Việt Nam – Hàn Quốc công bố Chương trình Hành động quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện

TPO - Hàn Quốc nhất trí tiếp tục tìm kiếm phương án hỗ trợ Việt Nam nâng cao năng lực thực thi pháp luật trên biển thông qua việc chuyển giao tàu hải quân, tàu cảnh sát biển đã qua sử dụng. Hai bên tiếp tục tăng cường hợp tác thực chất, hiệu quả về quốc phòng phù hợp với tiềm năng, nhu cầu của mỗi bên.
Việt Nam – Hàn Quốc công bố Chương trình Hành động quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện ảnh 1

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol. (Ảnh: Như Ý)

Đó là một trong những nội dung Chương trình Hành động về triển khai quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam – Hàn Quốc, được hai bên thống nhất nhân chuyến thăm cấp Nhà nước đến Việt Nam của Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol.

Dưới đây là toàn văn Chương trình Hành động:

Sau hơn 30 năm kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1992, hợp tác giữa hai nước Việt Nam - Hàn Quốc đã có những bước phát triển vượt bậc trên nhiều lĩnh vực, hai nước đã chính thức nâng cấp quan hệ lên “Đối tác chiến lược toàn diện” tháng 12/2022 mở ra thời kỳ phát triển mới cho quan hệ hai nước. Nhằm tăng cường và phát triển thực chất, hiệu quả hơn nữa quan hệ “Đối tác chiến lược toàn diện” giữa hai nước, Tổng thống Đại Hàn Dân Quốc Yoon Suk Yeol đã thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam từ ngày 22-24/6/2023. Nhân chuyến thăm, Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Đại Hàn Dân Quốc (sau đây gọi chung là “hai Bên”) nhất trí ký kết và thực hiện Chương trình Hành động triển khai quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Hàn Quốc (gọi tắt là “Chương trình Hành động”).

Nội dung “Chương trình Hành động” như sau:

I. QUAN HỆ CHÍNH TRỊ VÀ HỢP TÁC QUỐC PHÒNG, AN NINH

1. Hai bên tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ các chuyến thăm, giao lưu tiếp xúc giữa Lãnh đạo cấp cao hai nước thông qua các hình thức linh hoạt, đa dạng như thăm song phương, gặp gỡ tại các hội nghị đa phương, hội đàm trực tuyến, điện đàm, trao đổi thư, qua đó tăng cường quan hệ chiến lược; kịp thời trao đổi ý kiến về những vấn đề song phương quan trọng cũng như tình hình khu vực và quốc tế; thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Hàn Quốc phát triển thực chất, hiệu quả và lâu dài.

2. Hai bên tăng cường và làm sâu sắc hơn nữa hợp tác trên tất cả các kênh Chính phủ, Quốc hội, chính đảng, các tổ chức tầng lớp xã hội hai nước; mở rộng, phát triển hơn nữa cơ chế đối thoại và hợp tác giữa các bên. Hai bên nhất trí hỗ trợ tích cực các chương trình, kế hoạch giao lưu, hợp tác kênh Đảng; tiếp tục triển khai hiệu quả Thỏa thuận hợp tác đã ký giữa hai Quốc hội năm 2013 và hỗ trợ tích cực việc bổ sung, cập nhật và ký mới nhằm thúc đẩy hợp tác giữa hai Quốc hội phát triển phù hợp với tình hình mới.

3. Hai bên tiếp tục tăng cường hợp tác chặt chẽ giữa Bộ Ngoại giao hai nước nhằm tiếp tục phát huy vai trò quan trọng trong việc điều phối và thúc đẩy quan hệ hai nước; tích cực triển khai Bản ghi nhớ về thúc đẩy hợp tác trên cơ sở quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa Bộ Ngoại giao hai nước đã ký năm 2022, tăng cường điều phối và phối hợp tại các diễn đàn đa phương, trao đổi về các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm; trong khuôn khổ đó, nhất trí tiếp tục tổ chức cơ chế Đối thoại chiến lược ngoại giao, an ninh, quốc phòng Việt Nam - Hàn Quốc cấp Thứ trưởng Ngoại giao, đồng thời, tổ chức định kỳ thường niên đối thoại giữa Bộ trưởng Ngoại giao hai nước; hợp tác mở mới cơ quan đại diện tại mỗi nước theo nguyên tắc đối đẳng.

