Việt Nam có thể chế tạo tàu ngầm cỡ nhỏ

Thử nghiệm tàu ngầm Hòa Bình tại Cam Ranh. Ảnh: Hoài Nguyệt
Thử nghiệm tàu ngầm Hòa Bình tại Cam Ranh. Ảnh: Hoài Nguyệt
TP - Ngày 21/9, khi tiến hành thử nghiệm tàu ngầm Hòa Bình tại vùng nước của cảng nhà máy đóng tàu Cam Ranh, có người khuyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Nguyễn Quân đừng xuống tàu vì e ngại đây là lần đầu thử nghiệm, Bộ trưởng Quân không nghe. Mới đây, trả lời tại Quốc Hội, ông nói “tôi dám ngồi tàu ngầm vì tin nhà khoa học”.

Bộ trưởng “lặn” cùng các nhà khoa học

Ý định phát triển công nghệ đóng tàu trong lĩnh vực tàu ngầm ở Việt Nam có từ khá lâu. Năm 2007, Tập đoàn Vinashin khởi động ý định thiết kế và chế tạo tàu ngầm tại Việt Nam với dự kiến hợp tác cùng Cty NEMO của Đức. Việc ký kết hợp đồng không thành do NEMO không đồng ý hợp tác trong lĩnh vực thiết kế mà chỉ chuyển giao công nghệ lắp ráp với giá thành chuyển giao công nghệ khá đắt (1,2 triệu USD).

Năm 2009, một nhóm các nhà khoa học của Cty Cổ phần Đầu tư và Phát triển công nghệ cao Vinashin (HiTechShin), sau một thời gian không có việc làm do sự khó khăn của Vinashin, đã quyết định sản xuất thử nghiệm tàu lặn cỡ nhỏ. Họ và một nhóm hỗ trợ nghiên cứu đã tự bỏ ra khoảng 28 tỷ đồng để thực hiện dự án.

Được Bộ KH&CN hỗ trợ thêm khoảng 3 tỷ đồng, nhóm đã tiến hành nghiên cứu, chế tạo sản xuất tại Việt Nam theo tiêu chuẩn quốc tế bằng cách ký kết hợp đồng kiểm duyệt thiết kế với cơ quan đăng kiểm Germanischer Lloyd (GL) CHLB Đức và hợp đồng cố vấn với các chuyên gia. Tất cả các công đoạn từ thiết kế, chọn nguyên vật liệu, xây dựng quy trình công nghệ đến khâu chế tạo và thử nghiệm tàu lặn đều được giám sát chặt chẽ bởi GL.

“Một chiếc tàu tương tự như thế, mua ở nước ngoài chúng ta phải mất từ 5-7 triệu USD trong khi tàu Việt Nam sản xuất chỉ 1,5 triệu USD. Nếu chúng ta thuê những con tàu này để kiểm tra giàn khoan trong ba năm thì giá còn đắt hơn so với chế tạo một con tàu tại Việt Nam”.

Bộ trưởng Nguyễn Quân

Ở thời điểm bắt đầu dự án, nhóm thực hiện chưa từng có kinh nghiệm chế tạo tàu ngầm dù đã từng thiết kế, chế tạo một số thiết bị liên quan khác. Trong quá trình thiết kế, chế tạo tàu ngầm Hòa Bình, nhà khoa học Việt Nam trực tiếp tham gia dưới sự cố vấn và chuyển giao của nhà khoa học Đức. Hình hài tàu ngầm dần được hình thành theo thời gian với chiều dài 6,63 m, chiều cao 2,74m, tốc độ di chuyển 4,5 hải lý/giờ, thời gian lặn 24h, độ sâu lặn 50m, số lượng thuyền viên bốn người, vượt so với thiết kế ban đầu là ba người.

Vịnh Cam Ranh ngày 21/9, tàu ngầm Hòa Bình được thử nghiệm ở độ sâu 15m dưới biển, gió nhẹ, sóng khoảng cấp 4, thử nghiệm các chế độ đứng tại chỗ, lặn xuống, nổi lên và thử quay vòng. Cùng ngồi với Bộ trưởng Nguyễn Quân có ông Bùi Xuân Dũng, Phó Tổng giám đốc HiTechShin và hai nhà khoa học khác. Tàu ngầm Hòa Bình thử nghiệm thành công và đang chờ cấp phép đăng kiểm của CHLB Đức.

Triển vọng phát triển công nghiệp chế tạo tàu ngầm cỡ nhỏ

Theo Bộ KH&CN, sau dự án này chúng ta đã làm chủ quy trình thiết kế, chế tạo, lắp ráp, vận hành, thử nghiệm tàu ngầm cỡ nhỏ theo tiêu chuẩn quốc tế, được cơ quan đăng kiểm nước ngoài (GL, Đức) công nhận.

