Việt Nam thuộc top nhận kiều hối nhiều nhất thế giới

Việt Nam thuộc top nhận kiều hối nhiều nhất thế giới
Với 11 tỷ USD kiều hối trong năm 2013, Việt Nam lọt vào top 10 quốc gia thu hút kiều hối lớn nhất toàn cầu, theo công bố của Ngân hàng Thế giới (WB).

Ngân hàng Thế giới vừa công bố Báo cáo Di cư và Phát triển. Theo đó, năm 2013, kiều hối toàn cầu đạt 542 tỷ USD. Con số này được dự đoán tăng lên 581 tỷ USD năm 2014 và 681 tỷ năm 2016.

WB nhận định kiều hối về các quốc gia đang phát triển sẽ tăng 7,8% so với năm ngoái, lên 404 tỷ USD. Đây là nguồn thu từ bên ngoài quan trọng với nhóm nước này, vượt xa các hỗ trợ tài chính chính thức và ổn định hơn cả dòng vốn đầu tư nước ngoài. Với rất nhiều quốc gia trong nhóm này, kiều hối là nguồn ngoại tệ quan trọng, lớn hơn cả nguồn thu từ xuất khẩu, và giúp trang trải đáng kể chi phí nhập khẩu.

Việt Nam thuộc top nhận kiều hối nhiều nhất thế giới ảnh 1

Việt Nam đứng thứ 9 thế giới về thu hút kiều hối năm 2013. Ảnh: VnExpress

Năm 2013, hầu hết kiều hối vào các khu vực trên thế giới đều tăng. Một phần do chi phí chuyển tiền qua các kênh chính thức giảm. Quý I năm nay, tính trung bình toàn cầu, chi phí này chỉ còn bằng 8,4% giá trị giao dịch, so với 9,1% cùng kỳ năm trước đó.

Ấn Độ là nước nhận kiều hối lớn nhất thế giới, với 70 tỷ USD. Theo sau là Trung Quốc (60 tỷ USD), Philippines (25 tỷ USD) và Mexico (22 tỷ USD). Việt Nam xếp thứ 9 trong danh sách này với 11 tỷ USD.

So với năm 2012, thứ tự 9 nước đầu không thay đổi. Thời điểm đó, Việt Nam cũng đứng thứ 9 thế giới về thu hút kiều hối với 10 tỷ USD.

Tuy nhiên, xét theo tỷ lệ kiều hối trên GDP, quốc gia dẫn đầu lại là Tajikistan (52%), Cộng hòa Kyrgyz (31%) và Nepal, Moldoval (cùng 25%).

Kiều hối về khu vực Đông Á – Thái Bình Dương ước đoán tăng 4,8% năm 2013, lên 112 tỷ USD. Số liệu tăng mạnh nhất là tại Thái Lan, Việt Nam và Philippines. Lượng người di cư trong khu vực này khá lớn, chủ yếu do sự chênh lệch về cơ hội và thu nhập. Tuy nhân công tay nghề thấp chiếm phần lớn số này, nhu cầu nhân lực chất lượng cao tại đây vẫn đang tăng lên. Với việc năm 2015, người lao động có thể tự do đi lại trong nhóm nước ASEAN, kiều hối vào khu vực này ước tính vượt 148 tỷ USD năm 2016.

Trong ngắn hạn, WB nhận định triển vọng kiều hối toàn cầu vẫn mạnh. Tuy nhiên, việc này còn rủi ro, chủ yếu do người dân quay về nước vì xung đột hoặc bị trục xuất từ nơi đang làm việc.

Theo Hà Thu

Theo VnExpress
MỚI - NÓNG