4. Hai bên tiếp tục tăng cường hợp tác thực chất, hiệu quả về quốc phòng phù hợp với tiềm năng, nhu cầu của mỗi bên và tương xứng với quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước, trong đó triển khai thực chất Tuyên bố tầm nhìn chung về hợp tác quốc phòng đến năm 2030; phát huy hiệu quả các cơ chế hợp tác thường niên ở cấp cao như hội đàm Bộ trưởng Quốc phòng, Đối thoại chiến lược quốc phòng; tăng cường hợp tác giữa các Quân - Binh chủng, nhất là Hải quân; các cơ quan, doanh nghiệp công nghiệp quốc phòng hai bên tăng cường tiếp xúc, trao đổi nhằm tìm kiếm cơ hội hợp tác; thúc đẩy hợp tác đào tạo nguồn nhân lực quốc phòng, quân y, an ninh mạng, hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc…;Hàn Quốc nhất trí tiếp tục tìm kiếm phương án hỗ trợ Việt Nam nâng cao năng lực thực thi pháp luật trên biển thông qua việc chuyển giao tàu hải quân, tàu cảnh sát biển đã qua sử dụng cho Việt Nam.

5. Hai bên tiếp tục làm sâu sắc hơn nữa hợp tác trong lĩnh vực an ninh, cảnh sát; nhất trí duy trì các cơ chế hợp tác thường kỳ như Đối thoại an ninh cấp Thứ trưởng Việt - Hàn và Hội nghị hợp tác cảnh sát cấp Thứ trưởng Việt - Hàn; tăng cường tham vấn, phối hợp lập trường tại các diễn đàn quốc tế, khu vực và các vấn đề cùng quan tâm. Tăng cường hợp tác chia sẻ thông tin, phối hợp đánh giá, dự báo về các vấn đề chiến lược có liên quan tới lợi ích và an ninh quốc gia hai nước; hợp tác ứng phó với các thách thức an ninh phi truyền thống; mở rộng hợp tác trong đấu tranh phòng chống các loại tội phạm xuyên quốc gia; tăng cường hợp tác đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực an ninh, quốc phòng; tăng cường phối hợp trong công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật nước sở tại cho công dân hai nước, nhất là quy định về xuất nhập cảnh, cư trú, hoạt động đúng mục đích nhập cảnh để hạn chế tối đa tình trạng vi phạm pháp luật. Bộ Công an Việt Nam và Cơ quan cảnh sát biển Hàn Quốc ký kết thỏa thuận hợp tác, nhất trí tăng cường hợp tác an ninh biển.

II. HỢP TÁC KINH TẾ, THƯƠNG MẠI, ĐẦU TƯ, VIỆN TRỢ PHÁT TRIỂN CHÍNH THỨC (ODA) VÀ HỢP TÁC NÔNG NGHIỆP

6. Hai bên tăng cường hợp tác chặt chẽ thông qua các biện pháp hữu hiệu như phát huy vai trò các kênh hợp tác kinh tế hai nước nhằm đưa kim ngạch thương mại song phương tăng trưởng ổn định theo hướng cân bằng, phấn đấu nâng kim ngạch thương mại hai chiều đạt 100 tỷ USD trong thời gian sớm nhất và hướng tới mục tiêu đạt 150 tỷ USD vào năm 2030.

