Viettel – ‘Phên giậu mềm’ của Quốc gia

Viettel – ‘Phên giậu mềm’ của Quốc gia
Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) đang là doanh nghiệp viễn thông - công nghệ thông tin hàng đầu Việt Nam.

Viettel – ‘Phên giậu mềm’ của Quốc gia

Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) đang là doanh nghiệp viễn thông - công nghệ thông tin hàng đầu Việt Nam.

Từ nguồn vốn, hạ tầng, công nghệ, nhân lực kỹ thuật rất hạn chế do Bộ Quốc phòng cấp từ lúc khởi điểm, sau hơn 20 năm, trong đó có khoảng 13 năm phát triển thần tốc, đến nay, Viettel đã có nguồn vốn khá dồi dào, hạ tầng phát triển, công nghệ tiên tiến, có số lượng nhân lực lớn và trình độ cao. Viettel đang trở thành nguồn lực nội sinh, đóng góp rất tích cực vào tiến trình hiện đại hóa quân đội.

Bài 1: Mạng lưới viễn thông khổng lồ đa nhiệm vụ

Trong một lần may mắn được tiếp kiến Đại tướng Phạm Văn Trà, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, tôi được hiểu thêm về khởi đầu vô cùng gian khó của Viettel khi vốn mỏng, người thưa, nội bộ có những lúc chưa được thống nhất, rồi lại chật vật trước sự cạnh tranh gay gắt của các đối thủ viễn thông lâu năm. Thế nhưng, bằng chiến lược đúng đắn, bằng những cách làm sáng tạo, bằng nỗ lực, quyết tâm, phát huy được tinh thần đoàn kết, kỷ luật của người lính, Viettel đã vươn lên vị thế số 1 của doanh nghiệp viễn thông Việt Nam. Đại tướng Phạm Văn Trà đánh giá Viettel là doanh nghiệp nhưng không chỉ làm ăn kinh tế giỏi mà đang đóng góp hết sức tích cực vào tiềm lực quốc phòng của đất nước.

Đối với ngành viễn thông, hai yếu tố quan trọng nhất là công nghệ và hạ tầng thì khởi điểm của Viettel gần như tay trắng trong cả hai yếu tố này. Năm 1997, đường trục cáp quang Bắc - Nam đầu tiên được đặt trên tuyến truyền tải điện 500kV có 10 sợi quang. Trong đó 4 sợi của ngành Bưu điện, 4 sợi của ngành Điện lực. Bộ Quốc phòng xin được 2 sợi quang còn lại của đường trục cáp quang Bắc - Nam và giao cho Binh chủng Thông tin liên lạc, và Viettel là lực lượng chủ đạo của binh chủng thi công đường trục cáp quang phục vụ quốc phòng đầu tiên mang ký hiệu 1A. Sau khi xây dựng xong, ngoài những phần sử dụng cho mục đích quân sự, Bộ Quốc phòng đã cho phép Viettel sử dụng dung lượng còn lại của đường trục ấy cho mục đích kinh doanh phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Các trạm BTS của Viettel đã phủ sóng viễn thông hầu hết các đảo của Tổ quốc. Ảnh: Nguyễn Chiến Thắng
Các trạm BTS của Viettel đã phủ sóng viễn thông hầu hết các đảo của Tổ quốc. Ảnh: Nguyễn Chiến Thắng.
 

Khởi đầu gian khó như vậy, thế mà với tốc độ phát triển nhanh thần kỳ, chỉ một thời gian sau, Viettel đã liên tiếp xây dựng mới 4 đường trục cáp quang (1B, 1C, 2B, 1D) dành cho riêng mình với dung lượng từ 40 Gbps đến 110 Gbps và có khả năng đáp ứng tới 400 Gbps, trở thành đơn vị sở hữu mạng trục có dung lượng lớn nhất Việt Nam. Từ chỗ được Bộ Quốc phòng hỗ trợ về hạ tầng ban đầu, Viettel đã “lớn nhanh như thổi” và đóng góp tích cực cả về ngân sách, hạ tầng, công nghệ, trực tiếp nghiên cứu các trang bị kỹ thuật hiện đại cho quân đội.

Đến nay, Viettel đã bàn giao lại đường trục 1A và đường trục QB có tổng chiều dài toàn tuyến là 1.972km với dung lượng 400 Gbps cho Binh chủng Thông tin liên lạc. Viettel còn triển khai và cung cấp dịch vụ miễn phí đường truyền viễn thông cho các đơn vị quân đội (82 điểm cho Tổng cục Kỹ thuật, 85 điểm cho Quân chủng Phòng không - Không quân, 11 điểm cho Cục Tác chiến điện tử). Viettel đóng góp 204 tỷ đồng để triển khai dự án truyền hình giao ban xa của Bộ Quốc phòng với tổng số 302 điểm cầu trên khắp cả nước. Việc này sẽ góp phần nâng cao hiệu quả trong hoạt động chỉ huy, điều hành của Bộ Quốc phòng, vừa bảo đảm bí mật an toàn, vừa tiết kiệm chi phí đi lại, giao ban, hội họp, góp phần cải cách thủ tục hành chính.