Có một thực tế, Việt Nam đang cần nhiều loại tàu ngầm nhỏ để phục vụ nhu cầu du lịch biển, nghiên cứu đại dương. Việc thiết kế, chế tạo thành công tàu ngầm Hòa Bình mở ra triển vọng đóng các tàu lặn phục vụ những nhu cầu trên. Ưu thế của sản phẩm do người Việt thiết kế, chế tạo là chi phí thấp. “Một chiếc tàu tương tự như thế, mua ở nước ngoài chúng ta phải mất từ 5-7 triệu USD trong khi tàu Việt Nam sản xuất chỉ 1,5 triệu USD. Nếu chúng ta thuê những con tàu này để kiểm tra giàn khoan trong ba năm thì giá còn đắt hơn so với chế tạo một con tàu tại Việt Nam”, Bộ trưởng Nguyễn Quân nói.

Không chỉ dừng lại ở đó, những người chế tạo, sản xuất có thể nuôi tham vọng xuất khẩu sản phẩm này sang các nước trong khu vực.

Những tàu ngầm đến từ đam mê khoa học

Ngoài tàu ngầm Hòa Bình, Việt Nam có hai sản phẩm tàu ngầm khác do người Việt tự chế tạo, tàu ngầm Trường Sa của doanh nhân Nguyễn Quốc Hòa ở Thái Bình và tàu ngầm Yết Kiêu của ông Phan Bội Trân. Tác giả của tàu ngầm Yết Kiêu, ông Phan Bội Trân (hậu duệ của nhà yêu nước Phan Bội Châu) từng có nhiều năm làm việc cho các hãng chuyên về làm tàu ngầm và vỏ trực thăng của Pháp. Doanh nhân Nguyễn Quốc Hòa là kỹ sư từng học tập chuyên ngành chế tạo máy ở Cộng hòa dân chủ Đức.

Tàu ngầm của ông Trân theo tiết lộ, đã được một doanh nghiệp ở nước ngoài đặt mua năm chiếc. Tàu ngầm Trường Sa hiện vẫn nằm một chỗ. Theo Bộ trưởng Nguyễn Quân, các nhà khoa học dù không nằm trong đơn vị nghiên cứu nào nhưng có tinh thần sáng tạo, đam mê là một điều vô cùng đáng quý, thể hiện tinh thần hiếu học, tìm tòi của dân tộc ta, cần khích lệ.

Thời gian qua báo chí nêu nhiều về rào cản mà các nhà khoa học này gặp phải trong quá trình chế tạo, thử nghiệm, nhất là với tàu ngầm Trường Sa. Theo một chuyên gia, rào cản lớn nhất thuộc về hệ thống cơ chế tài chính hỗ trợ. Muốn được hỗ trợ phải thông qua đăng ký đề tài, dự án, chưa có một cơ chế quỹ đầu tư mạo hiểm nào của nhà nước có thể cấp ngay vài tỷ đồng để đầu tư.

Một khía cạnh khác là các nhà khoa học này chưa thực hiện chế tạo, thử nghiệm một cách bài bản. Muốn sản phẩm lưu thông được phải đăng ký với cơ quan đăng kiểm từ khi thiết kế, được cơ quan đăng kiểm cấp phép khi thử nghiệm. Việc này là để đảm bảo an toàn cho chính người chế tạo và những người khác. “Đến khi mọi việc đã xong thì cơ quan chức năng rất khó góp ý, sửa đổi”, Bộ trưởng Quân cho hay.

Ví dụ, tàu ngầm Trường Sa là loại cỡ nhỏ nhưng lại sử dụng động cơ diesel nên hệ thống xử lý khí thải sẽ rất phức tạp và chiếm không gian. Thực tế, với tàu lặn cỡ nhỏ nên sử dụng động cơ điện thì hợp lý hơn. Ngoài ra, các tiêu chuẩn về an toàn trong việc cứu sinh khẩn cấp, nổi khẩn cấp, cứu hộ sự cố khi đang ở trạng thái lặn cũng chưa thấy tác giả đề cập đến.

MỚI - NÓNG
Ngư dân ở Lăng Cô trắng tay
Ngư dân ở Lăng Cô trắng tay
TPO - Qua nhiều năm gắn bó với nghề nuôi trồng thủy sản trên đầm Lập An, chưa bao giờ người dân thị trấn Lập An, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên-Huế, lại chịu những thiệt hại dồn dập về nhà cửa, khu hạ tầng nuôi trồng thủy sản, cá bị trôi mất, bị chết do sốc ngạt nước như hiện nay.