Hai bên nhất trí mở rộng liên kết kinh tế và thương mại tự do dựa trên luật lệ trong khu vực thông qua việc xóa bỏ các rào cản thương mại, hạn chế các biện pháp phòng vệ thương mại và tăng cường hợp tác nhằm tận dụng tối đa các Hiệp định thương mại mà hai nước cùng tham gia hoặc đang đàm phán, trong đó có Hiệp định thương mại tự do song phương Việt Nam - Hàn Quốc (VKFTA), Hiệp định Thương mại Hàng hóa ASEAN - Hàn Quốc (AKTIGA), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) và khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (IPEF); nhất trí tiếp tục phối hợp chặt chẽ để đàm phán thành công IPEF. Hai bên nhất trí thúc đẩy nhanh chóng các phương án thực hiện cụ thể nhằm tạo thuận lợi thương mại và hỗ trợ hoạt động của doanh nghiệp, trong đó có việc vận hành Hệ thống trao đổi thông tin xuất xứ điện tử (EODES), ký kết Thỏa thuận công nhận lẫn nhau về Chương trình doanh nghiệp ưu tiên (AEO MRA), đẩy mạnh đàm phán Thỏa thuận song phương (MAP), Thỏa thuận trước về phương pháp xác định giá tính thuế (APA) nhằm tránh đánh thuế hai lần.

7. Hai bên tăng cường hơn nữa hợp tác trong các lĩnh vực điện tử, năng lượng tái tạo, môi trường, phát triển cơ sở hạ tầng, công nghiệp du lịch; đồng thời, tăng cường phát triển các mô hình hợp tác nhằm hình thành các khu công nghiệp kiểu mới như khu công nghiệp công nghệ cao, đô thị thông minh, tổ hợp đô thị - công nghiệp và hợp tác đầu tư, công nghệ trong quá trình thực hiện dự án.

8. Hai bên tăng cường chia sẻ kinh nghiệm hợp tác trong phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, công nghiệp bảo quản, chế biến sau thu hoạch, thúc đẩy thực hiện hiệu quả Bản ghi nhớ hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam và Bộ Nông nghiệp, Thực phẩm và Phát triển nông thôn Hàn Quốc ký tháng 4/2022. Đồng thời, phía Hàn Quốc đề nghị Chính phủ Việt Nam quan tâm và hợp tác để các dự án hợp tác phát triển nông nghiệp được triển khai thuận lợi. Hai bên nhất trí tiếp tục hỗ trợ công nghệ và hợp tác trong quá trình sản xuất, chế biến, phân phối và tiêu thụ nhằm xúc tiến thương mại cho hàng hóa nông sản và các loại thực phẩm chế biến từ nông thủy sản là những mặt hàng hai nước có thế mạnh, đồng thời, nâng cao chất lượng các sản phẩm nông sản và chăn nuôi của Việt Nam.

9. Liên quan đến việc các ngân hàng Hàn Quốc đăng ký thành lập pháp nhân hoặc mở chi nhánh tại Việt Nam,phía Việt Nam nhất trí sẽ xem xét thuận lợi việc cấp phép cho các ngân hàng này trong tổng thể Đề án tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025 trên cơ sở đánh giá sự tham gia của các ngân hàng này sẽ thúc đẩy mở rộng đầu tư của doanh nghiệp hai bên đối với hợp tác kinh tế Việt Nam - Hàn Quốc.

10. Hai bên nhất trí thúc đẩy triển khai thường xuyên, hiệu quả các cơ chế hợp tác kinh tế như Đối thoại kinh tế cấp Phó Thủ tướng Việt Nam - Hàn Quốc, Ủy ban liên Chính phủ về hợp tác kinh tế và khoa học kỹ thuật Việt Nam - Hàn Quốc và Ủy ban hỗn hợp cấp Bộ trưởng về hợp tác Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Việt Nam - Hàn Quốc, kịp thời rà soát tiến triển hợp tác giữa hai nước trên các lĩnh vực, điều phối giải quyết thỏa đáng các vấn đề tồn tại, thúc đẩy hợp tác thực chất để thu được nhiều thành quả hơn nữa.

