Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đề nghị Ý sớm phê chuẩn Hiệp định Đối tác hợp tác toàn diện Việt Nam-Liên minh châu Âu (EU). Tổng thống Ý cho biết, Việt Nam nằm trong danh sách 10 thị trường mới nổi mà Ý ưu tiên phát triển thương mại, đầu tư. Tổng thống Sergio Mattarella nhất trí sẽ thúc đẩy Quốc hội Ý sớm phê chuẩn Hiệp định Đối tác hợp tác toàn diện Việt Nam- EU ký năm 2012 hiện chỉ còn 4 nước chưa phê chuẩn. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khẳng định, Việt Nam luôn ủng hộ Ý tăng cường quan hệ với châu Á-Thái Bình Dương và ASEAN.
Ưu tiên phát triển thương mại, đầu tư
Tổng thống Sergio Mattarella cho biết, nhiều doanh nghiệp Ý có kế hoạch kinh doanh lâu dài và đang triển khai các dự án rất hiệu quả tại Việt Nam và đề nghị Việt Nam quan tâm, tạo điều kiện hơn nữa cho hoạt động của các doanh nghiệp Ý. Tổng thống Ý nhất trí rằng, Việt Nam và Ý cần khuyến khích các doanh nghiệp hai bên tăng cường kết nối đối tác kinh doanh, nhất là trong các lĩnh vực mà hai nước có thế mạnh, như cơ khí chế tạo, dệt may, da giày, chế biến gỗ, công nghiệp phụ trợ, vật liệu xây dựng, năng lượng, nông nghiệp, chế biến thực phẩm, dược liệu, thăm dò, khai thác dầu khí… Ý sẵn sàng hợp tác và chuyển giao công nghệ cho Việt Nam ở những lĩnh vực truyền thống của Ý.
Hai nhà lãnh đạo cũng trao đổi về phương hướng hợp tác văn hóa, du lịch, giáo dục, đào tạo và khoa học công nghệ; tạo điều kiện tích cực để cộng đồng người Việt Nam đang sinh sống tại Ý hòa nhập, ổn định cuộc sống…
Ý luôn khẳng định quyết tâm thúc đẩy quan hệ nhiều mặt với Việt Nam, coi Việt Nam là nước ưu tiên phát triển quan hệ ở Đông Nam Á và là điểm đến của các doanh nghiệp Ý từ nay đến năm 2020.
Năm 2013, Việt Nam và Ý ký tuyên bố chung về thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược, và một năm sau đó, kim ngạch 2 chiều đã vượt 4 tỷ USD. Ý đã ký với Việt Nam các hiệp định về công nghiệp kỹ thuật, bảo hộ đầu tư, hợp tác văn hóa, tránh đánh thuế hai lần, du lịch, phòng chống tội phạm... Ý cũng dành cho Việt Nam nhiều học bổng sinh viên, giúp Việt Nam trùng tu một số khu di tích.
Ủng hộ giải quyết hòa bình các tranh chấp
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Tổng thống Sergio Mattarella cũng trao đổi về tình hình gia tăng các hoạt động tôn tạo bãi đá, gây bất ổn cho hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải, hàng không ở biển Đông, nơi có tuyến hàng hải quốc tế lớn và kết nối thông thương giữa châu Âu và Đông Á. Chủ tịch nước đề nghị Ý phát huy tiếng nói trong khối G7 và EU, ủng hộ giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982, thực hiện đầy đủ Tuyên bố ứng xử các bên trên biển Đông và sớm xây dựng Bộ quy tắc ứng xử trên biển Đông.
Tổng thống Ý Sergio Mattarella khẳng định ủng hộ lập trường của Việt Nam giải quyết các bất đồng bằng biện pháp hòa bình, tôn trọng luật pháp quốc tế, duy trì tự do hàng hải, hàng không và đảm bảo an toàn, an ninh khu vực. Tổng thống bày tỏ hy vọng các bên sẽ không có những hành động đơn phương làm căng thẳng và mất ổn định ở biển Đông; đồng thời đánh giá cao lập trường và hành động của Việt Nam trong việc giữ gìn hòa bình, ổn định ở khu vực.
Sau cuộc hội đàm, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Tổng thống Ý Sergio Mattarella chứng kiến lễ ký kế hoạch hành động triển khai quan hệ đối tác chiến lược giữa Việt Nam và Ý giai đoạn 2015-2016 và Hiệp định hợp tác và tương trợ hành chính trong lĩnh vực hải quan giữa hai nước.
Ngày 6/11, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp Tổng thống Ý Sergio Mattarella đang có chuyến thăm cấp Nhà nước tại Việt Nam. Đây là chuyến thăm đầu tiên của Tổng thống Y từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1973. Cùng ngày, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hội kiến Tổng thống Ý Sergio Mattarella.