Truyền thông Mỹ đưa tin, Trung Quốc vừa đưa máy bay chiến đấu ra Hoàng Sa và lắp đặt hệ thống radar ở Trường Sa. Ông có thể xác nhận thông tin này và cho biết phản ứng của Việt Nam?
Người Phát ngôn Lê Hải Bình: Chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo là không thể tranh cãi. Bất chấp sự phản đối và quan ngại của Việt Nam và cộng đồng quốc tế, Trung Quốc tiếp tục có các hành động không chỉ xâm phạm chủ quyền của Việt Nam, thúc đẩy quân sự hóa ở biển Đông, mà còn đe dọa hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải và hàng không ở biển Đông. Chúng tôi kiên quyết phản đối những hành động xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, yêu cầu Trung Quốc có những lời nói, hành động có trách nhiệm và mang tính xây dựng trong việc duy trì hòa bình, ổn định ở khu vực, cũng như trên thế giới trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982 và Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC).
Khi dự Hội nghị hẹp Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN từ ngày 26 đến 27/2 tại Lào, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh có nêu các diễn biến đáng lo ngại gần đây trên biển Đông hay không?
Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình.
Các vấn đề quốc tế và khu vực mà các nước ASEAN quan tâm sẽ được nêu tại hội nghị. Bất kỳ vấn đề nào đe dọa hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải, hàng không ở biển Đông cũng sẽ được nêu. Như tôi đã nói, các diễn biến gần đây cho thấy hòa bình, an ninh, an toàn hàng hải ở biển Đông đang bị đe dọa.
Báo Mỹ đưa tin, Mỹ có kế hoạch đưa giàn pháo di động đến biển Đông. Xin cho biết bình luận của Việt Nam?
Việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải, hàng không ở biển Đông là lợi ích chung của tất cả các nước trong và ngoài khu vực. Vì vậy, chúng tôi mong muốn các bên có hành động trách nhiệm và mang tính xây dựng trong việc duy trì hòa bình, ổn định ở biển Đông và khu vực, trên cơ sở tôn trọng Hiến chương Liên Hợp Quốc, luật pháp quốc tế, nhất là dựa trên UNCLOS 1982.
Với việc đẩy mạnh quân sự hóa ở Hoàng Sa, Trường Sa, Trung Quốc đang thay đổi cục diện, cán cân quyền lực biển Đông và Mỹ phản ứng bằng cách tuần tra trên biển Đông, kêu gọi các đồng minh cùng tuần tra… Nếu nhận được đề nghị từ Mỹ và các đồng minh về tuần tra chung trên biển Đông thì Việt Nam có tham gia để khẳng định chủ quyền và tự do đi lại? Chính sách không dựa vào nước này chống nước khác có ngăn Việt Nam tham gia những hoạt động như vậy?
Chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là không thể tranh cãi. Chúng tôi đã, đang và sẽ tiến hành các hoạt động bình thường của mình trên những khu vực này, phù hợp với luật pháp Việt Nam và luật pháp quốc tế, nhất là UNCLOS 1982. Chúng tôi cũng khẳng định những hoạt động này của các lực lượng chức năng Việt Nam luôn đóng góp cho hòa bình, ổn định ở khu vực và trên thế giới. Chúng tôi đã nhiều lần nêu rõ quan điểm của mình là Việt Nam tôn trọng quyền đi lại vô hại trong lãnh hải, được thực hiện phù hợp với quy định liên quan của luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS 1982. Đồng thời, chúng tôi đề nghị các nước đóng góp tích cực và thiết thực vào việc duy trì hòa bình, ổn định ở biển Đông, tôn trọng luật pháp quốc tế. Đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ của Việt Nam đã được các nước trong và ngoài khu vực đánh giá cao, góp phần duy trì hòa bình, ổn định khu vực.
Trước đây từng có nhiều diễn biến leo thang căng thẳng trên biển Đông. Việc triển khai radar, tàu chiến, máy bay… hiện nay của Trung Quốc có khác gì so với những bước leo thang căng thẳng trước đây?
Những diễn biến gần đây trong khu vực quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa cho thấy nguyên trạng khu vực đang bị phá vỡ, đặc biệt đáng lo ngại hơn là tình trạng quân sự hóa ở biển Đông. Chúng tôi cho rằng, đây là những hành động hết sức đáng lo ngại, ảnh hưởng đến hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải và hàng không ở khu vực.