11. Hai bên nhất trí tiếp tục hợp tác chặt chẽ trong lĩnh vực viện trợ phát triển chính thức (ODA); đặc biệt, Hàn Quốc nhất trí tiếp tục hỗ trợ Việt Nam các dự án viện trợ không hoàn lại quy mô 200 triệu USD giai đoạn 2024-2027 trong các lĩnh vực hợp tác mà hai nước cùng quan tâm như môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu, y tế, giáo dục, chuyển đổi số. Hai bên chia sẻ ý kiến cho rằng hoạt động hợp tác phát triển vì sự phát triển bền vững của khu vực miền Trung Việt Nam như Dự án rà phá bom mìn tại Việt Nam đã được thực hiện thành công trong thời gian qua và nhất trí tiếp tục hoạt động hợp tác này trong thời gian tới. Phía Hàn Quốc nhất trí đóng góp cho việc đào tạo nguồn nhân lực khoa học và công nghệ Việt Nam thông qua thúc đẩy dự án tiếp theo cho Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam - Hàn Quốc của KOICA. Đặc biệt, Hàn Quốc quyết định thúc đẩy khoản viện trợ không hoàn lại quy mô 30 triệu USD trong vòng 10 năm tới để triển khai dự án “Đối tác tương lai Hàn -Việt về nghiên cứu, phát triển và đổi mới sáng tạo” nhằm hỗ trợ phát triển các ngành công nghiệp mũi nhọn tại Việt Nam. Ngoài ra, hai bên nhất trí mở rộng Hiệp định khung về các khoản tín dụng Quỹ EDCF từ 1,5 tỷ USD giai đoạn 2016-2023 lên 2 tỷ USD giai đoạn 2024-2030, đồng thời nỗ lực thực hiện Khung hợp tác tín dụng Việt - Hàn ký tháng 12/2022, bao gồm việc hỗ trợ không ràng buộc Quỹ Xúc tiến hợp tác kinh tế Hàn Quốc (EDPF) trị giá 2 tỷ USD. Đặc biệt, hai bên nhất trí tiếp tục mở rộng hợp tác liên quan đến hỗ trợ ODA của Hàn Quốc cho các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm của Việt Nam như cầu đường, đường sắt, đường sắt cao tốc, đường sắt đô thị. Đồng thời, phía Hàn Quốc đề nghị sự quan tâm và hợp tác của Chính phủ Việt Nam để thực hiện hiệu quả các dự án hợp tác phát triển.

III. HỢP TÁC KHOA HỌC CÔNG NGHỆ, THÔNG TIN TRUYỀN THÔNG, ỨNG PHÓ BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU, QUẢN LÝ TÀI NGUYÊN THIÊN NHIÊN VÀ CƠ SỞ HẠ TẦNG

12. Hai bên nhất trí triển khai đầy đủ và hiệu quả cơ chế Ủy ban hỗn hợp cấp Bộ trưởng về hợp tác khoa học và công nghệ; đẩy mạnh các hình thức hợp tác khoa học và công nghệ đa dạng phù hợp với chiến lược phát triển bền vững của mỗi quốc gia và môi trường kinh tế quốc tế mới; tăng cường hợp tác nghiên cứu, hợp tác đào tạo chuyên gia, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ lõi, công nghệ nguồn, đổi mới sáng tạo, sinh học, công nghệ nano. Phía Hàn Quốc nhất trí góp phần thúc đẩy phát triển các ngành công nghệ lõi, công nghệ nguồn của Việt Nam thông qua hợp tác chuyển giao công nghệ. Hai bên nhất trí vận hành hiệu quả Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam - Hàn Quốc nhằm tạo động lực để hai nước ứng phó tốt hơn trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0.

13. Hai bên tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực viễn thông, công nghệ thông tin, an toàn thông tin, chính phủ điện tử, phát thanh truyền hình...; nhất trí thúc đẩy triển khai dự án hợp tác công nghệ thông tin trong lĩnh vực chuyển đổi số theo tinh thần Bản ghi nhớ về hợp tác trong lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông giữa Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam và Bộ Khoa học và Công nghệ thông tin, Truyền thông Hàn Quốc ký tháng 12/2022.

