Sáu nước trong Tiểu vùng Mê Kông đã nhấn mạnh rằng loại trừ sốt rét đòi hỏi phải có hành động khẩn cấp và phối hợp, với sự hỗ trợ của các đơn vị thực hiện, các nhà tài trợ và nhiều đối tác khác.
Lời kêu gọi diễn ra trong bối cảnh lo ngại các ký sinh trùng sốt rét kháng lại các thuốc chống sốt rét, kể cả artemisinin, hợp chất chính của các thuốc sốt rét tốt nhất hiện có.
Cho đến nay, đã phát hiện thấy ký sinh trùng sốt rét kháng thuốc ở năm trong sáu nước bao gồm: Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam. Cách tốt nhất để giải quyết mối đe dọa do kháng thuốc gây ra là các nước Tiểu vùng Mê Kông cùng nhau loại trừ sốt rét.
Các nước đề nghị Tổ chức y tế thế giới (WHO) hỗ trợ để đạt được mục tiêu loại trừ sốt rét của mình.
Tiến sỹ Poonam Khetrapal Singh, Giám đốc WHO Khu vực Đông Nam Á nói: "Sốt rét là căn bệnh mà chúng ta có thể – và phải – loại trừ khỏi Tiểu vùng Mê Kông. Việc vận động để đạt mục tiêu này vào năm 2030 cho thấy lời cam kết chung của các nhà lãnh đạo trong lĩnh vực y tế ở Tiểu vùng Mê Kông sẽ đảm bảo sức khỏe và phúc lợi cho các nhóm dân yếu thế và chắc chắn không ai bị bỏ lại".
Tiến sỹ Shin Young-soo, Giám đốc WHO Khu vực Tây Thái Bình Dương nói: "Muỗi Anopheles không cần hộ chiếu hay thị thực để bay qua biên giới. Các bạn phải làm việc cùng với nhau chặt chẽ hơn nữa như trong cùng một khu vực, với cùng một chiến lược nhắm đến việc loại trừ sốt rét. Tăng tốc loại trừ sốt rét ở Khu vực Mê Kông sẽ không chỉ giúp cải thiện cuộc sống hôm nay, nó còn giúp giải phóng các thế hệ tương lại khỏi tai họa sốt rét, và sẽ là tấm gương cho các khu vực khác của thế giới".
Các nỗ lực phòng chống sốt rét gần đây ở Tiểu vùng Mê Kông đã đạt được kết quả ấn tượng. Theo ước tính mới nhất của WHO, các ca sốt rét ở sáu nước trong Tiểu vùng Mê Kông đã giảm khoảng 74% trong khoảng thời gian từ năm 2012 đến năm 2016. Các ca tử vong do sốt rét đã giảm xuống 91% so với cùng kỳ. Tình hình kháng thuốc sốt rét, nếu không được giải quyết khẩn trương,có thể hủy hoại những thành quả này.
Việt Nam đã đạt được tiến bộ quan trọng hướng tới loại trừ sốt rét những năm gần đây. So với 10 năm trước (2006) , các ca sốt rét ở Việt Nam đã giảm 81,6%, và các ca tử vong giảm xuống 92,7%. Trong năm 2016, có 4.161 ca sốt rét trong nước với 3 ca tử vong. Con số giảm ấn tượng này đạt được có thể là nhờ vào cam kết mạnh mẽ và các khoản đầu tư to lớn cho lĩnh vực phòng chống sốt rét của chính phủ Việt Nam cùng với các đối tác phát triển quốc tế.
Chính phủ Việt Nam nhận được cam kết mạnh mẽ dành cho mục tiêu loại trừ sốt rét vào năm 2030 ở Việt Nam bằng Chiến lược Quốc gia Phòng chống và Loại trừ Sốt rét giai đoạn 2011-2020, định hướng đến năm 2030.