Đại dịch COVID-19 làm gia tăng căng thẳng Biển Đông

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng
Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng
TPO - Căng thẳng Biển Đông sẽ gia tăng do Trung Quốc lợi dụng các nước đang tập trung chống dịch COVID-19 để tăng tầm ảnh hưởng...

Sáng 15/5, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết: Tác động cộng hưởng từ suy giảm kinh tế thế giới cuối năm 2019 và đại dịch COVID-19 đã, đang và sẽ ảnh hưởng toàn diện đến tất cả các lĩnh vực. Nền kinh tế toàn cầu rơi vào tình trạng suy thoái, tác động dây chuyền có khả năng dẫn tới các cuộc khủng hoảng về năng lượng, nhiên liệu, tài chính tiền tệ.

Trong bối cảnh đó, quý I năm 2020, tăng trưởng GDP của Việt Nam đạt thấp; tất cả các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ đều bị tác động và giảm. Nhiều lao động bị cắt giảm, mất việc làm, tỷ lệ tham gia lực lượng lao động thấp kỷ lục trong 10 năm qua, tỷ lệ thiếu việc làm tăng cao nhất trong 5 năm trở lại đây, tỷ lệ thất nghiệp có xu hướng tăng. Sang tháng 4, một số ngành sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu bắt đầu có mức tăng trưởng âm.

Bên cạnh đó, theo Bộ trưởng Dũng, nền kinh tế cũng có một số “điểm sáng”: kinh tế vĩ mô 4 tháng đầu năm giữ ổn định; lạm phát được kiểm soát, xu hướng giảm dần qua từng tháng; xuất khẩu đạt 82,94 tỷ USD, tăng 4,7%, trong đó khu vực trong nước tăng 12,1%, xuất siêu khoảng 3 tỷ USD.

Chính phủ dự báo, đại dịch COVID-19 tác động sâu sắc đến các quan điểm giữa toàn cầu hóa, liên kết, hội nhập với chủ nghĩa dân tộc, dân túy, bảo hộ, biệt lập; vấn đề biên giới và chủ quyền sẽ được chú trọng hơn trong quan hệ kinh tế, bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Các quốc gia sẽ tìm cách giảm thiểu sự phụ thuộc vào một thị trường, làm thay đổi thương mại toàn cầu.

Về xu hướng phát triển tới đây, Chính phủ nhận định, các biện pháp giãn cách xã hội, đóng cửa biên giới sẽ tiếp tục gây ảnh hưởng đến hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam với các đối tác chính trong thời gian tới, đặc biệt là những nước đang chịu tác động mạnh mẽ bởi dịch Covid-19 như Mỹ và châu Âu.

Mặt khác, đại dịch COVID-19 dẫn đến xu hướng gia tăng cạnh tranh giữa Việt Nam - Trung Quốc do xu hướng các nước dịch chuyển hoạt động từ Trung Quốc sang Việt Nam và căng thẳng Biển Đông sẽ gia tăng do Trung Quốc lợi dụng các nước đang tập trung chống dịch COVID-19 để gia tăng tầm ảnh hưởng và sự bành trướng trên Biển Đông.

Trước tình hình đó, mô hình kinh tế của Việt Nam trong tương lai phải là nền kinh tế có năng lực phản ứng nhanh, chống chọi được với các cú sốc và linh hoạt thích ứng. Đồng thời mô hình tăng trưởng trong tương lai phải bảo đảm tính bền vững hơn, cần sự thay đổi trong mô hình sản xuất và tiêu dùng, đây được xem là cốt lõi của tất cả các hoạt động kinh tế.

Hai kịch bản tăng trưởng kỉnh tế, giảm chỉ tiêu tăng trưởng  

Trước những tác động nặng nề bởi đại dịch, Chính phủ đưa ra hai kịch bản, trong đó:

Kịch bản 1: Thời gian Việt Nam đã cơ bản khống chế và kiểm soát dịch từ nửa cuối tháng 4/2020 và các quốc gia là đối tác thương mại, đầu tư quan trọng với Việt Nam trong Quý III/2020, theo đó dự kiến GDP tăng khoảng 4,4- 5,2% so với năm 2019 (thấp hơn 1,6-2,4 điểm phần trăm so với mục tiêu đề ra). Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản ước tăng 2,5-2,8%, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 6,7-7,9%, khu vực dịch vụ ước tăng 2,8-3,6%.

Kịch bản 2: Thời gian Việt Nam đã cơ bản khống chế và kiểm soát dịch từ nửa cuối tháng 4/2020 và các quốc gia là đối tác thương mại, đầu tư quan trọng với Việt Nam trong Quý IV/2020, theo đó dự kiến GDP tăng khoảng 3,6- 4,4% so với năm 2019 (thấp hơn 2,4-3,2 điểm phần trăm so với mục tiêu đề ra). Trong đó: khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản ước tăng 2,1-2,5%, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 5,8-6,7%, khu vực dịch vụ ước tăng 1,8-2,8%.

Theo Bộ trưởng Dũng, yêu cầu điều chỉnh mục tiêu của năm 2020 là cần thiết và phù hợp với tình hình thực tế khách quan. Trong đó dự kiến những chỉ tiêu cần điều chỉnh là: tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng khoảng 4,5% (trước đây là 6,8%), nỗ lực phấn đấu đạt mức tăng cao hơn; trường hợp tình hình thế giới thuận lợi, dịch bệnh được kiểm soát tốt, thị trường quốc tế phục hồi, phấn đấu đạt mức tăng 5,4%, nhằm bảo đảm mục tiêu tăng trưởng GDP bình quân 5 năm giai đoạn 2016- 2020 là 6,5%.

MỚI - NÓNG