14. Hai bên nhất trí tăng cường hợp tác vì mục tiêu quản lý bền vững tài nguyên thiên nhiên trong đó có phát triển bền vững, giảm rủi ro thiên tai, giảm phát thải khí nhà kính, thích ứng với biến đổi khí hậu, chuyển đổi xanh và quản lý tài nguyên nước, tài nguyên rừng; đặc biệt, hai bên nhất trí tăng cường hợp tác nhằm thực hiện Thỏa thuận khung hợp tác về biến đổi khí hậu giữa hai Chính phủ ký năm 2021; nhất trí sớm hoàn thiện các quy định về thực hiện dự án giảm khí nhà kính quốc tế thông qua việc tổ chức Ủy ban hỗn hợp triển khai Thỏa thuận khung hợp tác về biến đổi khí hậu Việt Nam - Hàn Quốc trong năm 2023. Ngoài ra, hai bên nhất trí hợp tác để Việt Nam đăng cai tổ chức Hội nghị thượng đỉnh P4G năm 2025.

15. Hai bên tăng cường kết nối cơ sở hạ tầng giao thông, tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa hợp tác trong các lĩnh vực hai bên cùng quan tâm như: giao thông, quy hoạch đô thị, kiến trúc, nhà ở, phát triển đô thị, hạ tầng kỹ thuật...

16. Cùng với việc Việt Nam công bố Quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050 (Quy hoạch điện VIII), hai bên nhất trí hợp tác nhằm chuyển đổi sang năng lượng sạch như điện mặt trời, điện gió, năng lượng tái tạo, xây dựng nhà máy điện đồng đốt a-mô-ni-ắc, nhà máy điện khí LNG, nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng và hợp tác tích cực đối với các dự án đầu tư liên quan của doanh nghiệp Hàn Quốc. Ngoài ra, hai bên nhất trí tăng cường hợp tác cần thiết cho việc thăm dò, phát triển khoáng sản tại Việt Nam và đầu tư có liên quan của doanh nghiệp Hàn Quốc nhằm thiết lập chuỗi cung ứng ổn định cho các loại khoáng sản thiết yếu.

17. Hai bên nhất trí tăng cường hợp tác trong lĩnh vực lâm nghiệp trong khuôn khổ bảo vệ, phục hồi và quản lý bền vững rừng Việt Nam, ứng phó với biến đổi khí hậu; Hàn Quốc nhất trí triển khai tích cực hợp tác trong lĩnh vực lâm nghiệp thông qua dự án phục hồi rừng ngập mặn ở khu vực Nam Định, Thái Bình, dự án giảm phát thải từ mất rừng và suy thoái rừng (REDD+), và hợp tác thông qua Tổ chức Hợp tác rừng Châu Á (Afoco)...; đồng thời, tăng cường đảm bảo đất trồng rừng tại nước ngoài cũng như hợp tác trong nhiều lĩnh vực lâm nghiệp đa dạng như tài nguyên gỗ trong khuôn khổ đảm bảo an ninh kinh tế.

IV. HỢP TÁC LAO ĐỘNG, Y TẾ VÀ GIÁO DỤC

18. Hai bên tiếp tục duy trì Bản ghi nhớ về chương trình cấp phép cho lao động nước ngoài (EPS), nhất trí trao đổi về phương án mở rộng hợp tác lao động có trình độ chuyên môn (công nghệ thông tin, đóng tàu...) và các ngành nghề mới mà Hàn Quốc có nhu cầu; tăng cường hợp tác nhằm đẩy mạnh giao lưu chuyên gia hai nước; phía Hàn Quốc nhất trí cải thiện điều kiện sống, làm việc và đảm bảo quyền lợi cho người lao động Việt Nam và phía Việt Nam tạo điều kiện thuận lợi trong việc đơn giản hóa thủ tục đăng ký cư trú và cấp phép lao động cho người lao động Hàn Quốc tại Việt Nam; triển khai có hiệu quả các thỏa thuận hợp tác đã ký giữa Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Việt Nam với Bộ Việc làm và Lao động Hàn Quốc, Bộ Y tế và Phúc lợi Hàn Quốc, Bộ Bình đẳng giới và Gia đình Hàn Quốc trong các lĩnh vực liên quan như việc làm, phát triển thị trường lao động, an toàn vệ sinh lao động, bình đẳng giới. Hai bên nhất trí hợp tác chặt chẽ trong việc sớm thực hiện Hiệp định bảo hiểm xã hội Việt - Hàn ký năm 2022 nhằm tăng cường hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực an sinh xã hội.

