không có ai gửi thứ gì. Lúc về, con cái may thì được cái kẹo”, chị Loan kể.

Chị Loan cho biết, bản thân chị cũng làm lãnh đạo một cơ quan quân đội nhưng vẫn văng vẳng lời dạy của người chú.

“Chú tôi như một tấm gương, trong cuộc sống, trong công việc. Thái độ của chú với con cái trong gia đình rất hiền hoà, đôn hậu. Hằng ngày chú hay giảng giải về tất cả những điều trong nước, ngoài nước, trong cuộc sống như một bài học tự nhiên và con cháu tiếp nhận cũng tự nhiên”, chị Loan cho biết.

Rồi chị Loan kể tiếp, những lần đến chơi, ông Chiến vẫn thường căn dặn, bất cứ làm công việc gì cũng đều phải cố gắng, phải có trí tuệ, có bản lĩnh thì mới có kết quả, mới thành công.

“Tôi nhớ nhất lời dạy của chú: Khó khăn cũng bình tĩnh, nghị lực mới giải quyết được. Con người phải cháy khát vọng cống hiến, khát vọng thành công thì việc gì cũng làm được. Đã là lãnh đạo đơn vị thì phải biết hi sinh lợi ích cá nhân cho lợi ích tập thể thì mới xứng đáng ngồi ở vị trí đó. Nếu vì lợi ích cá nhân, thì đừng làm cán bộ, dù ở cương vị nào”, chị Loan nhớ lại.

MỚI - NÓNG