Bảo vệ vững chắc chủ quyền hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa
Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa có báo cáo giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi tới kỳ họp thứ 8 của Quốc hội. Trong đó, cử tri tỉnh Bình Thuận, Đồng Nai băn khoăn lo lắng về tình hình Biển Đông, đồng thời đề nghị Đảng, Nhà nước cần tăng cường hơn nữa công tác đối ngoại và có giải pháp hiệu quả nhằm bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Cử tri kiến nghị cần có chỉ đạo tuyên truyền, kịp thời đưa thông tin về Biển Đông về các chính sách đối ngoại của Việt Nam để nhân dân hiểu và nắm bắt kịp thời thông tin về Biển Đông tránh để kẻ xấu lợi dụng, lôi kéo kích động gây rối an ninh trật tự.
Trả lời kiến nghị cử tri, Bộ Ngoại giao khẳng định, độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ luôn là vấn đề thiêng liêng đối với đất nước. Quan điểm nhất quán của Đảng và Nhà nước ta là kiên trì, kiên quyết đấu tranh bằng các biện pháp hòa bình, phù họp với luật pháp quốc tế trước bất cứ hành vi vi phạm nào đối với vùng biển, thềm lục địa của Việt Nam được xác định phù họp với các quy định của Công ước Liên họp quốc về Luật Biển năm 1982. Đồng thời duy trì môi trường hòa bình, ổn định phục vụ phát triển.
Theo Bộ Ngoại giao, nhiệm vụ này càng trở nên cấp thiết hơn trong bối cảnh tình hình khu vực và quốc tế ngày càng có nhiều diễn biến mới, phức tạp, các tranh chấp liên quan đến biên giới lãnh thổ quốc gia, chủ quyền biển đảo diễn ra ngày càng gay gắt, khó lường, đưa đến nhiều thách thức mới và hệ lụy tiêu cực đối với an ninh và phát triển của đất nước.
Trước những diễn biến phức tạp ở Biển Đông, Đảng, Nhà nước và Chính phủ đã thường xuyên chỉ đạo các Bộ, ngành liên quan triển khai đồng bộ nhiều biện pháp, trong đó có các biện pháp an ninh - quốc phòng, chính trị - ngoại giao, kinh tế - xã hội, dư luận và tuyên truyền; thúc đẩy hợp tác giải quyết vấn đề và các biện pháp khác phù hợp với Hiến chương Liên hợp quốc, luật pháp quốc tế nhằm bảo vệ vững chắc chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam trên các vùng biển được xác định theo các quy định của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982). Trong đó có việc thực thi chủ quyền trên biển, bảo vệ các hoạt động kinh tế biển như hoạt động hợp tác thăm dò khai thác dầu khí của các doanh nghiệp, hoạt động đánh bắt bình thường của ngư dân diễn ra trên các vùng biển Việt Nam.
Trước các hành vi vi phạm chủ quyền, quyền tài phán cũng như các quyền, lợi ích hợp pháp của Việt Nam ở Biển Đông, dưới sự lãnh đạo và chỉ đạo của Đảng và Nhà nước, cùng với hoạt động đấu tranh trên thực địa, Bộ Ngoại giao, các cơ quan Chính phủ và các cơ quan đại diện ở ngoài nước đã kịp thời phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tiến hành đấu tranh ngoại giao ở các cấp, các kênh khác nhau, dưới nhiều hình thức.
Đối với Trung Quốc, ta tăng cường tiếp xúc, đối thoại, trao đổi, trao công hàm, giao thiệp phản đối, trong các dịp tiếp xúc và chuyến thăm cấp cao, hội đàm song phương, trao đổi bên lề các hội nghị quốc tế và diễn đàn đa phương hoặc trong khuôn khổ các cơ chế đàm phán về vấn đề trên biển Việt Nam - Trung Quốc; kiên quyết bác bỏ các yêu sách phi lí và hoạt động vi phạm của Trung Quốc; yêu cầu Trung Quốc phải chấm dứt ngay các hoạt động này; không tiếp diễn các hành động làm phức tạp tình hình, xâm phạm chủ quyền biển đảo Việt Nam, đặc biệt là hoạt động quân sự hóa, cản trở các hoạt động phát triển kinh tế biển của Việt Nam; tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và các lợi ích của Việt Nam.
Đối với các nước, các đối tác, bạn bè gần xa, các tổ chức quốc tế và khu vực, ta chủ động tiếp xúc, thông tin, vận động sự ủng hộ của cộng đồng và dư luận quốc tế, làm rõ để các nước hiểu chính sách của ta. Lập trường và chính nghĩa của ta được nhiều nước trong và ngoài khu vực ủng hộ, ghi nhận trong các văn kiện của các hội nghị có liên quan. Đồng thời, nhiều nước cũng có tiếng nói mạnh mẽ phê phán các hành động đơn phương, vi phạm luật pháp quốc tế, xâm phạm các quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của ta.