19. Hai bên tăng cường hợp tác trong lĩnh vực y tế đặc biệt là hợp tác nghiên cứu, công nghệ y tế, sản xuất vắc-xin; mở rộng hợp tác giữa Chính phủ, các doanh nghiệp trong lĩnh vực dược và trang thiết bị y tế của hai nước; tăng cường hoạt động đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực liên quan đến y tế và vắc-xin; tiến hành hợp tác cần thiết trong xây dựng Trung tâm kiểm soát dịch bệnh tại Việt Nam (CDC). Hai bên sẽ thực hiện tốt Bản ghi nhớ giữa Bộ Y tế Việt Nam và Bộ Y tế và Phúc lợi Hàn Quốc trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe đã ký tháng 12/2022, ưu tiên đặc biệt trong lĩnh vực y tế dự phòng và ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực y tế. Ngoài ra, hai bên nhất trí thảo luận phương án hợp tác nhằm mở rộng thương mại đối với dược phẩm chất lượng cao của Hàn Quốc nhằm nâng cao sức khỏe cộng đồng.

20. Hai bên tiếp tục mở rộng hơn nữa hợp tác giáo dục, xem xét việc ký kết Thỏa thuận mới liên quan đến việc mở rộng giáo dục tiếng Hàn tại các Trường tiểu học và Trung học cơ sở Việt Nam sau khi Thỏa thuận về việc dạy thí điểm tiếng Hàn tại các trường Trung học phổ thông Việt Nam hết hiệu lực (hiệu lực đến hết năm học 2023-2024); tăng cường hỗ trợ du học sinh tại mỗi nước (bao gồm việc tiếp tục tuyển chọn sinh viên nhận học bổng GKS của Chính phủ Hàn Quốc) và mở rộng hỗ trợ giáo dục đối với con em gia đình đa văn hóa Việt - Hàn ở hai nước; khuyến khích hỗ trợ lập khoa tiếng Hàn trong trường Đại học tại các địa phương Việt Nam trên cơ sở căn cứ nhu cầu của các cơ sở giáo dục hai nước và đảm bảo điều kiện mở ngành đào tạo theo quy định; Hàn Quốc hỗ trợ Việt Nam tập trung xây dựng, hoàn thiện các bộ sách giáo khoa tiếng Hàn ngoại ngữ 2, ngoại ngữ 1 theo Chương trình giáo dục phổ thông mới. Hai bên nhất trí hợp tác về chuyển đổi số, cải cách chương trình giáo dục, phát triển nguồn nhân lực của trường Đại học.

V. HỢP TÁC VĂN HÓA, DU LỊCH VÀ GIAO LƯU NHÂN DÂN

21. Hai bên nhất trí tăng cường hợp tác nhằm mở rộng giao lưu nhân dân hai nước thông qua việc ký kết Thỏa thuận công nhận lẫn nhau về giấy phép lái xe quốc tế giữa Việt Nam và Hàn Quốc, góp phần to lớn tạo thuận lợi cho người dân hai nước; nỗ lực để ký kết chương trình lao động kỳ nghỉ (Working Holiday) Việt - Hàn nhằm tăng cường hiểu biết lẫn nhau và mở rộng giao lưu giữa thanh niên hai nước. Hai bên nhất trí tiếp tục hợp tác trong lĩnh vực lãnh sự thông qua việc tổ chức họp tư vấn lãnh sự Việt - Hàn.

22. Hai bên nhất trí thực hiện tốt Bản ghi nhớ hợp tác về văn hóa giữa hai Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam - Hàn Quốc giai đoạn 2023-2025; tích cực xúc tiến tổ chức các hoạt động văn hóa như triển lãm, biểu diễn, Ngày văn hóa, Tuần văn hóa... nhằm thúc đẩy sự hiểu biết lẫn nhau và tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước. Hai bên nhất trí hợp tác nhằm tăng cường giao lưu nhân lực trong lĩnh vực công nghiệp văn hóa. Hai bên đẩy mạnh hợp tác về thể dục thể thao, tăng cường các hoạt động giao lưu trao đổi đoàn cán bộ, vận động viên, huấn luyện viên, trọng tài, đặc biệt ở các môn thể thao thế mạnh của Hàn Quốc như taekwondo, bắn cung, bắn súng, bóng đá; tăng cường hơn nữa giao lưu và hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực đào tạo, quản lý thể thao, nghiên cứu khoa học thể thao.