Về đóng góp ngân sách, riêng trong năm 2012, Viettel đã nộp Bộ Quốc phòng hơn 561 tỷ đồng, cao hơn gấp 2 lần năm 2011, gấp 6 lần năm 2007. Từ năm 2007 đến năm 2012, tổng cộng Viettel đã nộp ngân sách quốc phòng gần 1,5 nghìn tỷ đồng và là đơn vị mang lại nguồn thu lớn nhất của khối doanh nghiệp quân đội trong giai đoạn này, tương đương 75% tổng nộp ngân sách quốc phòng của hơn 110 doanh nghiệp do Bộ Quốc phòng quản lý. Cũng từ năm 2007 đến nay, tổng cộng Viettel đã nộp ngân sách Nhà nước tới hơn 44 nghìn tỷ đồng, tương đương hơn 2 tỷ USD. Trong 3 năm liên tiếp vừa qua, Viettel luôn đứng đầu bảng vàng các doanh nghiệp thực hiện tốt nghĩa vụ thuế đối với Nhà nước.

"Việc gì có lợi cho Tổ quốc và nhân dân thì Viettel sẽ gắng sức thực hiện." - Triết lý và phương châm hành động ấy của Viettel, thể hiện qua lời của Trung tướng, Tổng giám đốc Viettel Hoàng Anh Xuân đã được hiện thực hóa một cách rất thuyết phục trong những năm qua. Chuyện phủ sóng viễn thông khắp đất nước, bao gồm cả tuyến biên giới và vùng biển, các đảo cũng xuất phát từ tinh thần trách nhiệm. Sóng viễn thông đã hỗ trợ rất tích cực cho việc bảo vệ chủ quyền, an ninh, cũng như thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở những vùng chiến lược.

Đến cuối năm 2010, hệ thống viễn thông biển, đảo của Viettel đã cơ bản hoàn thành. Với hơn 1.400 trạm BTS bố trí dọc bờ biển và trên nhiều đảo ngoài khơi, diện tích phủ sóng viễn thông của Viettel ước tính khoảng hơn 300.000km2 mặt biển. 100% các đảo ven bờ, các đảo thuộc Vịnh Bắc Bộ đã được phủ sóng. Tất cả các khu vực thuộc DK1, các đảo chính thuộc quần đảo Trường Sa cũng đều được phủ sóng. Cùng với phủ sóng biển, đảo, Viettel đã xây dựng 775 trạm BTS để phủ sóng thông tin liên lạc tất cả các đồn biên phòng và dọc tuyến biên giới.

Chi phí xây dựng và bảo trì các trạm BTS biển, đảo, biên giới là cao hơn gấp nhiều lần chi phí đối với các trạm BTS thông thường (đối với trạm BTS biển, đảo là cao hơn gấp 5 lần tức khoảng 2 tỷ đồng/trạm, đối với trạm BTS ở khu vực biên giới thì cao hơn gấp từ 1,5-3 lần). Để duy trì các trạm này cũng rất phức tạp và tốn kém bởi không có điện lưới nên phải dùng pin năng lượng mặt trời hoặc máy nổ chạy dầu. Riêng chi phí vận hành, khai thác cho các trạm tại quần đảo Trường Sa và các nhà giàn mỗi năm lên tới xấp xỉ 30 tỷ đồng. Thế mà, các trạm BTS phục vụ biển, đảo, biên giới của Viettel chỉ phục vụ thường xuyên khoảng vài chục đến vài trăm thuê bao, trong khi một trạm BTS thông thường phục vụ khoảng 2000 thuê bao.

Đến nay, sau hơn 13 năm triển khai xây dựng, từ một doanh nghiệp phải sử dụng nhờ hạ tầng, Viettel đã trở thành doanh nghiệp có hạ tầng mạng lưới lớn nhất Việt Nam với gần 56.000 trạm thu phát sóng di động BTS, gần 175.000km cáp quang, đã quang hóa được 94% số xã trên cả nước, phủ sóng 100% đồn biên phòng, phủ sóng khu vực vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo góp phần quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội, cũng như công tác bảo đảm quốc phòng - an ninh. Toàn bộ mạng lưới của Viettel đều mang tính tự chủ, tự thiết kế, thi công và vận hành khai thác. Sự tự chủ ấy vừa bảo đảm tính chủ động, vừa đáp ứng tính bảo mật cao. Điều đặc biệt là toàn bộ mạng lưới của Viettel khi được yêu cầu ngay lập tức sẽ chuyển thành mạng thông tin quân sự khổng lồ, chất lượng, an toàn và bền vững.

Theo Hồ Quang Phương
Quân Đội Nhân Dân

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
TPO - Ngày hội “Thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số” cấp Trung ương năm 2024 diễn ra tại Huế là dịp để những người trẻ có chung niềm đam mê khởi nghiệp tiếp cận, gặp gỡ với các doanh nhân khởi nghiệp tiêu biểu; qua đó, tạo cảm hứng, kết nối, huy động mọi nguồn lực thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cho giới trẻ địa phương.