Việt Nam sẽ vượt qua khủng hoảng kinh tế

Việt Nam sẽ vượt qua khủng hoảng kinh tế
TPO - GS đoạt giải Nobel kinh tế 2008 Paul Krugman đã tin tưởng như vậy trong bài phát biểu tại hội thảo quốc tế về chủ đề "Tìm kiếm cơ hội và giải pháp trong thời kỳ khó khăn và khủng hoảng" diễn ra vào ngày hôm nay 21/5 tại TPHCM.
Việt Nam sẽ vượt qua khủng hoảng kinh tế ảnh 1
GS Paul Krugman phát biểu tại cuộc hội thảo. Ảnh : Đ.P

Cuộc hội thảo do Trường Doanh nhân (PACE) tổ chức dưới sự bảo trợ của Bộ Ngoại giao Việt Nam, Tập đoàn truyền thông Financial Times. Dự Hội thảo này có khoảng 700 đại biểu Việt Nam và quốc tế gồm các học giả, nhà ngoại giao, các nhà lãnh đạo doanh nghiệp, quan chức chính phủ,v.v.

Phần trình bày của GS Paul Krugman gồm ba nội dung chính: Nguồn gốc cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu hiện nay; Tương lai cuộc khủng hoảng; Những suy nghĩ của GS Paul Krugman về kinh tế, chính sách kinh tế và qui mô chủ nghĩa tư bản trong tương lai.

Về nguồn gốc, GS Paul Krugman khẳng định cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu hiện nay bắt nguồn từ việc quả bong bóng tài chính bất động sản nổ tung ở Mỹ.

Ông nói, người ta đã vay tiền ngân hàng để mua nhà ở và các bất động sản khác với giá quá cao so với giá trị thực mà các ngân hàng đã cấp vốn quá dễ dãi. Đến khi giá bất động sản tụt dốc trở về giá trị thực của nó thì người vay mất khả năng trả nợ ngân hàng. Người Mỹ không chỉ vay vốn ngân hàng để mua nhà trong nước mà còn vay để xây dựng nhà ở cả nước ngoài, như xây dựng ở Tây Ban Nha. Khủng hoảng ở Mỹ tác động dây chuyền đến châu Âu, Nhật Bản, Trung Quốc, Ấn Độ và lan ra toàn cầu.

Về tương lai, GS Paul Krugman nói khủng hoảng kinh tế kéo theo sản lượng công nghiệp giảm mạnh, tình trạng mất việc làm tăng nhanh với tốc độ rơi tự do. Đến nay sự suy giảm kinh tế và mất việc làm vẫn còn xấu nhưng tốc độ rơi đã chậm lại hy vọng đã đến đáy. Trong tương lai gần khủng hoảng vẫn nằm sâu dưới đáy chưa ngóc đầu lên trong một thời gian nhưng sẽ khôi phục dần ở tương lai trung hạn.

Trong phần ba, GS Paul Krugman cho biết, vừa qua do chính phủ của đảng Dân chủ cầm quyền ở Mỹ can thiệp mạnh vào cơ chế kinh tế thị trường bằng các biện pháp kích cầu, khiến phe Cộng hòa nói rằng đảng Dân chủ đang theo đuổi lý tưởng xã hội chủ nghĩa (XHCN). Ủy ban quốc gia của đảng Cộng hòa thậm chí nói rằng đảng Dân chủ ở Mỹ nên đổi tên thành đảng XHCN.

Tuy nhiên GS Krugman lại cho rằng, vai trò của một nhà nước khi can thiệp vào cơ chế thị trường là vai trò có trách nhiệm để duy trì sự ổn định và việc làm cho người lao động, và đó là sự can thiệp cần thiết.

Chưa thể thay thế đồng USD trong dự trữ ngoại tệ

Về việc Trung Quốc muốn tìm kiếm đồng tiền mới thay cho đồng USD nhằm giữ giá trị dự trữ ngoại tệ cũng như tìm cách đưa đồng nhân dân tệ thành đồng tiền chuyển đổi, GS Krugman nói rằng điều đó sẽ không xảy ra cho đến khi ông qua đời.

Giáo sư nói, một đồng tiền chuyển đổi được và có nhiều người sử dụng để găm giữ tài sản phải là đồng tiền sống. Không ai có thể ra lệnh người khác phải lấy đồng tiền nào để neo giữ bản tệ. Đồng nhân dân tệ Trung Quốc hiện nay chưa đạt đến mức làm cho người ta tin cậy mà tích trữ hoặc dùng làm neo đồng bản tệ của các nước.

Trung Quốc sẽ trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới trong vòng 30 năm tới. Tiếp theo Trung Quốc sẽ là Ấn Độ. Nhưng cho dù vậy, đồng nhân dân tệ Trung Quốc vẫn chưa thể qua mặt đồng USD. Vừa qua Mỹ in thêm tiền USD nhưng vẫn đặt trong tầm kiểm soát và điều hành của những nhà lãnh đạo và chuyên gia tài giỏi, coi đây chỉ là giải pháp tạm thời, không sợ gây ra lạm phát.

Nên nhớ Mỹ chứ không phải Zimbabwe. Mỹ in tiền nhằm giải quyết tạm các khoản nợ ngân hàng chứ không in tiền để tiêu xài như Zimbabwe. Cuộc khủng hoảng hiện nay là thiểu phát chứ không phải lạm phát. Người dân Mỹ không phải thừa tiền thiếu hàng mà họ chỉ tiết kiệm tiêu dùng găm tiền lại đã khiến hàng hóa ế thừa.

Việt Nam sẽ phát triển những lĩnh vực sử dụng nhiều chất xám

Nhận xét về kinh tế Việt Nam, GS Paul Krugman cho rằng Việt Nam đang phát triển ở bước khởi đầu bằng những ngành công nghiệp sử dụng nhiều lao động như dệt may, giày dép. Giai đoạn tiếp theo Việt Nam sẽ phát triển những lĩnh vực sử dụng nhiều chất xám.

Việt Nam thành công trong phát triển kinh tế, tăng trưởng nhanh trong những năm gần đây với sự cởi mở. Việt Nam không phải chịu trách nhiệm về cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay nhưng lại là một trong những nước chịu tác động của cuộc khủng hoảng này.

GS Krugman cho biết trước khi sang Việt Nam ông đã nghiên cứu về Việt Nam, thấy các nhà lãnh đạo chính phủ và doanh nghiệp có quyết tâm cao vượt qua thời kỳ khó khăn về kinh tế hiện nay. Ông bày tỏ tin tưởng rằng dù phải đối mặt với những vấn đề nảy sinh từ cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, Việt Nam nhất định sẽ vượt qua.

MỚI - NÓNG