23. Hai bên nhất trí tăng cường chia sẻ thông tin cập nhật về tình hình du lịch, các số liệu thống kê, chính sách phát triển du lịch, hoạt động xúc tiến, sản phẩm du lịch mới và xu hướng đi du lịch quốc tế của du khách… để phối hợp trong các hoạt động hợp tác, xúc tiến chung, xây dựng kế hoạch thúc đẩy trao đổi khách hai chiều. Hai bên nhất trí tạo điều kiện thuận lợi để tăng tần suất các chuyến bay, trong đó có việc mở các đường bay thuê chuyến (charter) để đáp ứng nhu cầu du khách.

24. Hai bên nhất trí mở rộng các dự án giao lưu, hợp tác hiện có của các cơ quan để giao lưu nhân dân vốn là nền tảng của hợp tác hữu nghị sẽ diễn ra sôi nổi; nhất trí hợp tác tạo điều kiện thuận lợi cho công dân nước này ổn định sinh sống tại nước kia. Đặc biệt, hai bên nhất trí mở rộng quy mô và hỗ trợ các dự án giao lưu đa dạng cho các thế hệ tương lai, trong đó có thanh niên của các cơ quan, tổ chức liên quan; đẩy mạnh giao lưu và hợp tác các địa phương có tiềm năng phát triển và tương đồng với nhau, qua đó, thúc đẩy tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước và tăng cường lợi ích lẫn nhau; nhất trí hỗ trợ giao lưu doanh nghiệp hai nước thông qua việc tổ chức sự kiện Gặp gỡ Hàn Quốc thường niên do Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam phối hợp với Bộ ngoại giao và địa phương của Việt Nam đồng tổ chức. Hai bên nhất trí dành quan tâm đặc biệt và hỗ trợ để công dân hai nước ổn định sinh hoạt, học tập, làm việc tại mỗi nước cũng như bảo vệ quyền lợi chính đáng của họ.

VI. HỢP TÁC KHU VỰC VÀ QUỐC TẾ

25. Hai bên tiếp tục hợp tác trong các diễn đàn, cơ chế quốc tế và khu vực mà hai bên cùng tham gia, cùng quan tâm như Liên hợp quốc (UN), Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC), Diễn đàn Hợp tác Á - Âu (ASEM), Hội nghị thượng đỉnh P4G, Chương trình Đông Nam Á (SEARP) của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD)....

26. Hai bên nhất trí tiếp tục tăng cường hợp tác trong các khuôn khổ của ASEAN như ASEAN - Hàn Quốc, Mekong - Hàn Quốc, ASEAN+3, Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS), Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF) và Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN mở rộng (ADMM+). Trên cơ sở lập trường chung đã nêu trong các văn kiện chung trước đây, nhất là Tuyên bố chung Việt Nam - Hàn Quốc về quan hệ Đối tác chiến lược toàn diệntháng 12/2022, hai bên nhất trí tăng cường hợp tác về các vấn đề liên quan đến hòa bình, an ninh khu vực như vấn đề Biển Đông, vấn đề hạt nhân Triều Tiên.

Việt Nam tái khẳng định lập trường hoan nghênh Hàn Quốc công bố Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và Sáng kiến Đoàn kết Hàn Quốc - ASEAN. Hai bên coi đây là cơ sở của nỗ lực chung nhằm công bố việc thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Hàn Quốc - ASEAN nhân kỷ niệm 35 năm ngày thiết lập quan hệ đối thoại Hàn Quốc - ASEAN vào năm 2024 và nhất trí tích cực hợp tác để công bố việc thiết lập quan hệ này.

