Việt Nam phấn đấu có hệ thống khu bảo tồn rộng 6,7 triệu ha

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ nâng tổng diện tích khu bảo tồn trên toàn quốc đạt 6,7 triệu ha nhằm bảo tồn các giá trị tự nhiên và đa dạng sinh học, góp phần bảo vệ môi trường.

Quy hoạch Bảo vệ Môi trường Quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt định hướng bảo tồn giá trị tự nhiên và đa dạng sinh học, di sản thiên nhiên nhằm phục hồi và duy trì các hệ sinh thái tự nhiên, ngăn chặn xu hướng suy giảm đa dạng sinh học.

Trong đó đặt mục tiêu đến năm 2030, tăng diện tích các khu bảo tồn thiên nhiên, bảo vệ, phục hồi các hệ sinh thái tự nhiên quan trọng, nâng cao chất lượng đa dạng sinh học, nâng tổng diện tích hệ thống khu bảo tồn trên phạm vi toàn quốc dự kiến đạt khoảng 6,7 triệu ha.

Để thực hiện mục tiêu trên, Quy hoạch đặt nhiệm vụ, từ nay đến năm 2030 sẽ thành lập mới, củng cố, mở rộng và quản lý hiệu quả hệ thống di sản thiên nhiên, các khu bảo tồn thiên nhiên, hành lang đa dạng sinh học, cảnh quan thiên nhiên quan trọng, vùng đất ngập nước quan trọng và cơ sở bảo tồn. Xây dựng cơ chế, chính sách thúc đẩy xã hội hóa trong thành lập, quản lý và phát triển các khu bảo tồn thiên nhiên, khu vực bảo tồn đa dạng sinh học tự nguyện.

Việt Nam phấn đấu có hệ thống khu bảo tồn rộng 6,7 triệu ha ảnh 1

Việt Nam hướng tới bảo tồn các giá trị tự nhiên và đa dạng sinh học. Trong ảnh là Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải của tỉnh Thái Bình. Ảnh: Trường Hùng.

Bên cạnh đó, điều tra, đánh giá, xác định các khu vực đa dạng sinh học cao, cảnh quan thiên nhiên quan trọng, vùng đất ngập nước quan trọng, hướng dẫn thực hiện các biện pháp bảo tồn đa dạng sinh học hiệu quả tại các khu vực này.

Xây dựng các quy định, hướng dẫn bảo vệ môi trường di sản thiên nhiên, bồi hoàn đa dạng sinh học, chính sách đầu tư cho các di sản thiên nhiên, khu bảo tồn thiên nhiên. Thực hiện đánh giá, lượng giá giá trị đa dạng sinh học, tiếp tục triển khai hiệu quả cơ chế chi trả dịch vụ hệ sinh thái tự nhiên, mở rộng chi trả dịch vụ hệ sinh thái đối với rừng ngập mặn, đất ngập nước, núi đá, hang động, công viên địa chất.

Bên cạnh đó sẽ xây dựng và triển khai chương trình, kế hoạch phục hồi, sử dụng bền vững giá trị của các hệ sinh thái tự nhiên quan trọng bị suy thoái. Phát triển các mô hình bảo tồn đa dạng sinh học, không gian xanh, các hệ sinh thái tự nhiên, cảnh quan thiên nhiên trong các đô thị.

Xa hơn nữa đến năm 2050, Quy hoạch định hướng sẽ chuyển tiếp và thành lập mới các vườn quốc gia, khu dự trữ thiên nhiên, khu bảo tồn loài và sinh cảnh, khu bảo vệ cảnh quan, cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học, hành lang đa dạng sinh học, khu vực đa dạng sinh học cao, cảnh quan thiên nhiên quan trọng và các vùng đất ngập nước quan trọng.

Các nhiệm vụ trên nhằm đạt được mục tiêu cuối cùng là quản lý hiệu quả và phát triển bền vững hệ thống rừng, góp phần nâng cao năng lực hấp thu và lưu trữ các-bon hướng tới trung hòa phát thải ròng của Việt Nam bằng “0” vào năm 2050 và tham gia thị trường các-bon.

MỚI - NÓNG