> Quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - Pháp cần phát triển hài hòa
> Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng gây ấn tượng tại IFRI
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Jean-Marc Ayrault ký Tuyên bố chung về Quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam - Pháp. Ảnh: TTXVN. |
Về hợp tác chính trị - ngoại giao, Việt Nam và Pháp tăng cường trao đổi nhằm thúc đẩy đối thoại về quan hệ hợp tác song phương, về các vấn đề khu vực và quốc tế hai bên cùng quan tâm.
Hai nước ủng hộ phát triển quan hệ chặt chẽ giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU), nhất là trong khuôn khổ Hiệp định khung về Đối tác và Hợp tác toàn diện Việt Nam - EU. Đồng thời, tham gia tích cực vào đối thoại và hợp tác EU-ASEAN, coi ASEAN là nhân tố quan trọng đối với hòa bình, an ninh, ổn định và phát triển tại châu Á.
Đẩy mạnh hợp tác quốc phòng
Sau bốn năm thực hiện thỏa thuận về hợp tác quốc phòng (11/2009), hai nước nhất trí tăng cường trao đổi đoàn cấp bộ trưởng, quan chức cấp cao, chuyên gia; tăng cường cơ chế ủy ban chung về hợp tác quốc phòng; kiện toàn hoạt động hợp tác quốc phòng trong các lĩnh vực đào tạo nhân lực, quân y, trang thiết bị, thăm viếng của các tàu quân sự.
Pháp hỗ trợ Việt Nam trong các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc và tăng cường trao đổi thông tin về các vấn đề chiến lược, quốc tế và khu vực. Hai nước mong muốn tăng cường hợp tác giữa doanh nghiệp Pháp và Việt Nam trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng.
Pháp và Việt Nam tái khẳng định cam kết đấu tranh chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt và các phương tiện phóng. Hai nước nhất trí đẩy mạnh hợp tác chống khủng bố, các đường dây di cư bất hợp pháp, buôn bán người, buôn bán vũ khí, hàng giả, ma túy, rửa tiền liên quan các hoạt động này và tội phạm tin học.
Pháp và Việt Nam ưu tiên tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư, cam kết tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp hai nước tiếp cận thị trường, đầu tư và kinh doanh.
Những mục tiêu hợp tác về công nghiệp và công nghệ thuộc các lĩnh vực chiến lược đối với sự phát triển của Việt Nam, nhất là năng lượng, công nghiệp hàng không và vũ trụ, giao thông, môi trường và phát triển bền vững, ngân hàng, công nghệ thông tin và truyền thông, nông nghiệp và công nghiệp thực phẩm.
Pháp chủ trương hỗ trợ chương trình điện hạt nhân của Việt Nam và khẳng định sẵn sàng hỗ trợ kinh nghiệm chuyên môn về công nghệ, an ninh, an toàn hạt nhân, đào tạo nhân lực trong lĩnh vực điện hạt nhân và tìm kiếm nguồn tài chính cho các dự án.
Pháp và Việt Nam ủng hộ việc ký kết Hiệp định thương mại tự do toàn diện, cân bằng và tham vọng giữa EU và Việt Nam, nhằm cải thiện các điều kiện tiếp cận thị trường nội địa.
Việt Nam sẽ thúc đẩy việc triển khai nhanh chóng và hiệu quả những dự án ưu tiên, đặc biệt trong các lĩnh vực được Pháp tập trung hỗ trợ như nông nghiệp, hạ tầng cơ sở, hỗ trợ khu vực sản xuất, chống biến đổi khí hậu, phát triển năng lượng sạch, quản lý môi trường và nguồn nước.
Hai nước sẽ đặc biệt quan tâm triển khai thực hiện Dự án đường sắt đô thị tuyến số 3 tại Hà Nội. Hai nước cũng sẽ thúc đẩy hợp tác văn hóa, giáo dục-đào tạo, nghiên cứu khoa học, luật pháp và tư pháp. Pháp và Việt Nam phối hợp hoạt động nhằm hỗ trợ giảng dạy tiếng Pháp trong hệ thống giáo dục của Việt Nam, cũng như hỗ trợ giảng dạy tiếng Việt trong hệ thống giáo dục của Pháp.
Tối 25/9 (giờ Việt Nam), tại thủ đô Paris, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hội đàm Thủ tướng Pháp Jean-Marc Ayrault, thảo luận và thống nhất những phương án lớn nhằm thúc đẩy hợp tác hai nước thời gian tới, đồng thời trao đổi các vấn đề quốc tế và khu vực hai bên cùng quan tâm.
Về vấn đề biển Đông, phía Pháp chia sẻ, ủng hộ lập trường nhất quán của Việt Nam là giải quyết các tranh chấp ở biển Đông bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982, thực hiện nghiêm chỉnh Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông và sớm xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở biển Đông...
Ngay sau hội đàm, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Jean-Marc Ayrault chứng kiến ký kết một số văn kiện hợp tác giữa hai nước như: Thỏa thuận về trao đổi thông tin thanh tra giám sát ngân hàng giữa Ngân hàng Nhà nước và Cơ quan Giám sát An toàn Pháp; Biên bản Thỏa thuận giữa Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và Tập đoàn GDF Suez về dự án khí hóa lỏng và phát điện Sơn Mỹ, tỉnh Bình Thuận; Ý định thư về việc mua máy bay Airbus A320 giữa Vietjet Air và Tập đoàn Airbus… Tối cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hội kiến Tổng thống Pháp Francois Hollande. |
Minh Thư
Từ Paris