Máy móc nhập khẩu hàng trăm tỷ “đắp chiếu” - Bài cuối:

Vinashin, Vinalines bỏ rơi tiền tỷ thế nào?

Máy móc, thiết bị hiện đại của Nhật, Đức, Hà Lan… được Vinashin nhập nguyên chiếc vẫn vứt chỏng chơ tại cảng Hải Phòng. Ảnh: Phạm Thanh.
Máy móc, thiết bị hiện đại của Nhật, Đức, Hà Lan… được Vinashin nhập nguyên chiếc vẫn vứt chỏng chơ tại cảng Hải Phòng. Ảnh: Phạm Thanh.
TP - Chủ sở hữu của lô hàng “bỏ quên” cho biết, có lấy hàng về cũng không biết làm gì khi các hợp đồng đóng tàu trước đây đã bị hủy, máy móc đã lạc hậu, chi phí lấy những hàng tồn đó còn đắt hơn mua mới.

Dài cổ chờ chỉ đạo

Theo ông Nguyễn Sỹ Tráng, Phó Cục trưởng Hải quan Hải Phòng, số hàng hóa của các đơn vị thành viên Vinashin, Vinalines còn nằm tại các cảng do một số chưa có giấy tờ sổ sách, hoặc nợ thuế, phí lưu container, lưu cảng. Những lô hàng này đều có chủ sở hữu, đơn vị nhận hàng cụ thể nên không thể xác lập quyền sở hữu nhà nước với hàng vô chủ để bán thanh lý, Hải quan đã nhiều lần có văn bản gửi các Cty đề nghị giải quyết dứt điểm, nhưng các Cty đều nói phải chờ xin ý kiến Bộ GTVT (đại diện chủ sở hữu nhà nước tại các Cty này). “Giờ chúng tôi cũng không biết xử lý thế nào, đành để đó chờ tiếp vậy”, ông Tráng nói.

Theo lãnh đạo Cảng Hải Phòng, số hàng của đơn vị thành viên Vinashin còn tồn tại cảng giờ cảng chỉ biết theo dõi và báo cáo. Vị này đề xuất, nếu chủ hàng không lấy, các doanh nghiệp có thể làm công văn từ bỏ để cảng xử lý theo quy định. Hoặc cho cảng bán thanh lý cho đơn vị khác sử dụng, tiền thu được để trả các chi phí còn nợ lại, vừa giảm lãng phí.

Được biết, UBND Hải Phòng cũng lên phương án để có thể xử lý những lô hàng này. Theo đó, có thể đưa toàn bộ những lô hàng của Vinashin, Vinalines về một kho riêng để bảo quản, tránh hư hỏng và tìm hướng giải quyết dứt điểm. Việc này có thể giảm chi phí cho cảng, tránh lãng phí tài sản xã hội do hao mòn, hư hỏng.

Lấy về không biết để làm gì!

Trao đổi với Tiền Phong, ông Nguyễn Ngọc Sự, Chủ tịch HĐTV Tổng Cty Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (SBIC) - trước đây là Vinashin, cho biết: Hiện máy móc, thiết bị của các đơn vị thành viên còn nằm tại các cảng không nhiều. Tuy nhiên, số liệu và giá trị ông Sự cũng chưa nắm được, vì hàng được nhập về từ trước lúc ông về nhận công tác. Theo ông Sự, hàng còn tồn ở cảng chủ yếu do các hãng sản xuất, vận tải chưa chuyển giao giấy tờ cho Cty nên chưa làm thủ tục thông quan được, đành phải để lại ở cảng. “Hiện chúng tôi vẫn tiếp tục xử lý”, ông Sự nói.

Về số hàng của Cty TNHH MTV Đóng tàu Nam Triệu (NASICO, thuộc SBIC) vẫn đang nằm tại các cảng ở Hải Phòng, ông Sự cho biết, những lô hàng này được nhập về theo các dự án đóng tàu, nhưng giờ các chủ tàu đã hủy hợp đồng, có đưa về cũng không biết làm gì. Do mỗi tàu có một chủng loại thiết bị riêng theo thiết kế, không dùng lẫn lộn cho tàu khác.

Ông Nguyễn Văn Tuyên, Chủ tịch HĐTV NASICO cho biết, hàng hóa tồn cảng của Cty gồm đủ loại, từ máy móc, thiết bị, tới xuồng, phao, sơn phủ… nhưng doanh nghiệp đang rất khó khăn, không có chi phí lấy về. “Số hàng nằm ở cảng một số đã hư hỏng, hết hạn sử dụng, một số nhập về theo hợp đồng đóng tàu trước đây đã bị chủ tàu hủy hợp đồng, giờ lấy thiết bị, máy móc đó về cũng không biết làm gì. Bỏ tiền lấy về còn thiệt hại hơn không lấy, nên phải cân nhắc”, ông Tuyên nói.

Như vậy, đã 8 năm trôi qua, số hàng hóa Vinashin nhập về vẫn chưa có hướng xử lý dứt điểm.

Thứ trưởng GTVT Nguyễn Văn Công cho biết, cách đây 2 năm đã họp bàn giải quyết không chỉ hàng của Vinashin, mà cả hàng hóa khác tồn đọng ở các cảng biển. Sau đó Chính phủ giao Bộ Tài chính chủ trì, nên ông không còn nắm rõ số hàng hóa của Vinashin ra sao, cũng không thấy các đơn vị báo cáo gì tới nữa. Trong khi đó cả Hải quan và Cty TNHH MTV Đóng tàu Nam Triệu đều nói đang đợi xin ý kiến Bộ GTVT.

MỚI - NÓNG