Việt Nam đối mặt với vấn đề y tế toàn cầu

TPO - Số lượng bệnh nhân lao kháng thuốc được phát hiện, thu dung điều trị tăng dần qua từng năm. Cùng với đó bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính là một trong các bệnh không lây nhiễm ưu tiên đã được đưa vào trong Chiến lược quốc gia phòng, chống bệnh không lây nhiễm khác giai đoạn 2015-2025. Ngoài ra Chiến lược quốc gia về phòng, chống kháng thuốc giai đoạn 2023-2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã được ban hành.

Thông tin trên được Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương đưa ra tại sự kiện khởi động dự án "Đối tác Sydney Châu Á Thái Bình Dương về đổi mới y tế và hệ sinh thái bền vững" (SAPPHIRE) do Viện Đại học Sydney Việt Nam phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức.

Hiện nay bệnh lao, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) và kháng kháng sinh là các vấn đề y tế toàn cầu và yêu cầu các hành động đáp ứng liên ngành, đa quốc gia để có thể đạt được các Mục tiêu Phát triển Bền vững...

TS. Angela Pratt, Trưởng Đại diện Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam nhấn mạnh: “Chiến lược quốc gia phòng, chống lao đến năm 2020, tầm nhìn 2030 và chiến lược quốc gia về phòng, chống kháng thuốc của Chính phủ Việt Nam là một cột mốc quan trọng trong nỗ lực của Việt Nam trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân. Vì vậy, cần hành động, phối hợp chung tay mạnh mẽ hơn từ các cá nhân, tất cả các lĩnh vực của xã hội, bao gồm sức khỏe con người, sức khỏe động vật, thực vật và môi trường để hỗ trợ việc thực hiện hiệu quả các chiến lược này".

Dự án SAPPHIRE sẽ tập trung vào phát hiện và phòng ngừa bệnh lao; kháng kháng sinh (trong y tế và nông nghiệp); và bệnh phổi mạn tính, trong khi dự án APCOVE (Hiệp hội Dịch tễ học thú y Châu Á Thái Bình Dương) sẽ nâng cao năng lực cho các chuyên gia thú y để phát hiện sớm các bệnh lây truyền từ động vật sang người.

Các dự án này đều được Chính phủ Úc tài trợ thông qua sáng kiến Hợp tác vì một khu vực khỏe mạnh với kỳ vọng góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân Việt Nam và bảo vệ sức khỏe cộng đồng.

Việt Nam đối mặt với vấn đề y tế toàn cầu ảnh 1

Các đại biểu dự sự kiện

Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết bệnh lao hiện nay vẫn còn nhiều mối lo ngại. Theo đó có tới 40% số người mắc lao không được phát hiện; năm 2018, Việt Nam đứng thứ 11 trong 30 quốc gia có gánh nặng cao về bệnh lao và do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, Việt Nam đứng thứ 7 trong 10 nước có tỉ lệ giảm phát hiện lao cao nhất trên thế giới

Dự án SAPPHIRE được dẫn dắt bởi GS Greg Fox. Ông là giáo sư chuyên khoa nội hô hấp tại Khoa Y và Sức khỏe của Trường Y Sydney, đồng thời là Giám đốc Mạng lưới Học thuật Sydney Việt Nam và Trưởng nhóm Nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Y khoa Woolcock.

GS Fox cho biết: “Bệnh lao, bệnh mãn tính và tình trạng kháng thuốc kháng sinh là những vấn đề cấp bách đối với sức khỏe cộng đồng tại Việt Nam. Đối với tình trạng kháng thuốc kháng sinh, SAPPHIRE sẽ hỗ trợ mở rộng quy mô các chương trình quản lí tại 40 cơ sở chăm sóc sức khỏe tuyến huyện tại Việt Nam; áp dụng phương pháp tiếp cận 'Một sức khỏe' để hiểu rõ hơn về việc sử dụng kháng sinh trong nông nghiệp và y tế; đồng thời xây dựng các chương trình giảm thiểu việc lạm dụng kháng sinh”.

Hợp phần về bệnh mãn tính của SAPPHIRE sẽ hỗ trợ mở rộng quy mô của Chiến lược Quốc gia Phòng chống Bệnh không lây nhiễm giai đoạn 2015-2025 của Việt Nam. Chiến lược này sẽ tập trung vào bệnh hô hấp mãn tính và ung thư bằng cách mở rộng hỗ trợ điều trị bệnh phổi tại bốn tỉnh, hỗ trợ các chiến lược cai thuốc lá và xây dựng năng lực chẩn đoán hình ảnh tại năm tỉnh.

Thay mặt Lãnh đạo Bộ Y tế, Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương gửi lời cảm ơn WHO, FAO, Đại sứ quán Úc tại Việt Nam, Bộ Ngoại giao và Thương mại Úc, Đại học Sydney, Viện Đại học Sydney Việt Nam và các đối tác, tổ chức quốc tế đã hỗ trợ, ủng hộ, tạo điều kiện để Việt Nam tham gia dự án SAPPHIRE và triển khai các hoạt động quản lý, phòng, chống lao, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và kháng kháng sinh góp phần thực hiện mục tiêu của các chiến lược quốc gia.

MỚI - NÓNG
Nhập viện vì tự làm bác sĩ
Nhập viện vì tự làm bác sĩ
TP - Gần đây, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương tiếp nhận, điều trị nhiều ca bệnh nhiễm độc cấp nặng liên quan việc sử dụng thuốc không rõ nguồn gốc, đặc biệt là các loại thuốc được mua trên mạng, không được kiểm chứng.
Tình quân dân, nghĩa đồng bào
Tình quân dân, nghĩa đồng bào
TPO - Trong đợt mưa lũ lịch sử vừa qua, nước sông Cầu dâng cao gây ngập nhiều khu vực dân cư ven sông thuộc thành phố Thái Nguyên. Theo thống kê, có 17 xã, phường của thành phố nằm ven sông bị ngập sâu, nhiều khu vực bị cô lập.