Đảng và Nhà nước ta cũng nỗ lực thúc đẩy hợp tác, xử lý các vấn đề còn tồn đọng trên biển với các nước láng giềng trong khu vực. Hiện nay, ta đang tiếp tục thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực ít nhạy cảm như nghiên cứu khoa học biển, tái tạo nguồn lợi thủy sản trong Vịnh Bắc Bộ, tìm kiếm cứu nạn... đàm phán phân định ở khu vực ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ với Trung Quốc, hợp tác biển với Philippines, Malaysia; đàm phán phân định vùng đặc quyền kinh tế...
Bên cạnh đó, ta cũng mở rộng việc tham vấn, trao đổi các vấn đề cùng quan tâm trên biển với các Ấn Độ, Anh, New Zealand...tham gia tích cực vào quá trình thảo luận, xây dựng các cơ chế xử lý các vấn đề phát sinh là mối quan tâm chung của cộng đồng quốc tế như xử lý rác thải nhựa, an ninh biển, môi trường biển.
Đàm phán, phân định biển với các nước láng giềng
Theo Bộ Ngoại giao, công tác thông tin, tuyên truyền về vấn đề biển đảo luôn được Đảng và Nhà nước tiếp tục được chú trọng và thực hiện đồng bộ với sự phối hợp hiệu quả giữa Bộ Ngoại giao, Ban Chỉ đạo Công tác thông tin đối ngoại, Ban Tuyên giáo Trung ương và các Bộ, ngành liên quan nhằm kịp thời cung cấp thông tin chính xác, khách quan theo đúng diễn biến tình hình đến đồng bào, cử tri cả nước, qua đó giúp đồng bào, cử tri cả nước hiểu đúng, hiểu rõ vấn đề, tạo đồng thuận cao trong xã hội trong việc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo và duy trì môi trường hòa bình phục vụ phát triển đất nước.
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đã thay mặt Chính phủ báo cáo trước Quốc hội ngày 28/10/2019 và Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung đã báo cáo tại Hội nghị Trung ương tháng 10/2019; đồng thời trao đổi trực tiếp với 800 báo cáo viên ngày 30/8/2019 để cung cấp thông tin định hướng chính xác nhất về các vấn đề trên biển.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao thường xuyên và kịp thời tuyên bố, trả lời phỏng vấn, qua đó củng cố lập trường và đảm bảo lợi ích của ta; qua nhiều kênh kịp thời thông tin đến dư luận quốc tế.
Liên quan đến tình hình Biển Đông, riêng trong năm 2019, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao đã trả lời hơn 100 câu hỏi về Biển Đông; khẳng định chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam, lập trường và chủ trương xử lý của Việt Nam; cung cấp quan điểm phù họp với chính sách đối ngoại của Đảng, Nhà nước, hài hòa lợi ích quốc gia với các quy định, luật pháp quốc tế; đồng thời phản bác lại các thông tin sai lệch ảnh hưởng đến quyền và lợi ích chính đáng của quốc gia; đồng thời chính thức cung cấp thông tin về một số diễn biến phức tạp tại Biển Đông và lập trường nhất quán của ta trong giải quyết vấn đề Biển Đông, góp phần bảo vệ quyền lợi chính đáng của ta và đóng góp tích cực trong việc duy trì hòa bình, ổn định và phát triển của khu vực.
“Thời gian tới, ta sẽ tiếp tục nhất quán chủ trương kiên trì, kiên quyết giải quyết vấn đề Biển Đông và các tranh chấp trên biển bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp luật pháp quốc tế, Công ước Luật Biển năm 1982. Trong quá trình này, Bộ Ngoại giao sẽ nỗ lực phát huy vai trò chủ trì, cùng các Bộ, ngành liên quan đàm phán, giải quyết kịp thời các vụ việc xảy ra, bảo vệ tốt các quyền và lợi ích chính đáng của ta, không để ảnh hưởng đến môi trường hoà bình, ổn định và quan hệ họp tác hữu nghị với các nước”, Bộ Ngoại giao khẳng định.
Theo đó, ta sẽ tập trung đàm phán, phân định biển với các nước láng giềng nhằm tạo dựng cơ sở pháp lý quốc tế rõ ràng, tạo điều kiện cho việc quản lý, thực thi, bảo vệ, và triển khai các hoạt động trên biển. Song song với đó, ta sẽ đẩy mạnh và mở rộng hơn nữa hợp tác trên biển trên cả bình diện song phương và đa phương trong các vấn đề như bảo đảm an ninh, an toàn trên biển, nghiên cứu khoa học biển, bảo vệ môi trường biển, cứu hộ, cứu nạn trên biển, phòng chống tội phạm trên biển nhằm góp phần xây dựng lòng tin, vì hòa bình thịnh vượng chung của khu vực và thế giới…