Hai bên nhất trí tiếp tục hợp tác vì sự phát triển bền vững và phục hồi của tiểu vùng Mekong, Việt Nam đánh giá cao việc Hàn Quốc tăng hỗ trợ tài chính cho Quỹ hợp tác Hàn Quốc - Mekong (Mekong - ROK Cooperation) và việc Hàn Quốc xem xét trở thành đối tác phát triển của Ủy hội sông Mekong (Mekong River Commission).

27. Hai nước nhất trí tăng cường phối hợp chặt chẽ, ủng hộ lẫn nhau giữa Quốc hội hai nước tại các diễn đàn liên nghị viện khu vực và thế giới, nhất là trong khuôn khổ Liên minh Nghị viện thế giới (IPU), Diễn đàn Nghị viện Châu Á - Thái Bình Dương (APPF); hỗ trợ tích cực việc tăng cường trao đổi, hợp tác giữa hai Quốc hội trong các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm.

28. Hai bên nhất trí cùng hợp tác ứng phó với các thách thức toàn cầu, các vấn đề an ninh phi truyền thống, bao gồm bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu, an ninh năng lượng, an ninh lương thực, an ninh kinh tế; tăng cường trao đổi chính sách liên quan đến biển, hợp tác bảo vệ môi trường biển; tiếp tục phối hợp lập trường trên các vấn đề quốc tế, khu vực cùng quan tâm, cùng chung lợi ích.

VII. VỀ CƠ CHẾ THỰC HIỆN, THỜI ĐIỂM TRIỂN KHAI VÀ THỜI HẠN HIỆU LỰC

29. Hai bên nhất trí tổ chức đối thoại thường niên Bộ trưởng Ngoại giao hai nước để rà soát việc thực hiện hiệu quả Chương trình Hành động. Hai bên nhất trí cùng nhau đánh giá việc thực hiện Chương trình Hành động, trao đổi thông tin liên quan, rà soát tình hình thực hiện của từng dự án và hoạt động, đồng thời, trao đổi các phương án mở rộng hợp tác tại đối thoại giữa Bộ trưởng Ngoại giao hai nước.

30. Chương trình Hành động này có hiệu lực 05 năm kể từ ngày ký. 06 tháng trước khi Chương trình Hành động này hết hiệu lực, nếu không có bất kỳ bên nào thông báo bằng văn bản cho bên kia yêu cầu chấm dứt Chương trình Hành động này, thì thời hạn có hiệu lực của Chương trình Hành động này sẽ tự động kéo dài thêm 05 năm, và tiếp tục gia hạn theo phương thức này.

31. Chương trình Hành động có thể được sửa đổi, bổ sung khi có sự đồng ý bằng văn bản của hai bên. Văn bản sửa đổi, bổ sung sẽ trở thành một phần không thể tách rời của Chương trình Hành động.

32. Chương trình Hành động này được ký ngày 23 tháng 6 năm 2023 tại Hà Nội, thành hai (02) bản chính, mỗi bản bằng tiếng Việt và tiếng Hàn, các văn bản có giá trị như nhau.

Hai Bên khẳng định, Chương trình Hành động có ý nghĩa quan trọng trong việc chỉ đạo quan hệ Việt - Hàn phát triển thời gian tới. Hai bên nhất trí cho rằng các biện pháp hợp tác trong Chương trình Hành động sẽ là động lực mới cho quan hệ hợp tác chiến lược toàn diện giữa hai nước, không chỉ phù hợp với lợi ích cơ bản của hai nước mà còn đóng góp vào hòa bình, ổn định và thịnh vượng khu vực. Hai bên đánh giá chuyến thăm cấp Nhà nước đầu tiên của Tổng thống Hàn Quốc tới Việt Nam sau khi hai nước nâng cấp mối quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện đã mở ra một chân trời mới cho quan hệ hai nước và sẽ hợp tác chặt chẽ hơn nữa trong khu vực cũng như cộng đồng quốc tế vì sự thịnh vượng chung hài hòa.

Đại diện Chính phủ Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam

Bùi Thanh Sơn

Bộ trưởng Bộ Ngoại giao

Đại diện Chính phủ Đại Hàn Dân Quốc

Park Jin

Bộ trưởng Bộ Ngoại giao

Tin liên quan